Hết hàng
Giá: 25.000₫
  • Nhà sản xuất: Chưa cập nhật
  • Mã sản phẩm: PG0215
  • Tình trạng: Sách này hết

Ý Tổ Sư Trên Đầu Ngọn Cỏ

Tác giả: Chân Hiền Tâm
NXB: Tổng Hợp TPHCM 2008
Tình trạng: Sách tốt, 126 trang khổ 14.5X20.5

 

Thường thì những ngôn từ không hay, hay những kiểu cư xử được gọi là “thiếu văn hóa” chỉ xảy ra với những kẻ mà thiên hạ gọi là lưu manh, bất lương hay trong những khu vực nghèo khó. Nhưng hình như không phải. Đó chỉ là một trong các duyên khiến những thứ đó có điều kiện xuất hiện nhiều hơn mà thôi. Nhân duyên chính, vẫn từ ba thứ tham - sân - si trong chính mình.

Khi mọi thứ êm ả trôi đi, mình cũng hiền lành thánh thiện như ai. Nhưng một ngày đẹp trời nào đó, một cô nàng xuất hiện bám lấy anh chàng của mình. Lập tức, tam bành lục tặc trong mình nổi lên. Mình điên tiết phát ngôn. Loại ngôn từ phát ra, âm thanh khiến người nghe long óc, mình thì mất sức mệt nhoài, nhưng cứ thế mà hùng dũng lẫm liệt. Ré một cách khoẻ khoắng như còi xe lửa rú lên giữa đêm trường thanh vắng. Thế mới biết, cái gốc của những thứ đó không phải do nghèo khó hay thất học. Chính là từ tham - sân - si mà ra. Chả trách họp hội nghị cấp cao, toàn là dân trí thức, mà ôm nhau vật lộn như hai đứa con nít.
Khu hẽm nhà tôi không phải khu vực nghèo khó. Chỉ toàn thứ dữ, có tôi là mạt nhất. Vậy mà chút nước đổ ra hẽm cũng có chuyện để ầm ỉ. Một con hẽm chia đều bốn nhà. Nhưng không ai muốn phần hẽm nơi nhà mình đọng nước. Người quơ qua bên này. Kẻ quét lại bên kia. Làm sao đó để mặt nhà mình khô ráo, còn thiên hạ ai chết mặc ai. Thế là cả ba chưởi nhau chí choé.
Mình không phải là đứa cao thượng, nhưng ồn quá thì không thể làm việc. Vì thế, đành mở cửa xuống nước “Xin dồn hết qua nhà con, từ từ nó bốc hơi …”. Không ngờ, chiêu ấy lại có kết quả. Ba nàng lập tức bỏ cuộc. Không thấy ai quét lui quét tới gì nữa. Cũng không thấy ai to tiếng với nhau. Mình như chó táp phải ruồi, không ngờ chỉ một chiêu mà việc lại tốt như thế. Nhưng không phải khi nào những hành động thánh thiện cũng được đền đáp một cách xứng đáng.
Ngày nào, cũng có rác dồn qua trước nhà. Chư Tổ ngày xưa, vẫn khiên đá làm đường cho mọi người đi qua, xá gì một vài bao rác. Thành anh nhà tôi miệt mài đổ rác thay người. Một lần, hai lần, ba lần, cho đến mấy chục lần … Thứ gì thành thói quen, nó trở thành việc tự nhiên. Cái mặt tiền nhà mình trở thành chỗ dồn rác chờ xe tới xúc, không phải chỉ một nhà mà hình như của khá nhiều nhà. Anh trở thành nhà đổ rác chuyên nghiệp.
Anh thay nghề đổ rác bằng công việc của một thám tử tư. Té ra là hàng của cô hàng xóm xinh đẹp. Vì nhà cô đẹp, nên rác được dồn qua nhà mình cho tiện. Đằng nào cũng đổ một lần, khỏi nhọc lòng anh đổ rác.
Rác được mang qua, thám tử lại âm thầm mang trở về. Nhà hàng xóm thấy rác chạy lại nhà mình, lại âm thầm trả về chỗ cũ. Cuộc chiến cứ thế mà diễn ra trong thầm lặng. Rác chạy qua rồi lại chạy về. Người nhất định phải mệt, không biết lũ rác có mệt không? Chắc mệt. Chỉ vì người người đi quá giới hạn của mình.
Chuyện rồi cũng phải chấm dứt. Thế gian này có thứ gì mà thường hằng?
Một ngày đẹp trời, bỗng dưng cô chủ về nhà sớm. Anh hốt rác chưa kịp tới. Rác không nằm bên đây mà lại nằm ngay trước mặt nhà cô. Chắc con bé bận làm cơm, nên chưa kịp tải nó lại bên này. Thấy rác choáng hết mặt tiền, cô hét toán “Rác nhà ai để đây?”. Con bé hoảng hồn chạy ra “Dạ nhà mình”. “Sao lại để rác đây”. “Dạ bình thường con để bên nhà chú Q. nhưng không biết mấy ngày nay ai cứ đem qua lại bên này. Con đem qua, nó lại chạy về …”. Cô chủ nhỏ tắt tiếng, bước nhanh vào nhà. Từ đó, rác không còn lang thang. Chỗ để mấy bao rác, bỗng dưng mọc lên hai cây bồ đề cao quá đầu gối. Chẳng ai trồng trọt cũng chẳng ai chăm sóc, cứ thế mà vươn lên.
Chuyện đời là thế, nhưng cái chuyện ấy lại khiến mình nghĩ đến những dấy khởi trong tâm. Những suy nghĩ lương thiện, mình nhẹ nhàng với nó, có làm tôi đòi nó chút đỉnh, cũng không sao. Nó vẫn dẫn lại cho mình cái quả tươi đẹp. Nhưng với những dấy niệm thuộc tham sân, nếu mình phục dịch chìu chuộng nó mà không tính pháp đối trị, thì cực với nó vạn đời. Nó sẽ khiến mình nhọc thân nhọc tâm hết sức. Thành phải tùy cơ mà đối trị. Trị mà cương, thì dễ sức đầu mẽ trán. Thành trị mà phải khéo : Không quá cương cũng không quá nhu. Cứ từ từ chậm rãi giải quyết từng tên một. Tên nào ló mặt, mình phải nhận dạng nó tức thì : Niệm thiện hay niệm ác? Niệm ác thì mời nó nhập niết bàn tức khắc. Nó chưa chịu nhập, mình phải có thời gian khuyên nhủ tỉ tê, khiến nó nhập cho lẹ. Đủ cơ duyên, nó cũng phải trở về đúng vị trí của nó : Không. Một lúc nào đó, những dấy khởi tham sân của mình không còn, thì cảnh giới ngoài tâm cũng được giải quyết. Duyên của chúng sanh là vậy. Không dám lạm bàn trong cái duyên là chư Phật và chư vị Bồ tát, là những vị hiện thân theo nguyện lực, không phải theo nghiệp lực như chúng sanh.

Icon-Zalo Chat Zalo Icon-Messager Chat Messenger Icon-Twitter 0989.885.646 Icon-Youtube Kênh Youtube Icon-Instagram Bản đồ Lên đầu trang