Vụ Án Hóa Thân
Tác giả: Franx Kapka
Dịch giả: Phùng Văn Tửu - Đức Tài
NXB: Văn học 1989
Tình trạng: Tốt, gáy bìa nguyên vẹn, 354 trang khổ 13X19
Vụ án được viết vào khoảng năm 1914 và in lần đầu năm 1926 ở Đức. Cũng như các bản thảo khác còn lưu lại của Kapka sau khi ông qua đời, Vụ án chưa phải là một bản thảo hoàn chỉnh. Theo Măc Brôt cho biết, cuốn tiểu thuyết chưa có cả nhan đề, nhưng lúc sinh thời, Kapka vẫn thường nói với ông rằng tác phẩm ấy tên là “Vụ án”. Tiểu thuyết có 10 chương trọn vẹn, tiêu đề của từng chương là của tác giả nhưng thứ tự các chương chưa được sắp xếp. Ngoài ra còn một số chương đang viết dở dang. Măc Brôt đã chỉnh lý, sắp xếp và gạt ra ngoài những chương còn dang dở. Tuy thế, do phong cách của Kapka ở đây, thêm bớt chương này hay chương khác dường như không ảnh hưởng mấy đến cơ cấu của toàn cục nên tác phẩm như ta có hiện nay vẫn có thể coi là một đơn vị tiểu thuyết trọn vẹn.
Thông thường, mỗi tác phẩm là một thế giới do nhà văn dựng lên theo những qui luật riêng nhằm phản ánh một mảng hiện thực hoặc diễn tả một vấn đề gì đấy. Có thể nói mỗi tác phẩm là một hệ thống ký hiệu nhằm đem đến cho bạn đọc một thông báo. Quan hệ giữa ký hiệu và thông báo, hay cũng có thể nói quan hệ giữa chữ và nghĩa, là quan hệ giữa tác phẩm và điều tác phẩm muốn nói với chúng ta. Hai mặt đó không trùng khít mà luôn có khoảng cách. Chính vì thế, Aragông, nhà văn Pháp, đã viết: “Tiếu thuyết là một ngôn ngữ trong đó các từ mang nghĩa không hoàn toàn khớp, thậm chí khác hẳn với nghĩa được xác định trong các từ điển.” Đó cũng chính là khoảng cách nghệ thuật giữa cái thế giới được sáng tạo trong tác phẩm và cái thế giới tương ứng có thực ở ngoài đời.
Mỗi trường phái, mỗi nhà văn có cách riêng xây dựng thế giới nghệ thuật của mình. Nói chung, người ta dùng các chất liệu do thế giới hiện thực cung cấp: các dạng người với tư tưởng, tình cảm, quan hệ xã hội của họ, không gian, thời gian, đường phố, làng quê, nhà cửa, cây cối, đồ đạc, súc vật… Các chất liệu ấy được tổ chức lại theo qui luật thông thường. Có khi người ta đưa vào tác phẩm những chất liệu không có trong thực tế như thần thánh, ma quỉ, những con người khổng lồ, những súc vật biết nói, các chốn bồng lai và các tầng địa ngục, nhưng vẫn tổ chức theo cung cách quen thuộc của đời thường. Chẳng hạn, các thần thánh cũng yêu đương, căm giận, ghen tuông… như con người.
Cách làm của Kapka trong Vụ án có khác. Ở đây, nhà văn sử dụng chất liệu hiện thực: đường phố, nhà trọ, tòa án, ngân hàng, khu văn phòng, chỗ ở của họa sĩ, các ông chánh phó giám đốc, các nhân viên, kỹ nghệ gia, linh mục, đao phủ… Không có những chất liệu hoang đường như kiểu người biến thành gián trong truyện Hóa thân. Nhưng các chất liệu ấy lại được nhà văn làm biến dạng đi, tổ chức lại theo kiểu cách riêng, khác hẳn với kiểu cách vốn có của đời sống thực. Kapka đưa các tòa án ra các vùng ngoại ô nhớp nhúa, lên tầng áp mái của những khu cư xá; ông bố trí phòng xử án trong căn buồng vừa chật, vừa tối, vừa thấp lè tè; ông sắp xếp khu văn phòng tòa dọc các dãy hành lang cửa đóng kín mít; ông để cho họa sĩ sống trong căn phòng bé như cái hộp không có lỗ thông hơi…
Trong cái khung cảnh thực mà hư, hư mà thực hoàn toàn biến dạng đi dưới ngòi bút nghệ thuật của nhà văn là một sự việc diễn ra cũng không theo nếp thông thường. Trong truyện có một người bị bắt, nhưng lại có thể nói Jôsep K. không bị bắt. Rõ ràng, anh không bị giam, anh vẫn được tự do, vẫn đi làm bình thường, thậm chí có thể nói anh muốn đến hầu tòa hay không cũng được. Đúng là Jôsep K. có một lần bị xử ở tòa, nhưng cũng có thể nói anh chưa được xét xử, vì hôm ấy tòa chỉ hỏi anh một câu hết sức vu vơ, hoàn toàn sai sự thật rồi chấm dứt luôn ở đó… cho đến gần một năm sau, anh bị dao thọc vào tim.
Nhà văn còn dùng nhiều biện pháp để làm cho cái thế giới nghệ thuật được xây dựng trong tiểu thuyết càng mờ ảo hơn nữa. Cái thành phố nơi xảy ra “vụ án” không được nêu tên và nhà văn cũng chẳng nhắc đến tên một đường phố nào. Nhân vật chính mang một cái tên viết tắt, không quê quán, lai lịch; ta chỉ biết anh có một ông chú, anh ba mươi tuổi, là nhân viên ngân hàng và vướng vào một vụ án cũng mơ hồ nốt, thế thôi. Người yêu của anh, ta chỉ được nghe nhắc đến loáng thoáng. Nhiều nhân vật khác không có tên, hoặc nếu có tên thì hình ảnh nhân vật cũng mơ hồ chẳng kém. Và hầu như chẳng nhân vật nào làm cái công việc của mình. Ta không thấy Jôsep K., hiện ra với tư cách nhân viên ngân hàng; các ông chánh phó giám đốc không được miêu tả ở cương vị của họ; luật sư Hun không bào chữa cho bị cáo; họa sĩ Titoreli không vẻ tranh; hai tên đao phủ thực ra chẳng phải vốn là đao phủ…
Toàn bộ tác phẩm trở thành một huyền thoại có thể giải mã theo nhiều cách khác nhau. Có thể hiểu sự việc không thật được đặt vào trong khung cảnh không thật kể trên lại nhằm diễn tả một thực tế có thực là cuộc sống ngột ngạt trong xã hội tư sản Tiệp Khắc dưới thời đế quốc Áo - Hung. Những con người hiền hành như Jôsep K. trở thành nạn nhân đau khổ của một thiết chế xã hội đầy bất công phi lý. Kapka dùng biện pháp nghệ thuật độc đáo nhằm tạo hiệu quả tâm lý ở bạn đọc. Để diễn tả tình cảnh gay go không lối thoát của Jôsep K., tiểu thuyết đem lại cho chúng ta cảm giác rõ rệt tòa án có mặt khắp nơi, ở mọi khu cư xá, và già trẻ, lớn bé, đàn ông đàn bà đều là người của tòa, kể cả nghệ sĩ, kể cả linh mục. Để truyền cho chúng ta cảm giác về cuộc sống ngột ngạt, tù túng của Jôsep K., nhà văn đưa không khí ngột ngạt và kích thước chật hẹp vào khắp nơi, từ phòng xử án đến khu văn phòng tòa, từ nhà luật sư đến phòng họa sĩ, từ nhà thờ tối om đến tòa giảng vừa thấp vừa chật…
Có thể hiểu vụ án của Jôsep K. và khung cảnh nêu trong tiểu thuyết một cách xa xôi hơn. Jôsep K. là nạn nhân của một xã hội bị tha hóa. Trong xã hội tư sản, không phải ai cũng ý thức được điều này. Mọi người đã quá quen với tình trạng đó đến mức không còn cảm thấy nặng nề, cũng như họa sĩ Titoreli không cảm thấy chỗ ở của mình là ngột ngạt, và hai nhân viên khu văn phòng kia thậm chí có thể bị ngất khi ra chỗ thoáng khí. Jôsep K. là người duy nhất cảm nhận được sự thật, vì vậy anh trở thành một cá nhân cô đơn bị cả một xã hội bao vây và không thể tồn tại.
Trong xã hội bị tha hóa, mỗi cá nhân chỉ còn là một cái bóng vật vờ, một hồ sơ, một con số, một kẻ không tên, một cái tên viết tắt như Jôsep K. trong Vụ án hay K. trong Lâu đài. Nhưng Jôsep K. hay K. lại làm cho ta nghĩ tới Kapka và hướng ta về một cách giải mã khác. Vụ án nói về tình cảnh đau khổ của bản thân nhà văn, một người Do Thái thiếu tổ quốc, sống khắp nơi, và ở đâu cũng lạc loài, xa lạ với mọi người, một người thể chất yếu đuối, tuy lúc đó chưa phát hiện ra bệnh lao, nhưng luôn luôn cảm thấy cái chết lơ lửng trên đầu, truy nã khắp nơi, như chính ông sau khi chết một chục năm rồi, bọn phát xít Hitle còn thiêu đốt tác phẩm của ông như chúng đã giết hại những người bà con của ông.
Một cái tên viết tắt còn có thể hiểu là bất cứ ai, như khi ta nói ông A ông B. Vụ án nhìn dưới góc độ ấy lại trở thành cuốn tiểu thuyết viết về vấn đề “thân phận con người” phảng phất màu sắc của tư tưởng hiện sinh. Thời gian gói tròn trong một năm dường như đã diễn tả cuộc đời con người. Con người sinh ra ở đời là đã có cái án treo lơ lửng trên đầu mình, như kẻ phạm tội, tuy chẳng biết tội gì, chỉ có một điều chắc chắn là cuối cùng sẽ chết; những ngày đang sống trên thế gian chỉ là “hoãn xử” hoặc “tạm tha”. Đó là điều bí ẩn không tài nào hiểu nổi như câu chuyện kẻ đi tìm giáo pháp trong bài giảng đạo của linh mục ở nhà thờ. Jôsep K. quan niệm đó là điều phi lý khủng khiếp nhưng không thể nào tránh khỏi, nên qua một vài phản ứng khá mãnh liệt lúc ban đầu, về sau anh trở thành một con người dửng dưng đến kỳ lạ, nhẫn nhục, cam chịu, thậm chí “tự nguyện” chạy đến với cái chết, chạy trước cả đao phủ. Điều đó thể hiện cả ở giọng văn bằng phẳng, đều đều, không xúc cảm, rời rạc. Một cuốn tiểu thuyết chưa hoàn chỉnh, chưa sắp xếp mạch lạc dường như lại phát huy tác dụng ở đây.
Vụ án do đó trở thành một tiểu thuyết phức tạp lẫn lộn nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực. Bên những giá trị hiện thực với ngòi bút sáng tạo tài tình là tư tưởng bi quan sâu sắc dẫn đến tuyệt vọng.
***
Truyện ngắn Hóa thân do Đức Tài dịch, Dương Tường hiệu đính và viết lời giới thiệu như sau:
Hãy thử tưởng tượng trong một sáng sớm trở dậy, bạn thấy một người thân trong gia đình mình trở thành một con sâu khổng lồ. Và con sâu ấy, bất kể sự biến dạng hoàn toàn ấy, vẫn giữ nguyên khuôn tình cảm và suy nghĩ của con người. Bạn sẽ phản ứng ra sao? Gia đình bạn sẽ phản ứng ra sao? Bạn có còn coi đó là người thân, hoặc thậm chí là đồng loại, của mình như cũ? Mà biết đâu bản thân bạn chẳng có thể, một sớm mai nào đó, chịu một sự hóa thân tương tự? Tại sao không?...
Huyền hoặc mà như thực, mà rất thực…
Hóa thân là tác phẩm quan trọng đầu tiên của của Kapka, được xuất bản năm 1916, khi tác giả 33 tuổi. Như hầu hết các tác phẩm của ông, câu chuyện này xảy ra trong môi trường của những người tiểu tư sản luôn luôn trong vòng vây của những lo âu cho ngày hôm sau, những í eo tủn mủn thường nhật. Chuyện được kể một cách hiện thực triệt để trong chi tiết, nhưng sự việc lại thoát ra ngoài những qui luật của không gian và thời gian để trở thành những tín hiệu của một hiện thực siêu nghiệm. Cái con bọ - người Gregor ấy cảm thấy và ý thức rõ từng thay đổi sinh lý - sinh học trong bản thảo, đau đớn chứng kiến thái độ ứng xử của bố mẹ và cô em gái cưng chuyển từ kinh hoàng đến ân cần, rồi phẫn nộ khinh rẻ và cuối cùng là hờ hững, tất cả được biểu đạt bằng một giọng đầy trìu mến và tuyệt vọng. Ngòi bút Kapka hòa quyện một cách rất tự nhiên cái quái dị với cái thường ngày đến độ không sao phân định được trong hai yếu tố đó, cái nào nảy sinh từ cái nào. Người ta ngột trong một không khí ác mộng nhưng câu chuyện lại hết sức mạch lạc với những chi tiết sinh động, chính xác khiến sự phi lý trở nên thật hơn cả thực tại và cái giọng chân thành của tác giả làm mạnh thêm cái cảm giác đây là những sự kiện được nghiệm sinh một cách sâu sắc bằng tất cả bản thể. Bút pháp này mà có người gọi là “tượng trưng hiện thực” (symbolique réaliste) là một thị hiếu bao trùm trong văn học Đức thời kỳ 1915 - 1925...
Vào những năm 60 của thể kỷ XX, vấn đề Franx Kapka bỗng nổi lên trong giới văn học nghệ thuật ở phương Tây như một hiện tượng đặc biệt, tuy trước đó mấy chục năm, kể từ khi ông qua đời năm 1924, tên tuổi và sự nghiệp sáng tác của nhà văn này ít được mọi người biết đến. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tác phẩm của Kapka được in lại dồn dập, Kapka đi vào chương trình của các trường đại học, trở thành đề tài cho hàng chục luận án tiến sĩ ở Mỹ, ở Cộng hòa liên bang Đức và Cộng hòa dân chủ Đức; hai cuộc hội thảo quốc tế về Kapka được tổ chức ở Liblixơ (Tiệp Khắc) năm 1963 và ở Tây Berlin năm 1966…
Franx Kapka (1883 - 1924) là nhà văn Tiệp gốc Do Thái, sinh ra ở Praha vào thời kỳ nước Tiệp còn là một bộ phận của đế quốc Áo - Hung (1867 - 1918). Cha ông thuở nhỏ nghèo khổ, về sau khá giả, làm nghề buôn bán giày vải và gia nhập cộng đồng người Đức ở đây. Franx Kapka học xong trung học, vào đại học Đức, theo ngành luật, đỗ tiến sĩ năm 1906. Ông làm việc trong một hãng bảo hiểm tai nạn công nhân ở Praha, song vẫn theo đuổi sự nghiệp văn chương vốn yêu thích. Năm 1917, Kapka bị bệnh lao. Bảy năm sau, ông qua đời trong một viện điều dưỡng ở Kierling gần Viên, thủ đô Áo, vào lúc tưởng chừng ông tìm thấy cuộc sống hạnh phúc với một thiếu nữ Do Thái tên là Đôra Đimăng ông gặp năm 1923, sau nhiều lần tình yêu trắc trở trước kia.
Kapka viết văn bằng tiếng Đức. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông sáng tác không nhiều. Đã thế, lúc sinh thời, ông lại tự tay đốt nhiều bản thảo, nên độc giả chỉ được biết đến ông qua vài truyện ngắn, truyện vừa như Lời phán xét, Hóa thân… và tập truyện ngắn đầu tiên nhan đề Thầy thuốc nông thôn xuất bản năm 1919. Sau khi ông qua đời, một người bạn thân của ông là Măc Brôt đã cho in những bản thảo còn lại, tuy ông để lại di chúc đề nghị thiêu hủy tất cả tác phẩm của mình. Các tác phẩm quan trọng nhất của ông được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Đó là những tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài, Châu Mỹ và một số truyện ngắn khác. Ngoài ra còn một cuốn Nhật ký riêng tư ông ghi chép đều đặn từ năm 1910 cho đến lúc qua đời.
Sống trong một xã hội quân chủ suy tàn trong lòng của chủ nghĩa tư bản đang ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt dẫn tới một cuộc bùng nổ ở Đại chiến I và Cách mạng tháng Mười Nga, lại ở vào vị trí giao lưu của các nền văn hóa Xlavơ, Do Thái và Đức, tư tưởng của Kapka là cả một khối mâu thuẫn. Ông thấy rõ những mặt xấu xa của chủ nghĩa tư bản hàng ngày diễn ra trước mặt ông, ngay cả ở cách làm ăn của cha ông, một trong những nguyên nhân khiến cho quan hệ cha con luôn luôn căng thẳng. Ông khao khát một xã hội công bằng và có lúc đã tìm thấy ở Cách mạng tháng Mười Nga nguồn hy vọng chứa chan và tìm thấy hạnh phúc ở đấu tranh. Ông đã ghi trong Nhật ký riêng tư: “Con đường đấu tranh đã đưa lại cho tôi một niềm vui tràn ngập.”
Nhưng nỗi đau của một con người lúc đó không có tổ quốc cộng với bệnh tật và các dằn vặt khác trong đời tư đã vít Kapka xuống, đẩy ông vào tâm trạng bi quan không lối thoát, nó được tô đậm thêm bằng màu sắc của đạo Do Thái, và cả của tư tưởng hiện sinh bắt nguồn từ Kierkơgô. Niềm phấn khởi của ông trước sự kiện Cách mạng tháng Mười không đủ sức nâng đỡ cho tâm hồn ông. Thậm chí ông còn xem cách mạng như một vấn đề tôn giáo và có lần đã nói với nữ văn sĩ Tiệp Milêna Pôlăc: “Bản chất tôi chính là lo âu.”
Trong hầu hết các tác phẩm của Kapka, những tư tưởng bi quan ấy được khái quát lên thành vấn đề “thân phận con người” và được diễn tả bằng những biểu tượng, hay có thể nói là bằng hình thức huyền thoại hiểu theo nghĩa là những hình tượng nghệ thuật gián tiếp có qui mô lớn lung linh nhiều ý nghĩa mơ hồ.
Phùng Văn Tửu