Truyện Ngắn Hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1996 - 1998
NXB: Trẻ 2007
Tình trạng: Sách tốt, 413 trang khổ 14X20
Tôi đã đọc, và thấy
TTCN - Đọc một cuốn sách hay như gặp một người bạn tốt mà còn lâu nữa ta mới được gặp. Tôi chắc bạn sẽ vui khi mở những trang sách truyện này. Và tôi mong, và tin rồi sẽ có những cuốn khác như vậy nữa tiếp tục ra mắt trong những năm tới.
Tuổi Trẻ Chủ Nhật (TTCN) ra hằng tuần. Số TTCN nào cũng đăng một truyện ngắn. Một năm có 52 số TTCN, vị chi là 52 truyện ngắn. Cuối năm (bắt đầu từ năm 1996) tổng kết lại bình chọn truyện ngắn hay trong số các truyện đã đăng TTCN trong năm.
Vậy là khi cầm trên tay tập Truyện ngắn hay TTCN ba năm 1996, 1997, 1998, bạn đọc có một sự yên tâm đầu tiên là được đọc những truyện đã qua hai lần tuyển chọn. Đặc biệt lần chọn thứ hai có sự tham gia của các nhà văn, nhà phê bình danh tiếng. Sức nặng của ấn phẩm này là ở đâu? Không phải chỉ ở hơn 400 trang sách đăng tải 34 truyện ngắn hay của ba năm cuối thế kỷ 20 (năm 1996: 10 truyện, năm 1997: 12 truyện, năm 1998: 12 truyện). Nó nặng ở cái hay của mỗi truyện.
Tôi đọc tập sách này và thấy ở đây một bức tranh thu nhỏ của văn học Việt Nam những năm qua. Có một chi tiết thú vị: hai tác giả có ba truyện được chọn là một già một trẻ. Già: Trần Kim Trắc, tuổi ngoài 70, viết những câu chuyện được lọc qua ký ức trải nghiệm trường đời bằng một giọng văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh, nhưng mỗi câu chữ của ông chất chứa một sự đời. Trẻ: Trần Thanh Hà, tuổi chưa quá 30 nhưng trang văn lại nặng trĩu những phận người đi qua cuộc chiến, đi qua khổ đau, chắt mình lại mà sống, mà làm người.
Nếu lấy hai tác giả này làm hai cột mốc thế hệ thì nhìn vào danh sách tác giả của Truyện ngắn hay TTCN ba năm 1996, 1997, 1998 tôi đã có được một niềm vui cho mình khi gặp lại đây những gương mặt sáng giá của văn học một thời qua và cho đến nay. Tôi phải nói ngay: đó là những gương mặt trẻ, đúng với tiêu chí trẻ của tờ báo, và đáp ứng nhu cầu trẻ của một nền văn học đang đổi mới.
Những Nguyễn Đức Thọ, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Phước Tiến, Võ Thị Xuân Hà, Bích Ngân, Hoa Ngõ Hạnh, Nguyễn Thị Châu Giang, Tiến Đạt, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn Minh Hà... Nhắc đến những cái tên để thấy quen thuộc và chứng nghiệm một sự tin tưởng. Truyện của họ đã đăng trên TTCN. Và đã được chọn là những truyện hay trong năm. Họ cũng là những gương mặt thanh xuân của thời kỳ văn học mới. Đọc họ, tôi thấy ra cuộc sống hôm nay. Đọc họ, tôi biết được cái nghĩ, cái cảm của người trẻ hôm nay. Đọc họ, tôi tin thêm vào khả năng của thể loại nhỏ là truyện ngắn giữa xô bồ, tất bật của các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại.
Vâng, với tôi, sức nặng của tập truyện này không chỉ ở cái mới của nội dung câu chuyện được kể, mà còn là, và chính là ở cái mới của cách kể câu chuyện ấy. Tôi muốn nói đến những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật viết truyện ngắn của các tác giả góp mặt trên TTCN và trong tập sách này.
Truyện ngắn là thể loại cơ động, trực chiến của một nền văn học. Hằng ngày, hằng tuần cơ man là báo chí tung ra thị trường với không ít các truyện ngắn được đăng tải. Nhưng truyện đọc được không nhiều. Truyện đọng lại lâu dài càng không nhiều nữa. Vậy mà nhìn vào tập sách tuyển này tôi thấy không ít truyện đã đứng được với thời gian, đã có mặt trong các tuyển tập truyện ngắn lâu nay và đã ghi danh cho tác giả. Khen cho con mắt xanh của người biên tập. Khen cho lòng yêu mến tờ báo để gửi gắm đứa con tinh thần của những người sáng tác.
Một truyện như Có một người nằm trên mái nhà của Phan Triều Hải thật rất đáng giá để đọc và để ngẫm nghĩ. Một cách viết miên man theo tâm tưởng nhân vật. Một truyện tưởng như chẳng có chuyện, nhưng lại nói được rất nhiều điều với người đọc đằng sau những câu chữ tinh tế và kỹ lưỡng. Truyện ngắn hiện đại là đi theo lối này, người ta đọc văn nhiều hơn đọc truyện. Phan Triều Hải, cũng như Phan Thị Vàng Anh, dường như khai mở lối viết truyện mà không chuyện, và từ những bước đi ban đầu họ đã được TTCN cổ vũ, đón nhận. Với một tờ báo, được làm và làm được vai trò “bà đỡ” cho sáng tác trẻ đầy năng nổ kiếm tìm như vậy quả là niềm vui và vinh quang.
Truyện ngắn đăng trên TTCN đã như được cấp một “tín chỉ”. Nó được chăm chút bằng những lời giới thiệu trân trọng, và nhiều khi là bằng những nét phân tích thoáng qua nhưng chính xác, như hé mở cánh cửa dẫn đưa người đọc vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Giữ đều cho chất lượng truyện đăng đều kỳ là một việc khó khăn.
Nhưng theo chỗ tôi biết, TTCN còn mạnh dạn đăng những cái mới, những sáng tác của các cây bút mới lần đầu xuất hiện. Nghĩa là TTCN còn là một sân chơi để phát hiện văn mới cho văn học nước nhà. Và bằng vào sự tuyển chọn truyện hay hằng năm mà kết quả là tập sách đang trên tay người đọc hôm nay, TTCN đã biết cách “bày mâm” cho thực khách văn chương. Sẽ có người thích nhiều, người thích ít.
Cũng sẽ có người chưa vừa lòng truyện này truyện kia, hoặc có cách nhìn khác với ban tuyển chọn, với tòa báo và nhà xuất bản. Cố nhiên. Nhưng hãy mừng, và tôi thật sự mừng, ngày kỷ niệm 30 năm báo Tuổi Trẻ ra đời, bạn đọc yêu văn chương cả nước có được tập sách Truyện ngắn hay TTCN ba năm 1996, 1997, 1998. Bởi giữa thị trường sách bộn bề hiện nay, chỉ nói riêng sách văn học thôi, một tập truyện được chọn bởi một tờ báo như Tuổi Trẻ từ những truyện ngắn đã đăng trên báo mình, đủ để neo được ánh mắt người đọc nhìn tới và khiến tay họ cầm lên. Đọc. Và lại đọc.
Tôi đã đọc, và thấy, Truyện ngắn hay TTCN ba năm 1996, 1997, 1998. Tôi vững tin giới thiệu cùng bạn đọc gần xa.
(Hà Nội, thu 2005)
PHẠM XUÂN NGUYÊN (TTCN 01/10/05)