Trò Đùa Của Số Phận
Tác giả: Tạ Duy Anh
NXB: Tổng Hợp Đồng Nai
Tình trạng: Sách tốt, 422 trang khổ 13.5x20.5
“Đi tìm nhân vật gồm nhiều tiểu thuyết, nhiều “tác giả” trong một tác giả, nhiều nhân vật trong một nhân vật. Trong những “nhân vật” ấy, Thảo Miên bước ra từ giấc ngủ, một thứ Lolita ngơ ngác, thất lạc trong cuộc đời. Thảo Miên “thành người” từ khi được mục kích những thác loạn dục tình của mẹ.
Nàng lao vào vùng cấm địa của “tội lỗi”, với bề ngoài băng trinh, Thảo Miên như một itên nứ sa lầy mà Chu Quý tìm cách giải thoát để xây dựng một tình yêu tuyệt vời, thánh thiện, để có thể tin rằng: ngoài tất cả những cái xấu xa tàn mạt, con người vẫn còn có tình yêu.” (Đài RFI)
“Với “Đi tìm nhân vật”, Tạ Duy Anh đã diễn đạt rất sáng tỏ nỗi sợ hãi, hoang mang khi con người ta tiếp cận gần đến sự thật mà sự thật thì không làm vinh dự cho bất cứ ai bao giờ. Điều đáng nói ở đây là tính giễu nhại trong tiểu thuyết đã cứu sống đám nhân vật của Tạ Duy Anh hơn là giết chúng một cách hả hê, thoã mãn nhu cầu tầm thường của người đọc. Rất ít nhà văn Việt Nam có đủ nhận thức và lòng dũng cảm để làm được như vậy. (Trần Quang Hải)
“G là một trong những khu trung tâm của thành phố. Nó bao gồm một trục đường rộng, chia ra làm đôi bằng dải phân cách cũng khá rộng. Dân khắp nơi đổ về thành phố kiếm việc làm thường tìm thấy ở dải phân cách ấy chỗ ngả lưng lý tưởng. Và tại đó lập tức tồn tại một xã hội nhỏ, tạm gọi là xã hội ngoài lề. Bởi vì mọi hoạt động sinh nhai ở đó khá nhộn nhịp, xô bồ, nhưng luôn nằm ngoài sự chú ý của mọi người. Nhờ hệ thống các ki-ốt, siêu thị, nhà hàng, nhà thổ….mà cuộc sống ở phố G nhộn nhịp từ sớm tinh mơ tới đêm khuya.
Hôm kia… tại đó xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là thằng bé đánh giầy quãng 10 – 12 tuổi, bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ. Hung thủ được tạm mô tả như là kẻ mắc chứng thần kinh, ăn mặc khá sang trọng. Việc truy bắt đang được tiến hành ráo riết.
Tôi hoàn toàn tình cờ vớ được mẩu báo và cứ đọc đi đọc lại, thuộc đến từng dâu phẩy của đoạn tin ngắn cụt đầu kia mà không biết thực ra mình cần gì. Ngày nào trên hàng trăm tờ báo chẳng nhan nhản những tin tức loại đó và người ta thường đọc nó một cách dửng dưng khi chờ xe buýt, lúc ngả lưng sau bửa ăn hơi nặng hoặc khi ngồi trong toa-lét… Ai đó chết chứ không phải ta, thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết chứ không phải con trai ta, cháu ta…Thậm chí đôi khi ý nghĩ ấy khiến ta hoan hỉ, sự hoan hỉ của người đứng ngoài nỗi bất hạnh, hoặc không khỏi có lúc ta tặc lưỡi: “cho chúng nó chết bớt đi, bọn lưu manh”… Tóm lại đó là những cái chết quá quen thuộc, đơn giản, ít kịch tính, không khiến ta bận tâm.
Vậy mà tôi lại cắm mắt vào đoạn tin kia như bị thôi miên. Không phải do tôi đa cảm - một biểu hiện quá xa xỉ của tình cảm trong thời buổi hiện nay – khi bị ám ảnh bởi cái chết của thằng bé đánh giầy. Tôi không biết mặt nó, không phải chịu trách nhiệm về sự có mặt hay không có mặt của nó trên cõi đời này - thật là nhẹ nhõm bởi ý nghĩ này! Vì thế, việc nó bị đâm chết cũng giống như với tôi, nó chưa bao giờ sống cả. Nó y hệt như cái chết của đứa trẻ nào đó bởi tay săn người hay cảnh sát….mà ta vẫn xem qua bản tin thời sự, không hề ảnh hưởng tới hiệu quả của bữa tiệc nhiều món mà ta đang chén rất sướng miệng, thậm chí, chính thông tin đó cho ta cảm giác ngon miệng hơn bởi ta thấy rõ ta là người hạnh phúc hơn bọn đó nhiều lần. “Chúng mày cứ giết nhau đi còn bố mày thì cứ chén. Hà hà!”….”