Triển Khai Chiến Lược Kinh Doanh
Tác giả: David A.AAKER
Biên dịch : Đào Công Bình-M.Đức
Nhà xuất bản : Trẻ
Tình trạng: Sách tốt, 404 trang khổ 14.5X20.5
Muốn quản trị thành công một doanh nghiệp nhất thiết phải có chiến lược kinh doanh. Vấn đề then chốt là đặt ra một hệ thống quản trị sao cho nhà quản trị:
- Có được một tầm nhìn rõ nét về công việc của mình
- Có thể bao quát và hiểu được môi trường năng động của kinh doanh
- Từ đó chọn ra những giải pháp chiến lược phù hợp một cách sáng tạo và khôn ngoan
- Để có một sách lược cạnh tranh dựa trên lợi thế của mình.
Bốn chủ đề của sách
Chủ đề 1 là phương pháp phân tích môi trường kinh doanh. Cái kiểu lập kế hoạch một cách máy móc dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của năm trước và những mục tiêu tài chánh của năm sau là không thích hợp và thậm chí còn làm thui chột khả năng đổi mới và khả năng thích ứng với môi trường luôn biến động hiện nay. Hoạch định chiến lược đòi hỏi phải nhìn ra bên ngoài để cảm nhận và ứng phó với những thay đổi, những chiều hướng kinh doanh mới, những đe dọa đang nảy sinh. Quyển sách này sẽ giúp nhà quản trị một phương pháp phân tíchngoại cảnh để có thể chọn lựa chiến lược. Hỗ trợ cho phương pháp mới này sẽ là những công cụ như flow diagram (biểu đồ luồng / biểu đồ tiến triển), agenda (lịch), và planning form (mẫu biểu kế hoạch).
Chủ đề 2 là chọn lợi thế cạnh tranh lâu dài, gọi tắt là SCA (Sustainable Competitive Advantage). Phải chọn SCA trên cơ sở tổ chức và năng lực của doanh nghiệp. Quyển sách này sẽ giúp nhà quản trị chọn những thế mạnh về tổ chức và năng lực của mình để từ đó đưa ra những chiến lược về nhãn hiệu, về quảng cáo, về phân phối, về sản xuất và về tài chánh.
Chủ đề 3 là quyết định đầu tư. Cần phải biết chọn lựa khi nào thì đầu tư hoặc giải tư, và đầu tư/giải tư ở mức độ nào. Cần phải biết vạch ra những hướng phát triển, thí dụ như xâm nhập sâu vào thị trường, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, hội nhập theo chiều dọc (vertical integration). Quyển sách sử dụng những khái niệm như Strategic uncertainty (bất ngờ chiến lược), portfolio model (mô hình danh mục đầu tư), scenario analysis (phân tích kịch bản).
Chủ đề 4 là thực thi chiến lược. Muốn chiến lược thành công nhà quản trị phải hiểu rõ cơ cấu, hệ thống, con người, nền văn hóa của tổ chức. Phải biết thích ứng với môi trường kinh doanh, biết liên kết để giành ưu thế, biết tiến thoái khi thị trường không chấp nhận hoặc khi bị áp lực cạnh tranh toàn cầu.
Bốn phần của sách
Tương ứng với 4 chủ đề, sách được chia làm 4 phần.
Phần 1 giới thiệu những khái niệm, phương pháp, loại chiến lược để độc giả có một cái nhìn khái quát.
Phần 2 giới thiệu năm phương pháp phân tích trong tiếp thị học và kinh tế học, trong đó có 4 phương pháp phân tích ngoại cảnh (gồm khách hàng, đối thủ cạnh tranh, thị trường, môi trường kinh doanh) và một phương pháp phân tích nội bộ (gồm các khía cạnh như thành tích kinh doanh, đặc điểm tổ chức, danh mục đầu tư).
Phần 3 đi sâu hơn vào khái niệm SCA để có những chọn lựa chiến lược như chiến lược khác biệt (differentiation strategy), chiến lược phí hạ (low cost strategy), chiến lược tập trung (focus strategy), động thái quyền ưu tiên (pre-emtive move), chiến lược tăng trưởng (growth strategy), chiến lược toàn cầu (global strategy), cạnh tranh thù địch và cạnh tranh trong tình hình suy thoái, chiến lược vào thị trường (entry strategy), chiến lược hội nhập theo chiều dọc (vertical integration strategy).
Phần 4 nói về sự tương tác giữa tổ chức và chiến lược, sự triển khai một hệ thống kế hoạch và giới thiệu một số mẫu biểu kế hoạch.
Quyển sách đặc biệt hữu ích cho hai loại nhà quản trị.
- Một là nhà quản trị chưa có kinh nghiệm trong việc hệ thống hóa chiến lược kinh doanh vì mới được cất nhắc lên tầm tổng giám đốc hoặc đang dự định nâng cấp kinh doanh của mình từ một doanh nghiệp nhỏ đi lên.
- Hai là những tổng giám đốc, những chuyên viên kế hoạch đã có kinh nghiệm rồi nay muốn cập nhập kiến thức quản trị mới, vấn đề mới nảy sinh từ mạng internet.
Quyển sách này không chỉ phục vụ các nhà quản trị doanh nghiệp mà còn có thể làm tài liệu ứng dụng đối với những nhà quản trị thuộc các tổ chức phi lợi nhuận như trường học, nhà bảo tàng, lực lượng cảnh sát khi họ cần ra những quyết định chiến lược.
Và dĩ nhiên quyển sách này cũng có thể xem như một giảng khóa chuyên sâu về chiến lược tiếp thị và quản trị chiến lược tại các trường quản trị kinh doanh.