Là một nhạc sĩ sớm nổi tiếng từ thập niên 40 với Lời du tử, Cô lái đò, Bình Ca và sau này là Tiếng đàn bầu, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc cũng sớm được biết đến trong lĩnh vực hội họa với giải nhất triển lãm mang tên Duy Nhất tại Hà Nội năm 1943 cho tác phẩm màu dầu Chú bé thổi sáo. Ba năm sau, năm 1946, ông lại có thêm một giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc ở Hà Nội. Trọn vẹn trong hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, ông lặng lẽ nhìn ngắm, phát hiện và khám phá vẻ đẹp tâm hồn, phẩm cách và cá tính nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, những người cùng thời với ông bằng con mắt hóm hỉnh, sâu sắc. Và chính họ, mỗi người một vẻ, là những nguyên mẫu đặc sắc tạo nên sự đa dạng và độc đáo của phong cách Nguyễn Đình Phúc. Với ông, vẽ theo điều mình nghiền ngẫm, nung nấu chính là sự khai phá tự do nhất và hiệu quả nhất của tâm hồn mình, để từ đó nhìn ra cái đẹp của tâm hồn người khác. Bởi vậy, ông vẽ từ nỗi buồn đến tiếng cười của con mắt, vẽ từ những quan sát tinh tế về tướng mạo đến phương châm sống của mỗi người. 120 bức chân dung văn nghệ sĩ, những khuôn mặt đã và đang góp phần làm nên nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại, của Nguyễn Đình Phúc xứng đáng được trân trọng đón nhận như một cống hiến đặc sắc và vô giá của người nghệ sĩ tận tụy dâng hiến cho nghệ thuật.