Tiếng Hát Người Cá
Tác giả: Masatsugu Ono
NXB: Trẻ 2012
Tình trạng: Sách tốt, 289 trang khổ 13X20
Chọn chủ đề một vùng vịnh nước Nhật xa cách với đô thị trong Tiếng hát người cá, Masatsugu Ono đã tạo ra một cộng đồng riêng vừa thô ráp vừa ngọt ngào, vừa nhiều biến đổi nhưng vẫn giữ những nét truyền thống. Dường như vẫn còn đó một nước Nhật Bản đồng quê không mấy ảnh hưởng bởi kỹ nghệ. Độc giả sẽ được tiếp cận với một giọng nói khác của văn học đương đại xứ Phù Tang.
Tiếng hát người cá và Trôi trên Vịnh là một câu chuyện kép về một làng chài Nhật Bản, nơi không gian hầu như bị ngăn cắt với phần còn lại của thế giới, chỉ có rất ít cư dân, và cuộc sống diễn ra một cách trì đọng, buồn tẻ. Những đời người trôi qua lờ đờ, như ẩn như hiện trong mắt người khác và có khi trong chính bản thân người đó, không đầu không cuối…
Tác giả đã sử dụng thủ pháp hài hước, trong mô tả cũng như trong dẫn dắt, nhận định, với một văn phong rất nhiều hình ảnh, gợi mở, khiến người ta nhận ra một “chất Nhật Bản truyền thống” khiến ta ngỡ ngàng trước sự bền vững của nó sau tất cả những quá trình hiện đại hóa đến cực điểm.
Ngoài 2 truyện vừa, tập sách có thêm tiểu luận Từ Vũng đến Vườn Mộc Lan như một cầu nối giữa nước Nhật xa xôi của tác giả với nước Pháp nơi anh làm luận văn tiến sĩ văn học. Hòa trộn giữa hiện thực và trí tưởng tượng, những câu chuyện đem đến cho người đọc nỗi hoài nhớ tuổi thơ, thời mà dường như không có ranh giới giữa con người và thiên nhiên.
Tác giả Masatsugu Ono đã nói với độc giả Việt Nam khi sang thăm Việt Nam năm 2010: “Murakami viết về toàn cầu hóa nên ai cũng cảm nhận được, nhất là giới trẻ. Nhưng Nhật Bản vẫn sót lại những địa phương tiền-hiện-đại-hóa. Từ 1996, dân số Nhật Bản đã bị lão hóa. Ở các đô thị còn thấy nhiều người trẻ nhưng về các địa phương chỉ gặp toàn người già. Đối với riêng tôi, những ông bà già, những câu chuyện dông dài nhà quê lại hợp với tôi hơn, là thế mạnh của tôi. Và cách của tôi là mang tiếng cười vào tác phẩm của mình...”.