Thời Gian Để Sống Và Thời Gian Để Chết (Văn Học Đức)
Tác giả: Erich Maria Remarque
Dịch giả: Lê Phát
NXB: Văn học
Phát hành: 1986
Tình trạng: Sứt 1/4 gáy, gáy dán băng keo, bên trong tốt, 515 trang
Thời gian để sống và thời gian để chết chỉ là câu chuyện đau thương, bi thảm trình bày tâm trạng hoang mang của một người lính Đức trẻ, kể từ lúc anh ta hiểu được rằng anh và cả dân tộc anh đã bị lừa bịp và phải cầm súng hy sinh chỉ vì những cuồng vọng của bọn cầm quyền phát xít hiếu chiến, và cuộc chiến đấu mà anh còn phải đeo đuổi đã thất bại từ lâu rồi. Đó cũng là tâm trạng chung của những người dân Đức bình thường, đã phải chịu đựng tất cả gánh nặng của chiến tranh, phải chịu đựng tất cả những hình phạt cực nhục thay cho bọn cầm chuyền tội lỗi. Cuốn tiểu thuyết còn là hình ảnh của nước Đức trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đúng lúc Quân đội Quốc xã bắt đầu phải tháo lui trước sức phản công mãnh liệt của Hồng quân Liên Xô.
Từ trang đầu đến dòng cuối của cuốn truyện, Rơmác đã lấy cuộc tàn sát nhân loại thảm khốc nhất từ trước đến nay trong lịch sử làm nước Đức bị tàn phá đến kiệt quệ, với 6 triệu 600 ngàn người chết, để làm chủ đề của tác phẩm.
Câu chuyện bắt đầu từ ở mặt trận Nga. Nhưng nhân vật chính trong chuyện, người lính Đức trẻ, Ernest Gơrebê thì có một quá trình chinh chiến trong quân đội Quốc xã khá dài về trước. Anh ta đã qua Pháp, Hà Lan, sang châu Phi, những đất đai mà phát xít Đức mới chinh phục được. Đối với anh ta, cho đến lúc đó, chiến tranh chỉ là “những cuộc dạo chơi trên những đất nước đang hoang mang và còn nguyên vẹn.” Anh ta không hề bận tâm đến những lý do đã thúc đẩy anh và các bạn đồng đội đi bắn giết những người dân vô tội ở những nước đó; anh ta thấy “mọi việc như đã được sắp đặt đâu vào đấy”; anh ta tin vào những cái loa tuyên truyền đã nói rằng: “Nước Đức bị những kẻ thù tàn bạo tấn công, đã chống cự lại”. Anh thấy việc “đối phương tuyệt không chuẩn bị chiến tranh cũng không có gì là trái ngược.”
Nhưng Ernest Gơrebê đã bị điều sang mặt trận Nga. Mãi đến lúc đó, mắt anh mới mở to, và anh ta mới biết đến “giờ của nước Nga”, lúc đó anh ta mới thấy cảnh hàng sư đoàn Đức hỗn độn rút lui, hàng quân đoàn nguyên vẹn bị bao vây và bắt làm tù binh và đến lúc đó anh ta mới suy nghĩ.
Nhưng anh lại muốn được yên ổn để về phép thăm gia đình, anh còn hy vọng tìm ra một sự thật ở hậu phương nước Đức khác với sự thật quá phũ phàng ở mặt trận.
Suốt trên đường về, anh lại chỉ thấy những cảnh tàn phá thê lương như ở mặt trận, cộng thêm những mối lo âm ỉ, những đe dọa thầm kín, riêng biệt của hậu phương. Gia đình anh đã tan nát, bố mẹ anh không biết còn sống, đã chết hay mất tích ở đâu mà không thấy để lại một dấu vết gì. Trong cái thành phố quê hương của anh, tiếp xúc với bất cứ người dân nào, anh chỉ thấy “sợ hãi, oán hờn và dối trá dưới những hình thức khác nhau.” Những cảnh sống trái ngược của các hạng người ở hậu phương đã làm anh thấy rõ thêm bộ mặt của chế độ phát xít.
Trước sự thật tàn nhẫn ấy, người thanh niên Đức thẳng thắn, sôi nổi, nhưng còn non nớt trước cuộc đời lại càng hoang mang và thất vọng. Để trả thù chế độ, để bù đắp cho tâm hồn và tình cảm bị tổn thương nặng nề, anh đã dùng tình yêu làm phương thuốc trị độc.
Con đường mà anh ta tưởng là một lối thoát, thật ra lại là một ngõ cụt. Trong cảnh địa ngục mà anh còn phải sống, niềm an ủi và hạnh phúc mới lại là nguyên nhân của những đau khổ mới.
Cuối cùng thì Ernest Gơrebê lại quay ra mặt trận và phải bỏ mình ngoài đó mà không đạt tới một ước mơ, nguyện vọng của mình, trong hoàn cảnh thật éo le đặc biệt mà Rơmác đã tạo ra có lẽ với mục đích tô đậm thêm số phận chua chát của người lính trẻ, nạn nhân của một chế độ tàn bạo nhưng hoàn cảnh ấy chưa thể hiện rõ rệt ranh giới của cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi chính nghĩa.
Câu chuyện đơn giản và thương tâm của người lính Đức trẻ, một mình mò mẫm đi tìm chân lý và một nguồn an ủi chính là một trong số hàng vạn tấn bi kịch của nhân dân Đức trong những năm chiến tranh đen tối.
Thời gian để sống và thời gian để chết phản ánh một sự thật đau xót, lên án một chế độ lỗi thời và chứng minh rằng, bất cứ một xã hội nào dựa trên cường quyền, gian ác và giả đối để thống trị sẽ bị diệt vong và qua đó tác phẩm đã nâng cao lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh cho chân lý, cho hòa bình, hạnh phúc của nhân loại