Thang Máy Sài Gòn
Tác giả: Thuận
NXB: Hội Nhà Văn 2013
Tình trạng: Sách tốt, 265 trang khổ 13x20.5
Năm 2004, một thiếu phụ trẻ gốc Việt, sau cái chết khó hiểu của mẹ cô trong thang máy Sài Gòn, đã quyết định đi tìm người đàn ông có tên Paul Polotski mà mẹ cô từng gặp và yêu trong nhà tù Hỏa Lò, đêm trước chiến dịch Điện Biên.
Giữa Hà Nội và Sài Gòn, Paris và Bình Nhưỡng, vừa hài hước vừa bướng bỉnh, ly kì, hành trình tìm kiếm của cô là những tuyệt vọng của một nửa thế kỷ bị lãng quên.
Thang máy Sài Gòn được trao tặng Giải Sáng tạo (Bourse de Création) năm 2013 của Trung tâm sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre).
Nhận định:
"Trong Thang máy Sài Gòn, chính trị và tình cảm được xử lý như những chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điện Biên Phủ, Đông Dương hay tình yêu đã mất chỉ là những ảo ảnh của một cuộc thử nghiệm văn chương khó nhọc và vô cùng cá nhân."
(- Tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi)
***
Trích đoạn:
Sài Gòn
Đêm mưa tầm tã. Đêm mưa trái mùa năm 2004, mẹ em qua đời, vì một tai nạn phi lý, có lẽ chưa kịp có tên trong tiếng Việt. Anh Mai, anh trai duy nhất của em, xây ngôi nhà không biết thứ bao nhiêu, vẫn cao tầng, nhưng lần này quyết định lắp thang máy tư gia, nghe nói là đầu tiên của cả nước. Để đánh dấu sự kiện này, anh mua vé máy bay mời mẹ vào Sài Gòn. Anh bảo, mẹ phải bấm nút khánh thành thang máy, đi một vòng từ tầng trệt lên tầng thượng, quay trở lại, thì khách mới có quyền sử dụng. Anh mời cả truyền hình và báo chí tới dự. Không khó hình dung những kịch bản kiểu này, em vẫn dành một buổi tối, ngay sau đám tang mẹ, để xem hết một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh. Xem xong, lại ngồi xem tiếp một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh nữa, về chính đám tang mẹ, mà bản thân em đã chứng kiến từ đầu tới cuối.
Mẹ bao giờ cũng khác thường, từ nhỏ em đã nhận thấy như vậy, trong đám đông hay đứng một mình, dù là họp đảng ủy hay họp khu phố, dù là nhận bằng khen hay trao phần thưởng, và bây giờ, trên bàn thờ, giữa những người đã khuất, những người thân của mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị của mẹ... Và cả bố nữa. Anh Mai đã cố tình để hai tấm chân dung sát nhau, trước mặt bày bình hoa hồng đỏ, thế nhưng bố và mẹ vẫn cứ như những kẻ xa lạ, như chưa từng cùng đăng ký kết hôn, chưa từng sống với nhau hai mươi năm, chưa từng có hai đứa con (là anh Mai và em) rồi hai đứa cháu (là cái Ngọc con anh Mai và thằng Mike con em). Suốt buổi tối, em đã thử nhiều lần, những lúc còn tỉnh táo và cả khi bất ngờ chợp mắt, mà không sao hình dung lại cảnh gia đình ngày trước, khuôn mặt mẹ thì rõ mồn một, còn khuôn mặt bố liên tục phải nhờ đến sự trợ giúp của tấm chân dung, tấm chân dung giữa hoa hồng đỏ và hương khói nghi ngút. Bố mất trước mẹ mười năm...