Hết hàng
Giá: 45.000₫
  • Nhà sản xuất: Đông A
  • Mã sản phẩm: ĐA0013
  • Tình trạng: Sách này hết
Sắp Đặt Và Diễn

Tác giả: Hồ Anh Thái
NXB: Hội Nhà Văn 2005
Tình trạng: Sách tốt, 419 trang khổ 13.5X20.5
 
Hồ Anh Thái với 'Sắp đặt và Diễn'
Tuyển tập 25 truyện ngắn tiêu biểu cho 3 giai đoạn sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái "Sắp đặt và Diễn" vừa được NXB Hội nhà văn và công ty Văn hóa Đông A ấn hành. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về cuốn sách này.

Nguyễn Thị Thu Huệ -

Nguyễn Thị Thu Huệ: Chà, Sắp đặt và Diễn, lại chạy theo xu hướng tìm tòi cách tân, một xu hướng nghệ thuật có vẻ như mới lắm đây đang thịnh hành khoảng dăm năm nay? Không biết đấy có phải là thời trang cần có của nghệ thuật hiện đại nói chung. Và bây giờ là Văn học?

Phạm Xuân Nguyên: Có thể hiểu thế này, Hồ Anh Thái với Sắp đặt và Diễn là sắp đặt 3 giai đoạn sáng tác của mình. Giai đoạn tiền Ấn Độ với: Mảnh vỡ của đàn ông, Những cuộc kiếm tìm, Chàng trai ở bến đợi xe... là sự ngó nghiêng nhìn vào cuộc đời với sự tin cậy với những ước mơ, khát vọng.

 
Trang bìa cuốn 'Sắp đặt và diễn'.

Trang bìa cuốn "Sắp đặt và diễn".

Giai đoạn "Ấn Độ" là: Người đứng một chân, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Người Ấn, Kiếp người đi qua... lại là nhân sinh quan được chiếu rọi bởi những triết lý Phật giáo thông qua những số phận, mảnh đời tưởng như rất vô tình ngang qua nhưng thực ra là cả một kiếp người với bao nỗi sâu cay.

Giai đoạn 3 là Bến Ôsin, Cả một dây theo nhau đi, Trại cá sấu, Sắp đặt, Diễn... hoàn toàn là sự thay đổi phong cách: Hài hước, châm biếm... và ám ảnh bởi những chi tiết.

Nguyễn Thị Thu Huệ: Tôi đã gọi Sắp đặt và Diễn là 3 trong 1. Nếu sòng phẳng nói ra ý kiến của mình, anh thích 3 hay 2, thậm chí là 1?

Phạm Xuân Nguyên: Sòng phẳng nhé. Tôi thích giai đoạn Ấn Độ. Đấy là Hồ Anh Thái. Chính hiệu.

Nguyễn Thị Thu Huệ: Không biết tôi có đúng không khi hiểu nôm na rằng: Mỗi một giai đoạn đánh dấu một thời điểm sáng tác của nhà văn, phản ánh rất rõ nhân sinh quan, thế giới quan của người viết với chính mình, và với xã hội. Tôi đọc Hồ Anh Thái từ những giai đoạn đầu tiên, cho tới bây giờ. Nếu để nói từ thích, tôi lại thích nhất giai đoạn sau này. Cái sự thích ấy cũng bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Thích cách nhìn về nhân tình thế thái, về các góc khuất mặt của con người, đặc biệt là... giới văn nghệ sĩ thời nay. Thích cách "Ngộ" của Hồ Anh Thái trước cuộc đời, trước những Sinh, lão, bệnh, tử và những Tham, sân, si... để rồi thấy cuộc đời như bóng câu qua cửa, sống gửi thác về. Tôi không thấy những truyện tưởng chỉ để cười nếu đọc thoáng qua, như Bến Ôsin, Cây hoàng lan... hoá cây si chỉ đơn thuần là những chuyện cười cho vui, mà ở đây là cười ra nước mắt.

Cũng không ít người than với tôi là lão này dạo này ghê gớm quá, mất đâu vẻ sâu xa trầm lắng ngày xưa? Cũng không ít người yếu bóng vía vừa đọc vừa giật mình, lạnh người chạnh lòng chột dạ ấm ức vì nghĩ tên này lại viết mình đây... Tôi không thích đọc văn chương theo kiểu không văn chương đó. Anh thấy sao?

Phạm Xuân Nguyên: Kiểu đọc đó, tôi gọi ngắn gọn là: Có tật thì giật mình. Đúng là những truyện ngắn sau này Hồ Anh Thái thay đổi hoàn toàn bút pháp: Châm biếm đến ám ảnh. “Ông nhà thơ tiếng thơm phưng phức mấy chục năm qua, giờ móm hết, biếu gì ông cũng không ăn. Ông trịch thượng gọi nàng là mày xưng tao. Con kia, thơ phú làm cái khỉ gì, đấy là chỗ trốn của bọn lười học lười lao động mà lại thích nổi danh. Mày học hành thế nào, không bao giờ tiên tiến à, mày làm ăn thế nào, không bao giờ xuất sắc à, đấy, tao nói cấm có sai. Ông móm, lại ham nói, nước bọt cứ sùi ra hai bên mép như nòng nọc. Ông móm, thành ra có cho cái gì ông cũng chẳng xơi. Bù lại, chẳng xơi của ai cái gì, thành ra ông có quyền chửi thơ người này thối thơ người kia khắm. Cả hội viên lẫn mon men hội viên ai cũng kinh, thấy ông từ xa là tất cả thành thợ lặn” (Lọt sàng xuống nia)

Nếu đọc mà chỉ để xem có bóng dáng mình hay không thì cũng giật mình thật.

Nguyễn Thị Thu Huệ: Khi Sắp đặt và Diễn ra đời, một nhà báo có nói với Hồ Anh Thái và chúng tôi bên bàn cà phê: Chắc chắn có rất nhiều người ngày đêm mong Hồ Anh Thái sẽ mải mê với trăm công nghìn việc ngược xuôi hết Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam... đến mức có một ngày gác bút. "Điếu văn" đọc cho sự gác bút đó có câu: Từ rất lâu rồi, anh luôn làm cho chúng ta khó chịu. Bỗng có một ngày anh chợt làm cho chúng ta dễ chịu, đấy là ngày hôm nay!

Phạm Xuân Nguyên: Tôi thì không tin có ngày Hồ Anh Thái sẽ gác bút, dù anh có đảm nhiệm những việc như chị vừa kê ra. Với Hồ Anh Thái, viết là một “nghiệp chướng”, một niềm đam mê như bị “ốp đồng”. Cho nên, ta không mong chờ gì về cái ngày mà anh làm cho một số ai đó cảm thấy dễ chịu chắc là không đến.

Nguyễn Thị Thu Huệ: Trở lại vấn đề 3 trong 1 là cái mà ám ảnh tôi nhất. Đấy là vấn đề thay dổi phong cách. Tôi thấy Hồ Anh Thái không chỉ dũng cảm trong việc dấn thân tìm tòi cách biểu hiện khác với chính mình mà đấy là sự nỗ lực không ngừng trước một việc tưởng như đơn giản nhưng thực ra, là khó nhất đối với người sáng tác. Vậy mà anh đã làm được điều đó. Anh nói, anh thích loạt truyện Ấn Độ vì những triết lý sâu sắc ẩn chứa đằng sau mỗi thân phận hay câu chuyện. Tôi thì thấy loạt truyện sau này triết lý về Phật giáo ẩn chứa trong đó còn sâu sắc hơn. Có điều, tác giả dẫn ta đi theo một lối khác, cười đấy mà đau lòng đấy, mà thấm thía đấy, mà nhận ra những thông điệp của nhà văn sau mỗi câu văn. Đây là một đoạn Hồ Anh Thái dẫn lại sử thi Mahabharata trong truyện Một bà năm ông:

“ - Cái gì khô héo hơn cọng rơm khô.

- Một trái tim đau buồn.

- Cái gì mà người ta đánh mất lại đem tới niềm vui chứ không buồn bã?

- Cơn giận. Vứt bỏ nó người ta sẽ không đau buồn nữa.

- Cái gì lạ lùng nhất đời?

- Ai cũng thấy chúng sinh đi về cõi chết, nhưng ai còn sống thì lại tìm cách sống đời đời kiếp kiếp. Đấy là điều lạ lùng nhất".

Có lẽ, vì những quan niệm cực kỳ giản dị đó, mà tất cả cách cảm, cách nhìn, cách viết của Hồ Anh Thái giờ đây - cho đến lúc chúng ta ngồi nói chuyện về anh, đều đựơc phản chiếu qua một lăng kính của sự hài hước để cuộc đời không phải là cọng rơm khô.

Icon-Zalo Chat Zalo Icon-Messager Chat Messenger Icon-Twitter 0989.885.646 Icon-Youtube Kênh Youtube Icon-Instagram Bản đồ Lên đầu trang