Hết hàng
Giá: 50.000₫
  • Nhà sản xuất: Chưa cập nhật
  • Mã sản phẩm: KB4456
  • Tình trạng: Sách này hết
Người Quy Phục Hoàng Đế

Tác giả: Kim Cương
NXB: VHTT Bình Trị Thiên 1987
Tình trạng: Sách tốt, gáy bìa nguyên vẹn

 

Phải nói là nghiệp văn chương của Kim Cương đã gặp may mắn. Trước khi tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất theo cái gọi là "quy mô làm ăn lớn", Kim Cương đã gặp ông Nguyễn Đình Bảy, với tư cách là cán bộ của Bộ Công an vào giúp Công an tỉnh Thừa Thiên xây dựng thành tích của một số tập thể và cá nhân, đề nghị Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đợt đầu tiên cho An ninh miền Nam.

Nghĩa là sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được vào đất Cố đô - vào đất "Mệ", để tham gia viết thành tích tôn vinh những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Công an. Ngay từ đợt quý báu này, cuốn sổ tay của Kim Cương đã ghi đầy những kỳ tích của các lực lượng An ninh Trị - Thiên, của Công an TP Huế và các Anh hùng Đỗ Nam, Trần Phong, Nguyễn Thị Lài, Hoàng Thúc Bảo, Nguyễn Đình Xướng... Làm nghề viết mà được dịp như vậy quả là quá may.

Quý hoá hơn là khi tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, Kim Cương lại là người thường xuyên được gần gũi bên Trưởng ty Công an Nguyễn Đình Bảy. Ông vốn là người làm việc rất nghiêm túc. Chỉ những người nghiêm chỉnh biết tôn trọng mình, tôn trọng mọi người mới quý trọng cái đức cách mạng của ông. Họp, đi đâu, làm việc gì là phải đúng giờ, ai sợ chậm thì phải đến trước vài phút. Chả thế mà nhiều anh đầu đã bạc tóc, là trưởng phòng hẳn hoi vẫn bị đuổi ra khỏi phòng giao ban chỉ vì đến muộn. Nhiều anh chuồn thẳng. Nhiều anh chê trách ông sống quá khắt khe... Vậy mà, đi đâu, làm việc gì, trước khi vào làm việc hoặc lên xe, ông cũng hỏi: "Ông Kim Cương đâu? Phải gọi ông ấy để ông ấy nắm và viết!...".

Rồi ông quyết định cho Kim Cương phụ trách công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Công an nhân dân Bình Trị Thiên. Từ ông, Kim Cương được rút nhiều tài liệu qua Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, Phó Thủ tướng Hoàng Anh và các ông Tố Hữu, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Văn Diệm, Nguyễn Trung Lục, Đặng Thanh, Phạm Thanh Đàm, Lê Văn Cam...

Gia đình Anh hùng Nguyễn Đình Bảy.

 

Mỗi chuyến đi Hà Nội là Kim Cương phải thức khuya, dậy sớm, khi thì từ Nam Giao, khi thì từ Bến Ngự đạp xe về nhà ông. Ăn sáng và cơm nắm ăn trưa dọc đường đã có vợ ông lo. Từ Hà Nội vào thì Nga - cô con gái của ông đang làm phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hạ Hồi lo. Gia đình của ông chăm lo tất cả, miễn sao làm được việc và việc tốt là được.

Hồi ấy là năm 1980. Khi anh em trong đơn vị cùng Kim Cương hoàn thành và in xong cuốn Lịch sử Công an nhân dân Bình Trị Thiên - tập I (1945 - 1954) và đang khẩn trương làm tập II (1954 - 1975), thì bỗng dưng có một số nhà văn đến đeo bám Trưởng ty Nguyễn Đình Bảy khai thác tư liệu về những hoạt động của ông.

Chỉ là một hội viên Hội Văn nghệ tỉnh, mới viết được vài cái truyện, cái ký, cái dài nhất là "Săn trầm" được NXB Công an nhân dân in chung trong tập "Điều hắn chưa tính đến", nhìn và nghe các nhà văn nói, Kim Cương "lện" (sợ) lắm! Tên tuổi và tác phẩm của họ đã nổi từ lâu trên văn đàn đất nước. Qua lời nói của họ, thì sắp tới, ông sẽ có những tập hồi ký, những tập sách dày cộm viết về ông! Ông tin tưởng lắm. Ông bố trí nơi ăn nghỉ và bồi dưỡng đàng hoàng. Khi thì Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi thì Tô Nhuận Vỹ, rồi Đặng Đình Loan, Ngô Kha...

 

Mỗi nhà văn chí ít ông phải ngồi nhớ lại và kể liên tục bảy đêm. Ngoài Kim Cương ra, ông còn gọi thêm mấy người từng công tác và chiến đấu với mình như Lâm Bình đang là Phó ban An ninh, Phan Đàng đang là Trưởng ty Tài chính, mời cả anh Đặng Thanh, nguyên là Trưởng ban Phản gián của Công an Thừa Thiên và anh Trần Việt Châu nguyên là Trưởng ty Công an Thừa Thiên thời chống Pháp từ Hà Nội vào...

Nhà văn này đi, nhà văn khác lại đến. Ông cứ ngồi kể say sưa về cuộc đời, về những hoạt động và những chiến công của mình, của đồng chí, đồng đội mà mình từng chỉ huy, hết đêm này đến đêm khác như một đợt "cao điểm" phục vụ theo yêu cầu của các nhà văn. Đêm nào cũng có mặt của Kim Cương, với nhiệm vụ là phục vụ, bổ sung tư liệu.

Lẽ tất nhiên là không lúc nào Kim Cương bỏ quên việc ghi chép tỉ mỉ. Nhiều lần, theo lệnh của ông, Kim Cương phải cất công ra tận Hà Nội đưa tài liệu bổ sung cho Đặng Đình Loan, lại về đưa cho Tô Nhuận Vỹ và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Khi mời được bác Nguyễn Văn Ngọc, nguyên là Giám đốc Công an Trung Bộ trong những năm đầu thành lập Công an nhân dân Việt Nam vào để làm việc, cũng phải mời các nhà văn ấy đến...

Nói chung, việc phục vụ cung cấp tư liệu cho các nhà văn có tầm cỡ ấy, đối với ông và Kim Cương là hết mình. Tất cả cũng chỉ ao ước có một tác phẩm văn học có tầm cỡ viết về Công an - viết về một lực lượng đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước trên vùng đất Cố đô nổi tiếng.

Và, tất cả đều chờ đợi. Chờ hết một năm, rồi hai năm... rồi năm năm - bằng một kế hoạch của Nhà nước, mà vẫn… chưa được thấy một dòng văn nào! Ông Nguyễn Đình Bảy luôn nhắc Kim Cương hỏi họ xem tiến độ đến đâu. Kim Cương chỉ biết cười và bông đùa một câu: "Chắc là đang trong thời kỳ thai nghén, chưa đủ ngày tháng để sinh!". Ông cũng cười và nói: "Chắc là nghén voi!".

Cười thì cười vậy mà thôi, thực chất thì trong người Kim Cương đã bốc lửa. Máu nghề nghiệp đã dồn nén. Những tư liệu, những hình ảnh mà Kim Cương được thu nhận vào mình trong quá trình làm lịch sử và trong cả thời gian dài được ngồi cùng ông phục vụ các nhà văn luôn chuyển động trong người.

Cùng lúc đó, Kim Cương được anh Nguyễn Quang Lộc, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế cho một chiếc máy chữ xách tay. Máu văn chương trỗi dậy, lại có phương tiện trong tay, Kim Cương quyết định lao vào tư duy, chuyển hoá các nhân vật và sự kiện có thật ngồi mổ cò trên bàn phím máy chữ. Không biết các nhà văn kia viết theo thể loại nào và đây là lần đầu tiên Kim Cương "liều mình một phen" viết tiểu thuyết.

Đầu tiên Kim Cương lấy tên tiểu thuyết là "Đội quân ngầm". Quá trình nghiên cứu lại tài liệu thấy nổi lên ở Huế một thời triều đình nhà Nguyễn mở đợt kêu gọi, dụ dỗ cán bộ và bộ đội Việt Minh về "quy phục Hoàng Đế" nên đổi lại tên tiểu thuyết là "Người quy phục Hoàng Đế" và cho đó là một cơ hội hay nhất để cho Đình Tấn về "quy phục Hoàng Đế", tìm cách chui sâu leo cao vào nội bộ của địch.

Các nhân vật từng nổi tiếng trong lực lượng Công an nhân dân thời kỳ chống Pháp ở Huế, là những con người có thật, được Kim Cương thay họ, đổi tên như: Trưởng ty Công an Thừa Thiên Trần Việt Châu thành Trưởng ty Quốc Việt, Tráng Thông được ta đưa vào làm Trưởng ty An ninh ngụy thành Tráng Minh, Trưởng ban Phản gián Đặng Thanh thành Ngang, Phan Đàng thành Phan Đường, Lâm Bình thành Lâm Bính, Đào Thị Bái - "người đàn bà bị bắt" thành Cẩm Đôi...

Riêng ông Nguyễn Đình Bảy, Trưởng ban Điệp báo, người đã chỉ huy và tổ chức đánh nhiều trận làm "náo động thiên cung", Kim Cương vẫn giữ nguyên cái tên ông tự đặt cho mình là Tôn Thất Cẩn - Cẩn thận trong chiến đấu và công tác.

Người tù hàng binh, được ông Nguyễn Đình Bảy sử dụng và huấn luyện giết tên Phó thủ hiến Trung Việt Hà Văn Lan vẫn giữ nguyên tên Kê Men. Về phía địch vẫn giữ nguyên tên thật.

Các vụ: giết tên Trần Văn Lý, thủ lĩnh đảng Đại Việt kiến và là Hội đồng chấp chính lâm thời Trung Kỳ, vụ lấy bộ đồ mổ ở Bệnh viện Huế, lấy bộ máy phóng thanh ở Ty Thông tin ngụy, vụ giết tên Phó thủ hiến Hà Văn Lan... là những vụ việc có thật, trở thành những chiến công tuyệt vời của Công an Thừa Thiên trong thời kỳ chống Pháp, được Kim Cương dùng bút pháp và nghệ thuật thể hiện, nâng lên thành hình tượng cao đẹp của người Công an nhân dân. Cả cuốn tiểu thuyết "Người quy phục Hoàng Đế" là một thiên hùng ca của lực lượng Công an Thừa Thiên - Huế, đọc xong, ai cũng thấy đó là sự thật.

Để có được cuốn tiểu thuyết này, ngày hai buổi nghiêm túc làm việc ở cơ quan, Kim Cương đã phải ngồi lỳ gõ từng chữ trên chiếc máy chữ nhỏ bé liên tục 90 đêm, trong một căn phòng bé nhỏ và nóng bức ở xứ Huế.

Viết xong tác phẩm là thành công, lẽ ra là mừng, nhưng Kim Cương lại lo không biết có được phát hành không. Đứa con đầu lòng có tầm cỡ thế này mà bị "chết yểu" thì đau lắm, bởi thời ấy đã có mấy tiểu thuyết được in đâu, lại ra đời giữa một vùng đất văn chương có nhiều nhà văn nổi tiếng...

Trong lúc Kim Cương chuẩn bị đưa sang NXB Thuận Hoá thì Sở Văn hoá - Thông tin trực tiếp đến xin xuất bản. Điều không ngờ đến với Kim Cương lúc bấy giờ là cuốn tiểu thuyết đầu tay "Người quy phục Hoàng Đế" được in đến 60.000 cuốn. Đó là con số kỷ lục chưa từng có.

Đã thế mà Sở Văn hoá - Thông tin Bình Trị Thiên còn phải in thêm 2.000 cuốn theo yêu cầu của bạn đọc. "Người quy phục Hoàng Đế" của Kim Cương được phát hành rộng rãi khắp nơi, được đông đảo sinh viên các trường đại học và nhiều người đón đọc.

Cái tên "Người quy phục Hoàng Đế" cứ lan tỏa đến tận bây giờ. Đến như ông Nguyễn Đình Bảy cũng phải bất ngờ và đã thốt lên: "Thằng Kim Cương láo thật, dám "hớt ngọn" các nhà văn!”.

Từ Anh hùng Nguyễn Đình Bảy, từ mấy chục đêm phục vụ các nhà văn và vốn sống tích luỹ được, sau "Người quy phục Hoàng Đế" viết về các hoạt động của Công an Thừa Thiên thời kỳ chống Pháp, Kim Cương đã lần lượt cho ra các tiểu thuyết "Hoa dạ hương" (NXB Công an nhân dân - 2004) viết về các hoạt động của các lực lượng Công an trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và tiểu thuyết "Tiếng nổ sau chiến tranh" (NXB Công an nhân dân - 2002) viết về những chiến công của các lực lượng Công an nhân dân Bình Trị Thiên thời hậu chiến, trở thành một bộ ba tiểu thuyết, mà nhân vật trung tâm xuyên suốt là Anh hùng Nguyễn Đình Bảy.

Sau đúng 11 năm nhiều độc giả yêu cầu, năm 2007, cuốn tiểu thuyết "Người quy phục Hoàng Đế" đã được NXB Công an nhân dân tái bản. Và, ông Nguyễn Đình Bảy - con người đã cho tác giả Kim Cương, cho bạn đọc cả bộ ba tiểu thuyết "Người quy phục Hoàng Đế" - "Hoa dạ hương" - "Tiếng nổ sau chiến tranh", đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2009.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng đại diện quân và dân trong tỉnh đã long trọng tổ chức lễ trao tặng danh hiệu cao quý cho ông. Thấy Kim Cương được tỉnh mời vào dự, dù sắp bước sang tuổi bách niên, nhiều người trong đoàn bị ông quên, ông vẫn ôm chặt Kim Cương, vừa vỗ vỗ tay vào vai Kim Cương vừa nói: "Quý hoá quá! Quý hoá quá!".

Đồng Hới, tháng 5 năm 2010

Icon-Zalo Chat Zalo Icon-Messager Chat Messenger Icon-Twitter 0989.885.646 Icon-Youtube Kênh Youtube Icon-Instagram Bản đồ Lên đầu trang