Người Đẹp Tỉnh Lẻ
Tác giả: Lê Quốc Minh
NXB: Tác Phẩm Mới 1990
Tình trạng: Sách tốt, nguyên vẹn
Năm 1988, khi đã ngoài năm mươi tuổi, nhà giáo Lê Quốc Minh từ bỏ chiếc ghế Phó giám đốc Sở Giáo dục đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo chuyển sang làm chuyên viên Hội Văn nghệ đặc khu, thực sự bắt đầu cuộc đời của một nhà văn chuyên nghiệp.
Như để bù cho cơn khát viết đã kéo dài nhiều năm, ông lao vào sáng tác. Thơ, truyện ngắn, kịch (kể cả kịch bản phim), tiểu thuyết. Những tác phẩm của ông trình làng khá dồn dập. Trong khoảng ngót mười năm cuối đời, ông cũng có chừng ấy đầu sách được xuất bản, bao gồm các thể loại nói trên.
Tuy nhiên, có lẽ chỉ có tiểu thuyết “Người đẹp tỉnh lẻ” là thể hiện được đầy đủ nhất bút lực của ông - một bút lực đủ vinh danh tên tuổi Lê Quốc Minh trong làng văn cả nước lúc bấy giờ.
Ngay từ khi mới ra đời, cuốn tiểu thuyết đã làm xôn xao dư luận ở địa phương. Nó trở thành niềm hứng thú cũng như nỗi bất an cho nhiều người Vũng Tàu trong một thời gian dài.
Thậm chí trong câu chuyện hàng ngày, những cái tên đất, tên người do nhà nhà văn bịa ra đã được dùng thay cho... tên thật! Không phải ngẫu nhiên mà báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã kịp thời dành hẳn mấy trang cho một cuộc bàn tròn khá sôi nổi về cuốn sách đó.
Thị xã M. thời kỳ chớm chuyển sang cơ chế thị trường, một cái thị xã bé nhỏ cố ngoi lên “chức” thành phố, có đầy đủ cả “sáu mươi tám cơ quan ban ngành đoàn thể”.
Một cái đám cưới. Một cái đám ma. Một cuộc bầu bán mà thực chất là để chia chác chỗ ngồi. Một chuyến tham quan nước ngoài. Một cuộc đón tiếp các vị vừa đi tham quan nước ngoài về. Đấy là cái “khung” chính của cuốn tiểu thuyết.
Bám vào cái “khung” ấy là đám nhân vật bung xung với đủ thứ mưu mô, thủ đoạn, phe nhóm, dốt nát, ăn chơi trác táng, khao khát quyền lực... Nói tóm lại, vô số chuyện cười ra nước mắt.
Thơ Lê Quốc Minh chưa bao giờ là dấu hiệu của một tài năng nổi trội. Văn xuôi của ông mỗi khi được o bế, định đánh quả lớn là y như rằng lại trôi tuột đi đâu mất.
Vậy mà thật bất ngờ, với “Người đẹp tỉnh lẻ”, bạn đọc hoàn toàn có thể làm một hơi ngon lành từ đầu đến cuối với 250 trang sách in. Cảm giác như ông không hề dụng công.
Kết cấu cuốn tiểu thuyết cũng có vẻ lỏng lẻo, dễ dãi. Nhà văn nhớ gì kể nấy. Thực tế ngoài đời tươi nguyên, chen chúc bước vào tác phẩm của ông.
Ai cũng đã nghe vài ba chuyện, đã gặp vài ba nhân vật ở đâu đó, bây giờ rất muốn nghe thêm, biết thêm. Hóa ra văn chương nhiều khi “ăn nhau” ở cái thật.
Trong trường hợp này, cái thật phong phú đã lấn lướt, đã vô tình đẩy văng kỹ xảo ra khỏi ngòi bút nhà văn Lê Quốc Minh mà có khi chính ông cũng không biết.
Nhưng thật đến thế thì người ta chột dạ động lòng, lộn ruột sốt tiết lên cũng phải.
Nghe đâu có một cuốn “Người đẹp tỉnh lẻ” được gạch đít xanh đỏ chi chít ở từng trang đã được chuyển lên cấp lãnh đạo thị xã. Một bác nhớn đùng đùng nổi cơn thịnh nộ, đòi kiểm điểm Lê Quốc Minh. May, người trợ lý của bác đã tỉnh táo ngăn lại.
Người ta viết tiểu thuyết, là chuyện hư cấu, kiểm điểm cái gì? Không khéo mua cười cho bàn dân thiên hạ, lạy ông tôi ở bụi này. Một nhân vật khác cáo ốm không đến cơ quan, tránh xuất hiện ở chỗ đông người. Nhưng cũng không hiếm những bộ mặt sa sầm, những nụ cười khẩy, cười nhạt thấp thoáng đâu đó.
Có một người không lạ cũng không quen đến gặp và khuyên Lê Quốc Minh: Anh có đi đâu ra ngoài thì nhớ đi một đường, về một đường đấy nhé! Đến cơ sự này thì nhà văn buộc phải... “bàn tròn” với vợ.
Bà Hoa, vợ ông, một người phụ nữ có tính cách và số phận lạ lùng mà chúng tôi sẽ nói tới ở phần sau, chỉ nhẹ nhàng tìm cách trấn an ông. Bà quá hiểu công việc của ông cùng với những hệ lụy mà nó có thể mang lại.
Bà giúp ông yên lòng, nhưng chính bà cũng thấp thỏm. Có lần trên đường tới trường, bà giáo Hoa bắt gặp những cô công nhân quét rác, những người đàn bà đi chợ sớm đang tranh nhau đoán mò xem nhân vật ấy nhân vật nọ trong “Người đẹp tỉnh lẻ” là ông nào bà nào ngoài đời.
Cuối năm đó, Lê Quốc Minh thực hiện một cuộc xê dịch nhỏ: Ông bán nhà ở Vũng Tàu, cùng gia đình chuyển lên sống ở Gò Vấp, bấy giờ còn là vùng ngoại ô Sài Gòn. Một xóm nhỏ quần tụ nhiều gia đình nhà văn nổi tiếng khác là bạn bè thân thiết của ông như Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Hoài Dương, Ý Nhi,...
Tôi đồ rằng sức ép của dư luận quanh vụ “Người đẹp tỉnh lẻ” chỉ là một phần. Lý do chủ yếu có lẽ là sau thành công của cuốn sách, ông cảm thấy cái thành phố biển này đã trở nên vướng víu chật chội.
Ông muốn tuông ra một môi trường rộng lớn, thông thoáng và chuyên nghiệp hơn. Nhưng rất tiếc, không ai lường trước được mệnh trời. Lê Quốc Minh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994, đâu như chỉ ít ngày trước khi ông làm cuộc xê dịch cuối cùng, trọn vẹn cho mình vào cõi vĩnh viễn.