Không Lạc Loài
Tác giả: Phạm Thành Trung - Lê Anh Hoài
NXB: Hội Nhà Văn 2009
Tình trạng: Sách tốt, 203 trang khổ 14.5X20.5
Chuyện 15 năm của một chàng trai bị coi là dị biệt, là thuộc thế giới thứ Ba. Tự truyện của tác giả Thành Trung, do nhà văn - nhà báo Lê Anh Hoài ghi lại. Vì là tự truyện nên những gì kể ra đều 100% sự thật, có điều, tên của các nhân vật đều được viết tắt. Người chấp bút đã thuật lại theo lối kể không tuyến tính, kết cấu kiểu văn học, "kèm theo chủ quan của người kể" trong đó… “Tôi mong muốn từ những câu chuyện có thật của mình, những sai lầm, vấp ngã của mình và quyết tâm thay đổi mọi thứ xung quanh mình sẽ giúp cho những bạn có hoàn cảnh giống như tôi suy nghĩ nhiều hơn về một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi không dám chắc sẽ thay đổi được nhiều điều, nhưng tôi có tham vọng “Mọi người sẽ có những cái nhìn nhân ái hơn về những người đồng tính, hãy nhìn vào những cố gắng của họ, đừng vì sự tò mò và soi mói của mình mà dẫn đến những cái chết của những người đồng tính yếu đuối…”. Đó là thông điệp mà tác giả Thành Trung muốn gửi đến chúng ta qua tập sách này.
Không nhiều người thực sự muốn nhìn và biết nhìn vào chính bản thân mình. Nhan nhản là những người tự để mình trôi dạt theo những đám đông, thậm chí hoà mình tan vào đám đông thật nhanh được coi là tố chất tốt, đáng tin cậy. Câu hỏi lớn nhất của lối sống này là: mình có phù hợp? Từ đây sẽ đẻ ra hàng loạt mối bận tâm xoay quanh cái trục: mọi người nghĩ về mình (đạo đức, hạnh kiểm, trình độ, bằng cấp, tác phong, đầu tóc quần áo giày dép…) thế nào?
Nhưng có những người khác. Họ vật vã với những câu hỏi: mình là ai? Tại sao mình là thế này mà không phải thế kia? Mình đã sống đúng đắn và tốt đẹp? Tiếp tục lại là những câu hỏi khác: Thế nào là đúng đắn? Thế nào là tốt đẹp?...
Thành Trung là một người như thế. Số phận lại bắt Trung trăn trở với chính mình nhiều hơn
Với một cuốn tự truyện, vấn đề sự thật được đặt ra đầu tiên. Đây là cái nặng nề nhất mà người chấp bút cho nhân vật phải đối mặt. Tuy nhiên, nhà văn không nhất thiết và cũng không thể làm việc như cán bộ điều tra. Ngay cả khi nhân vật Phạm Thành Trung thành tâm muốn nhớ đúng và kể lại đúng.
Cuốn sách này không nhằm minh chứng cho một mệnh đề có sẵn nào, không tuyên truyền cho khuynh hướng nào. Nó chỉ là câu chuyện (một phần) đời của một con người - người thật việc thật, nói giản dị. Cuốn sách này phô bày, và giúp những ai đọc nó hiểu thêm và có thể thông cảm hơn với người đồng tính, không phải với những lời kêu gọi, mà bằng cuộc cống thực.
Sẽ có người thất vọng vì không thấy trong cuốn tự truyện này những dòng tình cảm lai láng, những triết lý cao xa, những tình tiết hồi hộp gay cấn hoặc éo le khổ sở. Thậm chí khó mà tìm được những từ du dương, hay bày tỏ những trạng thái quá. Các nhân vật từ Thành Trung đến những người thân, người tình, người bạn của anh đều được ghi lại với những hành động và sự kiện là chính.
- “Nhạy cảm và thẳng thắn, ưa thích những gam màu mạnh, thêm vẽ điển trai dễ gần, anh đã thu hút tôi từ những lần gặp gỡ đầu tiên… sau những thăng trầm chúng tôi cùng trải qua, tôi đã khám phá thêm thật nhiều về anh và càng ngày, anh càng tạo được trong tôi một chỗ đứng khác-với-những-người-khác, không như tôi vẫn hình dung. Cuốn sách này có ý nghĩa rất nhiều với anh, nó là những trải nghiệm đầy chân thực và đau đớn của một con người luôn khát khao được sống hoà nhập, được “không lạc loài”. Nó cũng giúp tôi hiểu anh hơn, và thêm một lần nữa, đối diện với tâm hồn chưa bao giờ thanh thản của anh để cảm thông và chia sẽ. Đó là một trong số những điều ít ỏi mà con người nhỏ bé như tôi có thể làm cho anh…” – Hoa hậu Mai Phương Thuý.