Hết hàng
Giá: 25.000₫
  • Nhà sản xuất: Chưa cập nhật
  • Mã sản phẩm: KB2894
  • Tình trạng: Sách này hết

Hạt Bụi Bên Nhau

Tác giả: Lê Văn Nghĩa
NXB: Văn Hoá Văn Nghệ
Tình trạng: Sách tốt, 142 trang khổ 13X20.5

 

Anh nổi tiếng là cây bút viết trào phúng xuất sắc hiện nay với nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu mến. Mới đây nhất, Người Yêu Sách nhận được truyện ngắn Hạt bụi bên nhau của anh. Thật bất ngờ khi anh thể hiện một phong cách hoàn toàn khác. Đọc và chúng ta lại bất ngờ ở đoạn kết. Chỉ đôi dòng nhưng mở ra một niềm thương cảm, khó quên... Với truyện ngắn ngày, nhà văn Lê Văn Nghĩa viết nhẹ nhàng như đang thủ thỉ, tâm tình cùng bạn đọc. Và cứ thế, câu chuyện dẫn người đọc về một bến bờ của sự xao xuyến và cảm động không nguôi.

Thế rồi điều mà gia đình chúng tôi lo sợ cũng đến: mẹ tôi mất.

Trước đó, lúc nào chúng tôi cũng sống trong một tâm trạng mâu thuẫn thường trực: mong cho mẹ tôi sống và cũng mong cho mẹ chết nhanh, để tránh khỏi những cơn đau hành hạ xác thân già nua. Trên 80 tuổi đời, mẹ đã chịu nhiều đau khổ về tinh thần, hành hạ của thể xác trong việc bươn chãi mưu sinh để nuôi đàn con khôn lớn...

Mẹ đó. Mẹ chúng tôi đó. Bà âm thầm chịu đựng, nuôi con một mình, dù đau khổ, thiếu thốn cách mấy bà vẫn cắn răng chịu đựng không nhờ vã đến sự lo lắng của ba tôi. Trong cái đau khổ thường tình của cuộc đời, có một đau khổ còn hơn vạn niềm đau khổ khác là bà đã câm lặng để ba tôi sống cùng một người đàn bà khác. Sự đau khổ của mẹ đã biến thành sự căm hận người đàn ông phụ bạc, mẹ không muốn các đứa con nhắc ba trước mặt mẹ. Không cho ba quyền được đứng tên cùng mẹ trên tấm thiệp mời đám cưới của các con...

Vì vậy, khi đến ngày ba mất ở nhà người vợ nhỏ (mà chúng tôi gọi là dì, tội nghiệp, bà cũng là một người phụ nữ đáng thương, đã cưu mang ba tôi suốt một cuộc đời lãng tử của ông - mà bà là bến dừng cuối cùng), chúng tôi âm thầm làm tang, không báo cho mẹ tôi biết, vì sợ bà bị sốc. Tuổi già, biết đâu, khi hay tin ba mất, mẹ sẽ chịu đựng không nổi thì sao (trong thâm tâm, chúng tôi biết rằng mẹ vẫn còn nhớ đến ba tôi một cách kiêu hãnh, âm thầm). Gia đình đưa ba đi hỏa táng. Người dì của chúng tôi gửi hủ tro hài cốt của ba ở một ngôi chùa nhỏ ở gần nhà để sớm hôm có thể thăm viếng cho ba bớt quạnh hiu.

Mẹ tôi, với căn bệnh tiểu đường kéo dài, huyết áp cao và suy thận mãn đã khiến cho cơ thể của bà không còn khả năng cầm cự mặc dù các bác sĩ đã dùng hết tất cả các loại thuốc có thể. Bác sĩ điều trị bảo với tôi: "Anh nên đưa bác về nhà đi...". Tôi hiểu điều bác sĩ muốn nói, và đưa bà về nhà.

Tôi lên chùa, gặp sư trụ trì, xin với sư nếu mẹ tôi có ra đi cho tôi được để hủ tro hài cốt của bà cạnh hủ tro hài cốt của ba tôi. Sư trụ trì lắc đầu: "Chùa quá nhỏ đã hết chỗ để cốt. Khi có gia đình nào xin chuyển hài cốt đi thì chùa sẽ báo". Tôi đành gửi lại số điện thoại và ra về ngậm ngùi trong nỗi mong ước không thực hiện được đó là cho ba và mẹ ở cạnh nhau trong thế giới bên kia. Sống không ở gần nhau được thì hai ông bà sẽ sum họp ở cõi vĩnh hằng... Trước khi rời chùa, tôi thắp nhang trên bàn thờ ba khấn vái: "Ba ơi, má đang đau đớn vì bệnh... Ba hãy đón má đi một cách nhẹ nhàng...".

Bà về nhà đã được hơn ngày, tình trạng vẫn lúc mê, lúc tỉnh. Chúng tôi đọc kinh cầu nguyện cho bà nhanh siêu thoát. Các con cháu, dâu rể từ xa đã về đoàn tụ, quây bên bà, ấm áp gia đình. Thỉnh thoảng mẹ mở mắt, gọi tên từng đứa cháu.

Bỗng dưng, bà cười. Một nụ cười rất tươi rất đẹp mà chúng tôi chưa hề thấy từ khi mẹ bắt đầu vào nằm viện. Tôi hỏi mẹ: Mẹ ơi, mẹ cười cái gì vậy? Bà vẫn cười, thều thào: "Tao thấy ba mày. Ổng đẹp trai ghê... ba mày rủ tao đi chơi...". Tôi hỏi tiếp: "Đi chơi ở đâu vậy má...". "Đi nhị tì"... Nói xong bà thiếp đi... và nhẹ nhàng, nấc hơi thở cuối cùng!...

Khi gia đình tôi làm lễ tẩm liệm cho mẹ và chuẩn bị cho mẹ một ngôi chùa khác để yên nghỉ thì điện thoại của tôi reo lên. Từ đầu dây phía bên kia là tiếng sư cụ trụ trì ngôi chùa nhỏ báo: "Gia đình ông hên ghê. Không hiểu sao, gia đình có hủ tro bên cạnh hủ tro của ông cụ hôm nay lại xin thỉnh hủ tro về nhà. Ông hỏa táng bà cụ xong rồi mang hủ tro lên chùa, chúng tôi sẽ để hủ tro của bà cạnh hủ tro ông cụ cho ấm áp...".

Tôi hỏi ông: họ thỉnh hủ cốt đi lúc nào vậy? Sư ông bảo: Hồi 9g25 sáng nay...

Giờ đó chính là giờ mẹ tôi cười vì thấy ba tôi!

Icon-Zalo Chat Zalo Icon-Messager Chat Messenger Icon-Twitter 0989.885.646 Icon-Youtube Kênh Youtube Icon-Instagram Bản đồ Lên đầu trang