Giảng Luận Về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
Tác giả: Bùi Giáng
NXB: Văn Học 2001
Tình trạng: Sách tốt, 265 trang khổ 14X20.5
Tản Ðà là biệt hiệu (tên ghép của núi Tản và sông Ðà), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1888 lại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (Bắc phần). Thân phụ là cụ Nguyễn danh Kế, thân mẫu là ả đào hát hay, thơ giỏi, thường gọi Phủ Ba. Tản Ðà là con dòng thứ. Ông có hai người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn tài Tích và Nguyễn Cổn; ngoài ra, còn người anh cùng mẹ là Nguyễn Mạn. Thuở nhỏ ông theo học Hán văn, sau nhờ người anh cả là Phó bảng Nguyễn tài Tích làm đốc học, hết lòng chỉ dẫn nên ông nổi tiếng văn hay chữ tốt. Ngay lúc còn học ở trường Quy thức ông nổi danh với bài Âu Á nhị châu hiện thế, được các báo Trung hoa ở Hương cảng đăng trong mục xã thuyết. Năm 1909, ông bị hỏng ở khoa thi Hương (Kỷ dậu). Năm 1912, ông yêu cô gái bán sách họ Ðỗ ở phố Hàng Bồ. Tản Ðà chiều theo ý muốn của nàng đã phải dùng bằng Ấm sinh để thi Hậu bổ, nhưng bị rớt vấn đáp. Mùa thu năm ấy, ông thi Hương lại hỏng luôn. Mối tình vì đó tan vỡ ; nàng đi lấy chồng; Tản đà đành ôm mối tình tuyệt vọng từ đây. Sau khi ông anh cả Nguyễn tài Tích mất, Tản Ðà ra làm báo. Vừa viết cho Ðông dương tạp chí của ông Nguyễn văn Vĩnh (1913), vừa viết cho Nam phong thì bị ông Phạm Quỳnh vì muốn tranh thời danh mà thẳng tay mạt sát quyển Giấc mộng con nên không hợp tác được. Ra làm chủ bút tạp chí Hữu thanh (1921); nhưng vốn là nhà thơ, không quen nghề làm báo nên không bao lâu Hữu thanh đình bản. Ông lập Tản Ðà thư cục, rồi cho ra An nam tạp chí (1926); nhưng cũng đình bản. Tản Ðà vào Gia định ( Nam phần) ở tại Xóm Gà viết cho báo Thần chung và Ðông Pháp thời báo của ông Diệp văn Kỳ. Nhưng rồi ông lại ra Bắc tái bản An nam tạp chí. Tờ báo này lại chết làm tan vỡ cái mộng "bồi lại bức dư đồ" của Tản Ðà. Ông đành quay về dịch thơ Ðường cho báo Ngày nay, chú thích truyện Kiều, dịch Liêu trai chí dị cho nhà xuất bản Tân Dân. Tác phẩm của ông suốt 25 năm trong nghề văn, nghề báo gồm có: Tiểu thuyết :Thề non nước, Trần ai tri kỷ ( truyện ngắn, 1932 ), Giấc mộng lớn, Giấc mộng con I (1916), Giấc mộng con II (1932). Luận thuyết : Tản Ðà tùng văn (bản chính, bản phụ), Tản Đà văn tập (hai quyển gồm những bài viết ở Đông phương tạp chí in thành sách 1932), Tản Ðà xuân sắc (1934), Khối tình (1918). Giáo khoa : Lên sáu, Lên tám, Đài gương truyện, Quốc sử huấn mông, Ðàn bà Tàu (trích dịch liệt nữ truyện).
Dịch thuật : Đại học, Ðường thi, Liêu trai chí dị (40 truyện). Tuồng chèo : Tây Thi, Tỳ Bà hành, Lưu Nguyễn nhập Thiên thai. Đến năm 1939, Tản Đà qua đời tại số 71 Ngã tư Sở, ngày 20 tháng 4 năm Kỷ mão Âm lịch, nhằm ngày 7 tháng 5 năm 1939 tại Hà Nội.