Đêm Trắng Của Đức Giáo Tông (Bìa Cứng)
Tác giả: Trầm Hương
NXB: Công An Nhân Dân 2002
Tình trạng: sách tốt, 392 trang khổ 13X19
Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương (1881 - 1951) là người gây dựng nên Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre. Con trai ông là Nguyễn Ngọc Bích, sau khi tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp, đã trở về Việt Nam năm 1945 và đứng vào hàng ngũ quân du kích. Ngọc Bích đã trở thành Khu Bộ phó khu 9 (miền Tây Nam Bộ)... Rồi Ngọc Bích bị quân Pháp bắt với tội danh “khủng bố và phá hoại”. Quân Pháp muốn Đức Giáo Tông viết đơn bảo lãnh thì sẽ trả tự do cho Ngọc Bích. Đức Giáo Tông đã thức trắng đêm suy nghĩ: Bắt tay với Pháp để cứu con, như thế là chống lại Việt Minh. Cuối cùng ông chọn con đường không cộng tác với Pháp và Ngọc Bích đã bị lưu đày biệt xứ.
Năm 1947, Nguyễn Ngọc Nhựt - con trai út của Đức Giáo Tông- đậu bằng kỹ sư tạo tác E.C.P ở Pháp, trở về Việt Nam tham gia cách mạng và trở thành Ủy viên Ủy Ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ. Thực dân Pháp bắt được Ngọc Nhựt, thuyết phục anh tham gia chính phủ bù nhìn của Bảo Đại với chức bộ trưởng, nhưng anh từ chối. Quân Pháp lại gây áp lực buộc Đức Giáo Tông đứng ra bảo lãnh cho Ngọc Nhựt. Một lần nữa Đức Giáo Tông phải thức trắng đêm suy nghĩ và ông quyết định gửi cho quân Pháp mấy dòng: “Con trai tôi đã trưởng thành. Tôi không thể dùng quyền lực người cha để ép buộc nó. Nó có sứ mạng của nó”. Quân Pháp tức giận đã chích thuốc khiến Ngọc Nhựt trở nên điên loạn và hy sinh ở tuổi 32...
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gặp Nguyễn Ngọc Bích trong chiến khu và đã nghe nhiều về gương hy sinh của Nguyễn Ngọc Nhựt, trong lời giới thiệu tiểu thuyết này ông đã viết: “Chưa có nhiều tác phẩm phản ánh cuộc sống nội tâm đầy giằng xé giữa đạo và đời, những cuộc đấu tranh đầy trí tuệ, thầm lặng mà không kém phần khốc liệt của giới tu hành, nhất là những chức sắc tôn giáo nổi tiếng để góp phần xây nên khối đại đoàn kết toàn dân, đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Đêm trắng của Đức Giáo Tông là một trong số không nhiều những tác phẩm đó”.
Đức Giáo Tông đã có công nghiệp lớn lao với “đạo” nhưng nỗi đau riêng tư với “đời” của ông khiến người đọc phải suy ngẫm: Nén tình máu mủ vì danh đạo/ Đành để hai con chịu khổ hình/ Mệnh hệ nhơn sanh thà bảo trọng / Tình nhà cam chịu phải hy sinh... (trang 5).
Lan Hương