Cách Trở Âm Dương
Tác giả: Vũ Huy Anh
NXB: Phụ Nữ 2009
Tình trạng: Sách tốt, 260 trang khổ 13x20
Có thể nói Vũ Huy Anh là nhà văn hiếm hoi của nước ta chuyên tâm với đề tài công giáo. Hầu hết các tác phẩm quan trọng của ông đều viết về công giáo với những hiểu biết thấu đáo, cặn kẽ và chính xác. Lúc nào Vũ Huy Anh cũng canh cánh một nỗi niềm: Phản ánh và lý giải sự tồn tại và phát triển của công giáo trong lòng dân tộc. Có thể có những hiểu lầm, những góc khuất, nhưng người công giáo Việt Nam chân chính bao giờ cũng là người lương thiện, hết lòng vì việc dân việc nước cũng như đã hết lòng vì việc đạo.
Với tiểu thuyết "Cách trở âm dương" (tiểu thuyết thứ 8 của Vũ Huy Anh), ông muốn bao quát một phạm vi hiện thực dài rộng hơn, muốn đem đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh có tính chất tổng kết về công giáo Việt Nam trên bước đường hòa đồng với cách mạng, với dân tộc và ngày càng có đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của đất nước trên hơn nửa thế kỷ qua. Mở đầu tiểu thuyết là những trang miêu tả sinh động sự hình thành và phát triển của xứ đạo Tâm Đức nói riêng và giáo phận Bùi Chu nói chung, từ những năm đầu thế kỷ 20. Nhưng tâm điểm của "Cách trở âm dương" là xứ đạo Tâm Đức từ những năm trước cách mạng tháng Tám cho đến nay với những trồi sụt, những éo le, uẩn khúc, thậm chí có khi bi đát, đau thương, nhưng với nghĩa lớn của cách mạng, của tình dân tộc, nghĩa đồng bào, những hiểu lầm, những cách biệt đã được khỏa lấp, người công giáo hiện nay đã thực sự được sống tốt đời đẹp đạo.
Nhân vật chính và cũng là người giữ vai trò người kể chuyện trong "Cách trở âm dương" là Nguyễn Thị Tâm An, một người công giáo quê ở Tâm Đức, trải qua bao nhiêu éo le, khúc mắc, hiểu lầm đã trở thành một cán bộ tôn giáo tâm huyết và có năng lực. Cuối đời, trong một cơn đau tim nặng, hồn chị đã lạc xuống cõi âm 17 ngày đêm, gặp và chứng kiến bao nhiêu nhân vật đã mất. Và câu chuyện của Tâm An, của gia đình Tâm An, của cả xứ đạo cứ như một cuốn phim quay chậm, khi cận cảnh, lúc toàn cảnh, lúc lại là những hình ảnh hồi ức, khiến người đọc cuốn hút, xúc động, cảm thương với những nhân vật nhiều truân chuyên và cũng vỡ vạc ra được nhiều điều về một tôn giáo phải trải qua quá nhiều thăng trầm để hội nhập.
Cái khéo trong bút pháp của Vũ Huy Anh trong "Cách trở âm dương" là từ một nhân vật cụ thể, từ cái làng Tâm Đức mà nhìn rộng ra cả đất nước, từ những lẽ riêng của đồng bào công giáo mà phản ánh thấu đáo sự chuyển biến, vận hành của lịch sử dân tộc trong mấy chục năm qua. Sử dụng yếu tố huyền thoại - hồn Tâm An bay xuống cõi âm, tác giả có thể dẫn dắt chúng ta tới mọi ngõ ngách của không gian và thời gian một cách hợp lý, gặp mọi loại người của mọi thời đại và nhân đó cởi bỏ mọi hiểu lầm, mọi khúc mắc.
Có thể nói "Cách trở âm dương" - ôm trọn một giai đoạn lịch sử dài, ngồn ngộn sự kiện và những chi tiết lịch sử. Nhưng vì quá ham khái quát, tổng kết nên nhiều khi cuốn tiểu thuyết như một ống kính chụp nhanh lưu lại nhiều nhân vật, nhiều sự kiện, nhưng lại ít có điểm dừng cận cảnh để tô đậm, khắc họa sắc nét những số phận, những cá tính cụ thể. Ở không ít trường hợp tác giả đã hy sinh nhân vật cho sự kiện. Nhưng người đọc phần nào thể tất cho tác giả, cho một cuốn tiểu thuyết ít nhiều có tính chất luận đề như "Cách trở âm dương".