Hết hàng
Giá: 43.000₫
  • Nhà sản xuất: NXB Trẻ
  • Mã sản phẩm: TR0689
  • Tình trạng: Sách này hết

Biển (Tác phẩm đoạt giải Văn Học Tuổi 20 lần thứ IV)

Tác giả: Trương Anh Quốc

NXB: Trẻ 2010

Tình trạng: Sách tốt, 284 trang khổ 13X20


Thoạt đầu tôi cứ ngỡ tác giả sẽ đưa tôi lên một con thuyền đánh cá, cùng những ngư dân hiền lành chân chất nhưng cũng lắm mối bận lòng. Thế nhưng không, nơi tôi đến hiện đại hơn nhiều, mà cũng lạnh lẽo khắc nghiệt hơn nhiều – con tàu Athena cùng những thủy thủ đoàn chở dầu thô về nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ở nơi đó tôi thấy những mảng sáng tối của cả một xã hội, một thế hệ; cũng thấy những câu chuyện rất đời, rất người; hay những sự vặt vãnh chỉ từ trong miếng ăn giấc ngủ. Tôi không còn thấy mình đứng trên con tàu lênh đênh giữa biển, mà đang đối mặt với cuộc sống rộng lớn ngoài kia, nơi những cơn sóng to dập dồn luôn chực chờ nhấn chìm, nuốt chửng mỗi tấm thân con người.

Tôi biết Việt Nam mình còn nghèo, trình độ học vấn chưa cao, các doanh nghiệp hay tập đoàn lớn đều có xu hướng thích thuê nhân viên nước ngoài về làm lãnh đạo hơn là để người mình làm. Nhưng hỡi ôi, đọc Biển mà xót xa khi nhìn những “lãnh đạo” ngoại ấy đè đầu cưỡi cổ dân mình. Nào có phải dân ta không giỏi, người Việt Nam trên trường quốc tế cũng đâu thua kém ai. Nhưng thói sính ngoại đã ăn sâu vào tâm tưởng người Việt, để rồi chính dân ta tiếp tay cho người ngoài ức hiếp dân mình. Tôi sẽ không tức giận đến vậy nếu những “người ngoài” kia thực sự tài giỏi. Đằng này không! Trên một con tàu Việt mà đến hơn nửa số sĩ quan là người Ấn, và gần một nửa trong số ấy chẳng có năng lực. “Sĩ quan thuyền viên trong nước được phỏng vấn quanh co hay chí ít cũng xem background đi biển còn sĩ quan thuyền viên nước ngoài thì may nhờ rủi chịu; bằng cấp con dấu cũng của nước ngoài biết đâu mà lần.” Thuyền trưởng chèn ép thuyền viên, Thuyền phó chỉ giỏi chỉ tay năm ngón, Máy trưởng lại không biết vận hành máy. Tôi nghe thấy vô số những tiếng thở than bất mãn của thuyền viên người Việt:

“…chúng bay chỉ biết ra lệnh thôi chứ có làm gì nặng nhọc đâu mà tốn sức, suốt ngày chỉ đi đi lại lại, vẽ việc cho thủy thủ tụi tao làm. Đã thế lương chúng bay lại cao ngất ngưởng. Tụi tao là người của công ty mà không bằng tụi bay, ai đời con ruột không quý bằng con nuôi thế này! Công ty tao sính ngoại, mà chúng bay thì có tài giỏi gì cho cam.”

Nhưng giữa biển khơi thăm thẳm, núi cao hoàng đế xa, ai sẽ lắng nghe những tiếng thở than này?

Rồi tôi thấy những chạy chọt quan liêu nghìn năm không sửa được của con người, những kẻ nịnh nọt bợ đỡ như La, như PIG vẫn tồn tại hằng ngày hằng giờ không chỉ trên con tàu hơn hai mươi thuyền viên ấy mà là trong chính nơi tôi đang sống. Biển nói với tôi rằng, con người dẫu có biêt bao tận tụy, chăm chỉ như Máy hai Jollia, như AB Đa cũng không vượt qua được những tối tăm đố kị của kẻ ác.

Nhưng đừng nghĩ rằng luồn cúi có thể đem đến thành công, đại dương xanh ngắt vẫn luôn có bầu trời phía trên. Giữa những chật vật tù túng nơi trùng khơi, tôi thấy ánh sáng rực rỡ của một vì tinh tú xuyên đêm đen sâu thẳm. Trong số những mẩu chuyện của Biển, tôi thích nhất câu chuyện về anh chàng Máy ba Rajibia Kumar – con người trượng nghĩa phóng khoáng luôn tỏa sáng với những phẩm chất tốt đẹp của một vị nghĩa hiệp. Kumar là người “vui tính, miệng lúc nào cũng cười” nhưng có trách nhiệm với công việc và tôn trọng người khác. Và bởi “sức mạnh có trong suy nghĩ, ở cả lời nói và ánh mắt” nên anh luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người, kể cả cấp trên như Thuyền trưởng hay Máy trưởng. Kumar sẵn lòng giúp đỡ người khác, khi chứng kiến thợ bơm Pawara bị Thuyền trưởng xử phạt vô lý, Kumar  lập tức đứng ra bênh vực. Và dẫu có vì vậy mà mất việc, anh vẫn hào sảng cười to rời tàu. Tinh thần hiệp nghĩa vô cầu này bất chợt làm tôi nhớ đến hình ảnh Lục Vân Tiên khi xưa: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi – Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Cuộc sống này dù có bao nhiêu mây xám thì vẫn luôn tồn tại những con người cao quý như vậy, phải không?

Chỉ có 19 câu chuyện nhưng Biển mang đến cho tôi quá nhiều suy nghĩ. Chuyện về đứa bé dị dạng con trai Máy trưởng Gupta khiến tôi vừa đau lòng vừa cảm động. Chuyện những cô gái nhảy tàu và tình cảm trung trinh làm tôi day dứt. Chuyện Qua khờ và tình cảm khác lạ dành cho In. Hay chuyện cướp biển lên tàu và Thuyền trưởng trốn lên xuồng cứu sinh. Và còn biết bao chuyện khác. Những câu chuyện mà tác giả mang tới lặng lẽ, chậm rãi đi vào lòng người rồi tuôn trào ồ ạt trên dòng thác cảm xúc vô tận.

Tác giả đặt nhân vật vào những hoàn cảnh trái ngang và chật vật như vậy, cái xấu sẽ hiển lộ, cái tốt cũng nảy nở. Và bởi quá chật vật nên đôi khi tốt xấu lẫn lộn, chẳng phân biệt được nữa. Tôi thích sự nhân văn này của tác giả. Bởi người ta sống trên đời chẳng ai xấu hết, cũng chẳng ai tốt hết. Thuyền trưởng Benyti dẫu là người hay đố kị, chèn ép, nhưng đôi khi cũng biết thấu hiểu và phân rõ phải trái; Máy trưởng Gupta ừ thì nói nhiều biết ít, nhưng cũng có những lúc ngây thơ và đáng thương. Tôi cũng thích sự nhân văn trong mỗi câu chuyện tác giả kể. Về chai dầu khuynh diệp bé nhỏ nhưng gắn kết tình người. Về đứa bé dị dạng dẫu bất hạnh sinh ra trong hình hài khác thường nhưng lại may mắn có được những tình yêu thương đẹp đẽ. Về Ia và người vợ mang thai đứa con thuộc về kẻ khác, dù lòng đau khổ giận dữ nhưng vẫn len lỏi trong tâm tưởng anh những suy nghĩ bao dung. Con người, phải chăng đến cuối cùng vẫn luôn nghĩ yêu thương nhau như thế?

Trương Anh Quốc kể về Biển bằng giọng văn bình thản và chân thật như đang ngồi nhà kể lại chuyến hành trình mình vừa đi qua. Có những liêu trai lạ lùng như câu chuyện trên đảo hoang, có những chuyện vui, chuyện buồn, cũng có chuyện cay đắng xót xa. Nhưng trên tất cả, tôi thấy được tình đời và tình người luôn dập dờn đây đó như sóng biển xanh đều đặn xô bờ. Con người giữa biển và con người giữa đời, có khác gì nhau?

Ngô Thị Mai Trinh

Icon-Zalo Chat Zalo Icon-Messager Chat Messenger Icon-Twitter 0989.885.646 Icon-Youtube Kênh Youtube Icon-Instagram Bản đồ Lên đầu trang