Anna Karênina (Bìa Cứng)
Tác giả: Liep Tônxtôi
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
NXB: Văn Học 2003
Tình trạng: Sách tốt nguyên vẹn, 1218 trang khổ 14.5X20.5
Cuốn truyện được bắt đầu bằng một đề từ: "Việc báo oán thuộc về ta, chính ta lại ra ân đền bù lại", với ngụ ý: chúng ta không có quyền phán xét người đời, quyền đó thuộc về Chúa. Câu này gói ghém ý nghĩa khắt khe về luật pháp vô tình của Chúa Trời nhưng mặt khác tỏ rõ tất cả lòng nhân đạo, rộng lượng của nhà văn với nhân vật chính Anna Karenina. Nhà văn muốn che chở Anna trước dư luận bất công của một xã hội ưa sống giả dối, quen chà đạp con người; ông không cho nó được quyền xét xử, vì chính nó là nguồn gốc gây ra tội lỗi. Và nếu Anna là tội nhân xúc phạm vào đạo đức, trật tự phong kiến thì đồng thời cũng là nạn nhân của lối sống giả nhân giả nghĩa. Nói vậy, không phải Anna hoàn toàn không có trách nhiệm về việc mình làm, trong cái chết oan khiên của nàng đã mang ý nghĩa tính hậu quả không tránh khỏi của việc làm tội lỗi, về sự tự trừng phạt.
Thông qua cuộc ngoại tình éo le, chấm dứt bằng cái chết tội lỗi và bi thảm của Anna Karenina, cuộc sống gia đình lục đục của Oblonxki, mối tình trắc trở nhưng hạnh phúc của Levin, cùng đời sống tình cảm phức tạp của nhiều nhân vật khác, như Betxi Tverxcaia, Lidia Ivanovna, Lida Mercalova, Xapho Stond, nhà văn đã đặt ra vấn đề tình yêu và hôn nhân như một sự việc cá nhân và xã hội. Mặt khác, Tolxtoi phơi trần nhiều mặt xấu xa của đời sống quý phái, từ lối sống xa hoa, lười biếng, vợ chồng lừa dối nhau, bạn bè ghen ghét, xảo trá, đến thói quen sĩ diện hão, giả nhân giả nghĩa, tranh giành địa vị, bon chen luồn cúi, nhu nhược, phá sản của tầng lớp quý tộc.
Bên cạnh chủ đề trên, nhà văn còn đưa ra nhiều vấn đề xã hội khác có tầm quan trọng lớn hơn nhiều, chủ yếu bằng cách thông qua nhân vật Levin: Đó là các vấn đề lý tưởng xã hội, các ý kiến về dân tộc, về nông dân, về tổ chức xã hội, cơ cấu kinh tế, giáo dục, chính trị, về mọi sự thay đổi ảnh hưởng quyết định đến đời sống nhân dân, về triết học, nghệ thuật và cả về hòa bình, chiến tranh...
(Trần Mạnh Hào)