Vượt Qua Bão Giông (Sách song ngữ Anh-Việt)
Tác giả: Bảo Cường
NXB: Văn Học 2012
Tình trạng: Sách mới, 252 trang khổ 14.5x20.5
Số phận con người không tách rời số phận dân tộc. Nghệ sỹ Bảo Cường sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, hết đánh thực dân Pháp, lại đánh đế quốc Mỹ. Đất nước bị chia cắt rồi thống nhất. Bao biến động lịch sử đã chi phối đường đời, số phận của anh. Đọc Vượt qua bão giông tôi mới hiểu hết bao nhiêu thăng trầm mà anh từng nếm trải. Đó là một cuộc đời lắm gian truân nhưng cũng đầy may mắn.
Nghệ sỹ Bảo Cường người làng Dương Hòa - một vùng quê nghèo thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thuở nhỏ anh phải đi chăn trâu, cắt cỏ, ở đợ… để kiếm tiền nuôi mẹ. Cuối năm 1964, một buổi sáng trời mưa phùn lạnh buốt, với một gói đồ, mấy bộ áo quần, không tiền bạc, không nghề nghiệp, không bạn bè thân thích, anh lặng lẽ chia tay mẹ, rời bỏ quê hương vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Tôi cứ hình dung cái đêm đầu tiên anh ngủ ở ngoài công viên Gia Định “lạnh lẽo không có gì đắp, bụng đói cồn cào, thao thức suy nghĩ không biết đời mình sẽ về đâu” mà cám cảnh cho anh. Có đọc Vượt qua bão giông, tôi mới biết động cơ đi lính bất đắc dĩ của anh. Anh đã phải lựa chọn giữa cái đói và cuộc đời bằm dập của người lính cộng hòa. Chỉ vì muốn có tiền, khỏi lo đói anh đã phải nếm chịu bao nhiêu đày ải. Anh kể: Khi làm lính nhảy dù, lỡ tay để súng cướp cò, anh đã bị chôn sống cả tiếng đồng hồ giữa cái nắng như thiêu như đốt, “mồ hôi đổ nhễ nhại, người tê dại vì máu chảy không đều”. Làm lính dù cực quá, chịu không nổi, anh liều mạng bỏ trốn và bị cảnh sát bắt giam chín tháng trời. Chín tháng trời, anh ở chung với đám du thủ du thực, “ăn ngủ như loài vật, hôi hám, ghẻ lở đầy mình”. Nói như Nguyễn Du đó là “địa ngục ở miền trần gian”. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngỡ đã thoát khỏi cảnh đọa đày, ngờ đâu vì quá lo xa, anh sốt sắng tình nguyện đi học tập, cải tạo lần hai. Lần này người ta đưa anh ra đảo Phú Quốc. Các trại viên hàng ngày phải nhổ hàng rào thép gai để lấy đất tăng gia sản xuất, “tự cung, tự cấp”, đụng phải mìn, nhiều người chết và bị thương, may mà anh không việc gì. Tôi nghe anh kể chuyện đi bốc mộ ở trên đảo mà rùng mình. Có một số xác vừa mới chôn, thịt chưa rã hết, mùi hôi không thể tả. Suốt bao nhiêu ngày lấm lem với thịt người, hơi người, áo quần, tay chân, tóc tai đều hôi. “Mùi hôi đeo bám vào cơ thể từ tháng này qua tháng nọ. Không ăn uống gì được, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi mùi hôi”… Trong sổ tử vi của anh chắc chắn có câu “tiền vận lao đao”. Tôi đã đọc nhiều tự truyện nhưng ít thấy ai tiền vận “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” như anh.
Phải trải qua bao nhiêu gian truân nhưng đời nghệ sỹ Bảo Cường cũng gặp không ít may mắn. Thời niên thiếu ở quê, anh đã mấy lần thoát chết. Có hôm, anh đi câu cá về, bất ngờ gặp cọp (hổ), hồn vía lên mây, nếu bà con, làng xóm không đến đuổi cọp kịp thời chắc là anh bị cọp xé xác mất rồi. Có hôm, anh bơi ra cứu heo, bị nước lũ cuốn, may bám được nhành cây. Có hôm, trên đường chạy giặc, đạn ca nông rơi trước mặt nhưng tịt ngòi. Kể cả khi vướng phải mìn “toàn thân tê dại, cháy đen”, mà anh vẫn cứ thoát chết… Thế mới lạ! Trong quãng đời trần ai của mình, anh còn may mắn gặp được nhiều người cưu mang, giúp đỡ. Đó là ông chủ tiệm phở đã nhận anh vào làm, giúp anh có cái ăn chỗ ngủ trong lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn. Người thứ hai cũng là một ông chủ tiệm phở khác đã từng cưu mang anh khi anh vừa trốn khỏi trại lính. Chính ông chủ tiệm phở thứ hai này là người tạo điều kiện cho anh đi học bổ túc ban đêm. Thời ở Trường thanh niên xây dựng cuốc sống mới, anh lại may mắn gặp cô bạn gái tốt bụng tên là Đẹp. Cho đến bây giờ anh vẫn không thể nào quên ơn cô bạn gái tốt bụng ấy. Anh thú nhận nhờ Đẹp mà anh mới thấy cuộc đời còn có ý nghĩa. Để từ đó có hy vọng vươn lên. Có người chỉ thoáng qua trong đời anh nhưng chắc chắn anh mang ơn suốt đời (như trường hợp Trần Đình Uẩn. Nhờ Trần Đình Uẩn nhiệt tình mai mối mà anh lấy được người vợ gốc Huế chịu thương, chịu khó). Từ khi lập gia đình anh có chỗ ở tại Sài Gòn, chấm dứt những tháng ngày lang thang, phiêu bạt. Và đây là những dòng tri ân chân thành anh dành cho người vợ tao khang của mình: “Tình đời bạc bẽo. Lúc khốn cùng mới biết được lòng người. Từ ngày lấy nhau đến giờ bà xã tôi chưa có lúc nào sống thanh thản. Chưa hết khổ vì lo chồng lính tráng, bây giờ lại lo tù đày”. Cả những người họ không có ý giúp anh nhưng anh cũng phải chịu ơn họ (như trường hợp trung úy Diệp - người đã được cử đi học Đà Lạt nhưng do vết thương tái phát nên anh được cử đi thay để cuộc đời anh bước sang một lối rẽ khác. Có thể nói trung úy Diệp đã thế mạng cho anh. Sau khi anh về Đà Lạt một thời gian thì nghe tin đơn vị cũ đã bị đối phương tiêu diệt gần như hoàn toàn, trong đó có trung úy Diệp). Đó chính là hồng phúc, là sự may mắn mà trời đất, ông bà đã ban tặng cho anh, để bù lại bao nhiêu vất vả, gian truân mà anh từng chịu đựng.
Đời anh trải qua bao nhiêu giông bão, thế mà anh đã vượt qua tất cả phải chăng một phần là nhờ anh gặp quá nhiều may mắn? Nếu không gặp may mắn chắc là anh không còn sống đến hôm nay để kể lại toàn bộ cuộc đời mình trong cuốn tự truyện này. Người xưa nói “ở hiền gặp lành”, “qua cơn bĩ cực, đến ngày thái lai” thật đúng với trường hợp của anh.
Một nghị lực phi thường, một niềm say mê nghệ thuật hiếm có
Nghệ sỹ Bảo Cường “vượt qua bão giông”, không chỉ nhờ may mắn mà chủ yếu là nhờ ý chí, nghị lực phi thường của anh. Nếu không có ý chí, nghị lực chắc chắn là anh không thể có được như ngày hôm nay. Số phận đã đưa đẩy anh từ thuở ấu thơ cho đến khi trốn trại cải tạo đã trải qua nhiều cảnh ngộ, nhiều bất trắc rủi ro, “không ít lần cận kề cái chết”. Những lúc nguy khốn ấy, anh chỉ tâm niệm một điều “hãy cố gắng vượt lên, biết đâu còn hy vọng”. Nhờ thế mà anh sống qua ba trại tù, hai trại cải tạo, chịu đựng mọi cực hình, mọi thử thách. Cũng nhờ có ý chí và bản lĩnh mà anh cũng đã vượt qua mọi cám dỗ để có thể sống theo ý mình, theo sở thích của mình. Trước lúc Sài Gòn giải phóng, có người rủ anh di tản sang Mỹ nhưng anh một mực chối từ. Thời gian anh học tập cải tạo ở Phú Quốc có nhiều nhóm rủ anh đi cướp tàu đánh cá để vượt biên nhưng anh cũng từ chối. Phương châm sống của anh là: “Sống ngay thẳng, thật thà, phải vươn lên, không tham lam, bè phái, nịnh bợ, không đạp lên nhau mà sống, không có gì bằng sống chân thật, vị tha và bác ái”.
Điều mà tôi hết sức khâm phục ở anh là tinh thần tự học, tự rèn luyện. Bất cứ ở đâu, bất cứ rơi vào hoàn cảnh nào cũng tự học, tự trau dồi năng khiếu của mình. Anh hạ quyết tâm không đầu hàng số phận. Anh học ngày học đêm, lúc nào rảnh là học. Tuy biết mình “tài hèn sức mọn” nhưng anh không nản chí, không gảy gánh giữa đường. Có vấp ngã thì tự gượng đứng dậy đi tiếp. Năm 1975, khi Sài Gòn vừa mới giải phóng, anh đã có ý thức mua sách để tự học. Lúc đó, người ta bày bán sách cũ tràn ngập cả lề đường. Nhờ mua được sách với giá rẻ hơn bèo mà anh đọc được những tác phẩm văn học nổi tiếng như: Cuốn theo chiều gió, Túp lều bác Tôm, Trà hoa nữ, Ngư ông và biển cả… Năm 1979 đến 1981 học ở Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới, anh miệt mài đọc sách, trau dồi văn nghệ, làm thơ, luyện sáo… Năm 1984, có cuộc thi ngâm thơ đầu tiên do Nhà Văn hóa Phú Nhuận kết hợp với Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, anh mạnh dạn tham gia và dành được huy chương đồng - một phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực tự học, tự rèn luyện của anh. Anh hòa nhập rất nhanh với đời sống văn nghệ trong chế độ mới. Bất cứ chương trình gì lớn nhỏ xa gần anh đều tham gia tích cực. Anh vừa làm thơ vừa ngâm thơ vừa thổi sáo. Một bài thơ lục bát anh có thể hát qua sáu làn điệu dân ca Huế. Anh đã đi trình diễn khắp nơi từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Năm 2004, anh được Hội Thơ quốc tế mời tham dự Đại hội Thơ tổ chức tại Hoa Kỳ. Cho đến nay anh đã xuất bản gần 30 tác phẩm, bao gồm: thơ, bút kỳ, tự truyện và dành được một số giải thưởng có giá trị. Anh cho rằng: “Là người nghệ sỹ trước hết phải có cái tâm, có uy tín, trách nhiệm và sống hòa đồng, luôn học hỏi trau dồi tri thức, nghề nghiệp. Phải biết lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui hạnh phúc của mình”. Anh tâm sự: “Cuộc đời văn nghệ của tôi như cái nghiệp, nó đeo đẳng bám riết vào mình không thể dứt ra được. Xa nó thì lòng trống vắng buồn phiền như mất đi lẽ sống… Nếu ai cho tôi bao nhiêu tiền mà bắt tôi bỏ nghề viết lách, ca hát thì tôi cũng xin cảm ơn và chối từ”. Giữa cuộc sống xô bồ hiện nay, rất hiếm người có lòng say mê nghệ thuật như anh.
Một lối viết thật thà, bộc trực
Khác với truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết… tự truyện hiểu một cách nôm na là tự kể về cuộc đời mình. Bởi vậy, yếu tố chân thật phải đặt lên hàng đầu. Nếu bạn đọc phát hiện một chi tiết, một tình tiết không thật sẽ gây ra sự hoài nghi và câu chuyện được kể trong tác phẩm sẽ mất hết giá trị. Tất nhiên, muốn tự truyện tạo được sức hấp dẫn đối với người đọc phải có hư cấu. Hư cấu ở tự tryện chủ yếu là ở sự sắp xếp các chi tiết, các tình tiết sao cho hợp lý nhưng vẫn tạo được tính bất ngờ để lôi cuốn người đọc. Ở tập tự truyện Vượt qua bão giông, nghệ sỹ Bảo Cường có lối viết hết sức thật thà, bộc trực, “có gì viết nấy, không thêm bớt, thêu dệt”. Anh “khai báo” cả những chuyện không ai biết, như chuyện anh trốn trại cải tạo Phước Long, năm 1979… Người khác rơi vào hoàn cảnh như anh họ sẽ giấu biệt. Bởi tội trốn trại cải tạo đâu phải là chuyện thường. Nếu có ai đó ghen ghét với anh, đặt lại vấn đề, biết đâu anh sẽ bị tai bay vạ gió. Chuyện anh có tình cảm đặc biệt với cô Đẹp khi ở Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới, hai người hàng ngày gặp nhau, chia ngọt sẻ bùi. giữa đèo heo hút gió, nào có ai biết. Thế mà anh vẫn “khai báo” một cách hết sức thật thà: “Bao năm bị tù đày, chưa một lần sống gần phái nữ, bây giờ ngày ngày sống gần bông hoa rừng có hai má đồng tiền dễ thương, thì chỉ có thánh mới thoát được ải mỹ nhân, huống hồ tôi là một gã lãng tử, có dòng máu văn nghệ lúc nào cũng chực chờ tuôn chảy thì làm sao mà không nghiêng ngả suốt một đời vì em”. May là anh gặp người vợ có tấm lòng vị tha. Nếu gặp người có máu Hoạn Thư thì chắc anh khó lòng ăn ngon, ngủ yên. Anh chân thật “khai báo” cả những “tật xấu” của mình, như “tính tôi hay ba hoa, hễ thấy gái là mắt cứ sáng lên”. Anh “khai báo” cả chuyện hồi nhỏ, anh từng ăn cắp cây thông gần lăng Thiệu Trị, chuyện cán bộ trại cải tạo nhẵn mặt vì tật hay giả bệnh của anh… Chân thật trong từng ý nghĩ, lời văn, cách dẫn dắt câu chuyện… điều đó đã góp phần quan trọng, giúp cho Vượt qua bão giông tạo được tình cảm đặc biệt với bạn đọc gần xa.