Trực Giác Chiến Lược
Tác giả: William Duggan
Người dịch: Nguyễn Kim Thi
NXB: Thời Đại 2010
Tình trạng: Sách tốt, 350 trang khổ 13X20.5
Trực giác chiến lược là khái niệm còn khá mới mẻ với độc giả Việt Nam, nhưng đã được Bộ Quốc Phòng Mỹ nghiên cứu từ năm 2005. Trực giác chiến lược khác với trực giác thông thường ở chỗ trực giác thông thường chỉ là những linh cảm mơ hồ hoặc bản năng bên trong mỗi người. Trực giác thông thường là một dạng của cảm xúc: tôi cảm thấy - chứ không phải là tôi nghĩ rằng. Trực giác chiến lược là cái ngược lại: tôi nghĩ rằng - chứ không phải là tôi cảm thấy. Một ý tưởng hay thường là một ý nghĩ rõ ràng chợt lóe sáng như tia chớp trong tâm trí. Bạn cảm thấy phấn chấn ngay sau đó, và từ giây phút đó trở đi ý nghĩ ấy trở nên sắc bén trong đầu bạn. Bạn thấy phấn khích bởi vì cuối cùng thì bạn cũng nhìn thấy một cách rõ ràng tiếp theo đây bạn sẽ phải làm gì.
Thuật ngữ trực giác chiến lược giúp phân biệt kiểu trực giác này với các dạng trực giác khác và đặt nó trong mối tương quan với lĩnh vực chiến lược. Những nguồn tài liệu cũ về chiến lược của phương Đông cho chúng ta những ý tưởng sơ khai về cơ chế hoạt động của trực giác chiến lược. Đó là cuốn Bhagavad Gita của Ấn Độ (4000 năm trước Công Nguyên), cuốn Tôn Tử binh pháp của Trung Quốc (450 năm trước Công nguyên), cuốn Ngũ Luân Thư (1645) của tác giả người Nhật Miyamoto Musashi. Những công trình này ứng dụng triết lý của Ấn Độ giáo, Đạo giáo và thuyết Thiền Tông của đạo Phật vào lĩnh vực chiến lược quân sự. Khoa học về chiến lược chính thức bắt đầu với những nguồn tài liệu kinh điển của châu Âu, điển hình là cuốn Bàn về chiến tranh của Carl von Clausewitz (1832). Ý tưởng về tia chớp nhận thức được giới thiệu bao trùm và xuyên suốt toàn bộ các cuốn sách này.
Quan niệm về chiến lược của châu Âu đã thâm nhập từ lĩnh vực quân sự sang lĩnh vực kinh doanh vào cuối thế kỷ XIX, và sang đến thế kỷ XX, xâm nhập sang các lĩnh vực khác như quản lý nhà nước, quản lý các tổ chức phi lợi nhuận, và quản lý nói chung. Chỉ có điều ý tưởng chiến lược được phổ biến rộng từ lĩnh vực quân sự, còn tia chớp nhận thức - cơ chế tạo nên những ý tưởng chiến lược đó - thì thường bị lãng quên. Những tư tưởng lớn đang thịnh hành trong lĩnh vực chiến lược đều không hề nhắc đến các tia chớp nhận thức, chẳng hạn như cuốn Lợi thế cạnh tranh của Michel Porter. Cuốn trở này trở thành mô hình thống soái trong kinh doanh trong suốt thập niên 1980. Nó dạy bạn làm thế nào để phân tích chiến lược của riêng bạn trong mối tương quan với ngành công nghiệp bạn đang hoạt động và với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên nó không chỉ ra cho bạn thấy làm thế nào để có được chiến lược đó. Đó chính là giai đoạn sáng tạo mà Porter đã không nói đến trong cuốn sách của mình. Trực giác chiến lược, trái lại, lấy bản thân ý tưởng làm trung tâm cho mọi chiến lược. Điều đó khiến cho trực giác chiến lược trở thành một bước đột phá trong lĩnh vực chiến lược nói chung trong vòng hai mươi năm trở lại đây.
Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn đọc hiểu trực giác chiến lược diễn ra thế nào. Trong nửa đầu cuốn sách chúng ta sẽ nghiên cứu lý thuyết về trực giác chiến lược dưới dạng sơ khai của nó: lịch sử khoa học, thần kinh học, tâm lý học về nhận thức, chiến lược quân sự châu Âu, và triết học phương Đông. Ở nửa cuối của cuốn sách chúng ta sẽ học cách ứng dụng trực giác chiến lược vào kinh doanh, vào các chương trình xã hội, vào các ngành nghề, và vào giáo dục. Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu những quy tắc có tính ước lệ về hoạch định chiến lược, phương pháp luận khoa học, sáng tạo, nghệ thuật ra quyết định, nghệ thuật làm việc nhóm, nghệ thuật lãnh đạo, về sự đổi mới, phương pháp brainstorming (ghi não), và cả về sự phân chia các kỹ năng thành kỹ năng cốt lõi và kỹ năng thứ yếu trong các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật.
Cuốn sách này giới thiệu nhiều lĩnh vực và chỉ ra đóng góp của từng lĩnh vực ấy cho hiểu biết của chúng ta về trực giác chiến lược. Điều đó khiến cho phạm vi đề cập của cuốn sách là rất rộng. Nửa đầu cuốn sách trình bày về năm lĩnh vực giúp chúng ta hiểu, về mặt lý thuyết, trực giác chiến lược diễn ra như thế nào. Các lĩnh vực ấy là: lịch sử khoa học, thần kinh học, tâm lý học về nhận thức, chiến lược quân sự và triết học phương Đông. Nửa cuối của cuốn sách giới thiệu việc ứng dụng trực giác chiến lược vào bốn lĩnh vực thực tế: lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp xã hội, các ngành nghề và trong giáo dục. Ở mỗi phần chúng ta sẽ thấy tia chớp nhận thức được đưa vào các phương pháp định hướng hành động chủ đạo của mỗi lĩnh vực đó như thế nào.
Theo cách này, bạn sẽ dần nắm được tư tưởng của trực giác chiến lược. Quá trình nhận thức về trực giác chiến lược cũng giống như khi bạn gặp một ngôi nhà mọc lên giữa rừng rậm: bạn phải đi đến gần nó, xem xét xung quanh, rồi nhìn vào từng ô cửa sổ xem có gì bên trong. Mỗi cánh cửa cho bạn một cách nhìn khác nhau về cùng một sự vật. Bạn nhìn vào một cánh cửa, rồi một cánh cửa khác, và một cánh cửa khác nữa, và cuối cùng bạn nhận ra là bạn đã ở bên trong ngôi nhà đó tự lúc nào. Tất cả đều đến cùng một lúc trong tâm trí bạn. Và bạn hiểu thế nào là trực giác chiến lược.