Rũ Bỏ Trần Gian
Tác giả: Keng (Đỗ Thị Thùy Linh)
NXB: Hội Nhà Văn 2011
Tình trạng: Sách tốt, 240 trang khổ 12x20.5
Tập truyện ngắn in chung giữa hai tác giả: Keng và Mộng Mỵ (NXB HNV) - là sự kết hợp giữa hai tác giả với lối viết, đề tài tưởng như đối lập nhưng độc giả vẫn tìm thấy sự tương đồng trong tâm hồn hai nữ tác giả chênh nhau đúng một thập niên này.
Phần truyện của Keng, với 9 truyện ngắn được chia làm ba khía cạnh: truyện gia đình: Dưới chân phật quan âm, Tháng ngày lặng lẽ, Rũ bỏ trần gian; truyện tâm lý: Yêu, làm tình và ngủ, Say mộng, Phía dưới thiên đường; truyện tình yêu: Người lạ, Yêu thương đã muộn.
Keng là cây bút trẻ, sinh năm 1983, sống và làm việc tại Sài Gòn. Keng từng gây ấn tượng với độc giả với Dị Bản (NXB Văn nghệ TPHCM). Cuốn sách được viết ra với những trăn trở về tình yêu, lối sống của Keng và cũng là của thế hệ 8X, 9X Việt Nam hiện nay. Vì thế, các truyện ngắn của Keng đều mang âm hưởng của những vùng đất lạ, đôi lúc kêu gào, đập phá, nổi loạn,… nhưng mọi gai góc, quyết liệt ấy cũng chỉ như những gai hoa hồng đầy nữ tính, đầy đam mê và chẳng mấy nguy hiểm. Với “Rũ bỏ trần gian” (NXB HNV), Keng lại đem đến cho độc giả một thông điệp khác về người trẻ. Đó là những yêu thương, hoài niệm, xót xa, ẩn ức ám ảnh trong quá khứ cứ quẩn quanh không lối thoát. Nhân vật nữ trong truyện cũng đầy mãnh liệt, nghị lực bứt phá nhưng cũng đầy xót xa khi bất lực trước bản thân mình trước sự trêu ngươi của số phận. Những quan niệm trong 9 truyện ngắn của Keng thể hiện một cảm xúc rất bản năng và dám sống, dám dâng hiến cho tình yêu thậm chí có phần sốc nổi, liều lĩnh người trẻ thế hệ 8X, 9X.
Khác với Keng, truyện thị giác của Mộng Mỵ in chung trong tập sách này gồm XI chương, nhân vật trong mỗi câu truyện đều được xây dựng chủ yếu ở dạng: đối thoại giữa hai nhân vật: anh và em, bà và tui. Nhưng cuộc đối thoại hết sức tinh tế, chọn lọc về các vấn đề cuộc sống: tình yêu, tình dục, ngoại tình, và các vấn đề xoay quanh quan hệ gia đình, mỗi chương như một lát cắt, một mảnh đời sống tinh tế đáng để chúng ta chiêm nghiệm. Điểm chung giữa Keng và Mộng Mỵ chính là để nhân vật của mình được vùng vẫy với “bản năng” của mình đến tận cùng.
Ấn tượng với truyện thị giác của Mộng Mỵ, phải đến khi đọc đến chương cuối cùng, mới biết mình sẽ thật miên man, hỗn độn nhiều nguồn cảm xúc. Nhưng còn lại vẫn là một thông điệp về bản năng, về khao khát đựơc sống, được yêu theo cái cách của mình.