Ở Lưng Chừng Thời Gian
Tác giả:
Nxb văn học 2007
Tình trạng: Sách tốt, 320 trang khổ 13X20.5
Được viết nên một cách đẹp đẽ, thẳng thắn, có lẽ "Ở lưng chừng thời gian" là một trong những cuốn tiểu thuyết thành công nhất, dám đối diện và nhìn nhận thấu đáo vấn đề hậu chiến tranh Việt Nam.
Một câu chuyện buồn, có vẻ riêng tư nhưng đầy ám ảnh khiến ta có cảm giác trầm mặc và hoảng loạn. Một câu chuyện kể về cuộc kiếm tìm tuyệt vọng sự thanh thản, về khao khát được cứu chuộc, về tình cảm gia đình, những khám phá, thấu hiểu, lầm tưởng, nương tựa, gặp gỡ…. Đó là Ở lưngchừng thời gian, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Canada David Bergen từng nhận giải thưởng Scotiabank Giller 2005, nơi tác giả giúp người đọc thấm thía sự tồn tại dai dẳng của nỗi đau chiến tranh, dù bom đạn và những trận đánh đã lùi xa.
Cuộc thảm sát. Ngôi làng hoang vắng. Những khuôn mặt xa lạ kinh hoàng. Đứa trẻ vô tội ngã gục sau vết thương trên cổ. Giấc mơ chắp nối về ký ức dai dẳng nơi bản địa... tất cả đã thôi thúc Charles Boatman, một cựu chiến binh Canada trở lại Việt Nam gần ba mươi năm sau chiến tranh. Khi người cha mất tích, Ada Boatman và em trai Jon đến Việt Nam tìm cha. Câu chuyện, sau đó được kể lại song song. Một bên là dòng hồi ức về cuộc đời của Charles Boatman, cuộc chiến, lần trở lại Việt Nam, cảm giác tuyệt vọng và cuối cùng là cái chết giữa biển Mỹ Khê. Bên kia, người đọc theo chân Ada và Jon trên hành trình tìm kiếm cha, cùng sống trong những tâm trạng đầy mâu thuẫn, những mối quan hệ khó gọi tên, cùng khám phá nhiều điều mới lạ về đất nước, con người Việt Nam, và cuối cùng, chấm dứt cuộc kiếm tìm trong nỗi đau mất cha.
Đây là lần đầu tiên, Ở lưng chừng thời gian xuất hiện tại Việt Nam qua bản dịch của Tuệ Đan. Thế nhưng, độc giả Việt Nam vẫn có cảm giác quen thuộc khi đến với tác phẩm này. Sự quen thuộc, một phần bắt nguồn từ cảnh vật, con người Đà Nẵng được chọn làm bối cảnh cho câu chuyện, nhưng mặt khác, đó là tâm trạng mất mát, tuyệt vọng và ám ảnh của người lính trở về sau chiến tranh. Charles Boatman gợi nhắc đến Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, và Ở lưng chừng thời gian là Nỗi buồn chiến tranh của những người từng một thời ở bên kia chiến tuyến. Bom đạn không giết được họ, nhưng những gì đợi chờ họ phía trước, thậm chí còn đáng sợ hơn cái chết, đó là sự tàn lụi của hạnh phúc, sự ám ảnh của những ký ức nơi chiến trường, và đau đớn hơn cả đó là sự mất đi vĩnh viễn của một cái tôi từng tồn tại, một cái tôi biết mình là ai, hơn thế, một cái tôi biết yêu thương, rung động, khát khao, một cái tôi đã bị cái tàn khốc của những trận đánh giết chết. Ta gặp lại Kiên trong nỗi đau của Charles Boatman vì để mất Sarah, rồi Elaine, trong những cơn ác mộng kinh hoàng và những đêm lang thang tuyệt vọng trên đường phố Đà Nẵng. Những giấc mơ của ông trong những ngày sau cùng đó thật đen tối. Để trốn chạy khỏi chúng, ông lại rơi vào rượu và ma túy. Ông thấy rằng ma túy giúp ông bềnh bồng và khi đó những giấc mơ trở nên dịu dàng và trôi chảy. Ông cố thức, làm cho người mệt lả rồi nằm vùi cho đến chiều tối, chỉ thức giấc bởi tiếng động của đời sống ban đêm và ánh sáng lập lòe từ bảng hiệu khách sạn, không định được phương hướng và miệng khô đắng. Lúc đó ông sẽ đi. Lang thang lên xuống những con phố của Đà Nẵng... Ông cố gắng không nghĩ về mình là ai, về các con, về quá khứ, về Elaine hay bất kỳ một điều gì khác "có thể khơi dậy nỗi thống khổ trong ông...". Và nếu như Kiên đi tìm lối thoát qua những trang viết thì Charles Boatman chọn trở lại chiến trường xưa. Những con đường chẳng giúp họ được nhiều, chẳng dẫn họ tới điều mình tìm kiếm, ngược lại, chỉ có nỗi đau và sự tuyệt vọng đang đợi chờ.
Ở lưng chừng thời gian, đó là khi thực tại ngưng lại, tương lai mất dấu và quá khứ trỗi dậy thiêu đốt, thậm chí hủy hoại cuộc sống của con người. Đó cũng là khi con người đột ngột trôi dạt tới một miền đất khác, một cuộc sống khác, chênh vênh giữa yêu thương và hoảng loạn, lầm tưởng và đam mê, chạy trốn và kiếm tìm. Ở lưng chừng thời gian, đó cũng là thời khắc người đọc bước vào một tác phẩm vừa quen vừa lạ, quên đi quá khứ, xóa bỏ cách ngăn để hiểu rằng nỗi đau chiến tranh, điều đó có thực và là của chung, cũng giống như cái chết vậy.