Nước Mỹ Nước Mỹ
Tác giả : Phan Việt
NXB: Hội Nhà Văn
Tình trạng: Sách tốt, 346 trang
Tập truyện ngắn của Phan Việt – một tác giả sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, có bằng tiến sĩ Đại học Chicago và hiện là Phó Giáo sư Đại học South Carolina – với 15 truyện ngắn được chia thành 02 phần: Nước Mỹ, nước Mỹ và Những truyện ngắn bonus.
Xuất bản lần đầu tiên năm 2009, “Nước Mỹ, nước Mỹ” được đông đảo bạn đọc yêu thích. Ngay từ truyện ngắn mở đầu, tác giả đã khiến bạn đọc nghẹt thở với tự thú của một nhân vật: "Lúc 20 tuổi và ở Hà Nội, tôi không bao giờ tưởng tượng cuộc sống của tôi như thế này. Tôi không bao giờ tưởng tượng tuổi 30 của tôi đầy những giấc mơ bị virus máy tính săn đuổi và màn hình máy tính nổ vào mặt. Tôi không nghĩ tôi sẽ làm tình trên ghế sau một chiếc Honda Civic hai cửa với một người đàn bà tóc vàng tôi thậm chí không thích và là bạn của vợ tôi. Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ pha cà phê trong một căn hộ ở Chicago, vừa chờ học sinh làm bài tập xác suất vừa mơ màng đến việc sẽ làm tình với học sinh trong tiếng nhạc Madam Butterfly"... (Nước Mỹ, nước Mỹ).
Đề tài xuyên suốt của "Nước Mỹ, nước Mỹ" không chỉ là tình yêu hay hạnh phúc gia đình, là cuộc sống lưu học sinh hay chuyện việc làm, thất nghiệp, mức độ hòa nhập của người nhập cư ở Mỹ mặc dù trong đó ngồn ngộn những vấn đề mà người Việt (và không chỉ người Việt) ở nước ngoài hay người Việt hồi hương phải đối mặt.
Điều có thể đọc được ở đây mong manh hơn rất nhiều, ẩn sau những dòng miêu tả những con người đi bên nhau trong cuộc đời này, có nhau mà vẫn cô độc, không có ràng buộc tinh thần hay ràng buộc lỏng lẻo, hoặc chất kết dính của mối quan hệ đã dần rời rã sau những ngày, những tháng, những năm cố gắng tìm một sự ổn định nơi xứ người ("Một chốn gọi là nhà"; "Nước Mỹ, nướcMỹ"; "Tiệc cuối năm tệ nhất trên đời").
Cô độc bên cạnh những tiện nghi làm nên cuộc sống của họ, là tivi, điện thoại, hộp thư điện tử. Cô độc đến độ thờ ơ với đức tin, với những giá trị tinh thần vốn lại là niềm tin sâu sắc, sôi nổi của một người nghèo khó (Chúa ở đâu?), đến độ khó có gì khiến họ ngạc nhiên hay vui sướng, họ “khơi khơi sống, không cần bận tâm đến cái gì hay ai khác”, không cần tính điều gì xa hơn (Ái khanh ơi ái khanh).
15 truyện ngắn mô tả nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của những người xa xứ xoay quanh tâm điểm: “Cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự trong thế giới này”. Điều đọng lại với người đọc chính là: Trong hành trình đi tìm hạnh phúc, dù ở bất cứ nơi đâu, con người rồi sẽ tìm được hạnh phúc nếu tin vào bản thân và kiên định với con đường mình đã chọn.