Nero Nhà Thơ Bạo Chúa (Văn Học Hungari)
Tác giả: KÔXTÔLANHI ĐEJUE
Năm xuất bản: 1986
Nhà Xuất bản: Văn Học
Tình trạng: Sách tốt, 373 trang khổ 13X19
Nerô là tiểu thuyết lịch sử duy nhất của Kôxtôlanhi, song không phải theo cái nghĩa như các tiểu thuyết lịch sử của Oantơ Xcôt hay Vichtô Huygô. Với Kôxtôlanhi, đề tài có trước: Cơn bạo cuồng vô độ của một nghệ sĩ nửa mùa mà lại có quyền hành tuyệt đối, và số phận của nghệ thuật thuần tuý dám đương đầu với hắn; sau đó ông mới đi tìm cái khung lịch sử. Đã có sẵn những tính cách và mẫu người khiến ông suy nghĩ, muốn đưa lên mặt giấy; sau đó ông mới tìm cách khoác lên họ bộ cánh tôga hoặc tunika của thi sĩ, triết gia, chính khách hoặc ma cô thời La Mã cổ đại. Bối cảnh lịch sử đối với ông chỉ là cái cầu nhảy để lấy đà, nhân đó mà nói về thời đại mình, bản thân mình. Để viết Nerô, Kôxtôlanhi đã nghiên cứu các tác phẩm của các tác gia La Mã cổ đại như Xuêtôniux, Taxitux, Pliniux, Xeneca, Lucanux; ông còn đọc cả bộ sách đồ sộ của Phritlanđơle; những bức thư còn lại cho biết ông cũng tham khảo cả ý kiến của Rêvoi Lôjep, một nhà thư tịch học cổ đại. Kôxtôlanhi đã đưa vào tiểu thuyết nhiều chi tiết của cuộc sống La Mã cổ đại, song không phải những cái đó khiến ông quan tâm. Ông không hề cố gắng tô đậm màu sắc địa phương về lịch sử và địa lý, không nhấn mạnh những nét đặc sắc trong lịch sử văn hoá, chỉ đơn giản đưa chúng vào hành động tiểu thuyết một cách nhẹ nhàng. Ông cũng không quan tâm nhiều đến việc làm sống lại tinh thần của thời đại cũ: Cuốn tiểu thuyết không hề nói chút nào tới những vụ cấm đoán, săn đuổi đạo Cơ đốc, tới cuộc đụng độ lớn giữa La Mã dị giáo suy đồi với La Mã cơ đốc giáo đang triển khai lực lượng.
Để hiểu tiểu thuyết này ta nên tìm môtíp chủ đạo ngay trong tiểu sử tác giả. Giới bạn bè nói rằng Kôxtôlanhi đã khắc hoạ nhân vật Nerô qua Xobô Đejuê, một nhà văn chính khách có quyền thế lớn nhất hồi bấy giờ của phe phản động, và Hội đàn Xita La Mã chẳng phải ở đường Via Appia, mà ở ngay trong một tiệm cà phê Buđapet. Nhân vật Xeneca cũng dựa nhiều hơn vào suy nghĩ của Kôxtôlanhi hơn là vào những bi kịch, những bức thư của nhà hiền triết này, hoặc là vào những tác phẩm viết về Xeneca còn lại đến ngày nay. Nhưng nếu hiểu như thế thì đơn giản hoá quá đáng tác phẩm này. Bởi vì tất cả những khía cạnh có tính chất cá nhân đó với thời gian đã mất tính thời sự. Cái thật thời sự là bản thân Nerô, nhà thơ bạo chúa, có báo trước những nét lớn của một đường lối chính trị phủ nhận mọi tiêu chuẩn đạo lý mà rồi đây chủ nghĩa phát xít sẽ thực hiện. Nhân vật Nerô, dựa trên những mẩu chuyện và những lời bình phẩm của Taxitux và chủ yếu là của Xuêtôniux, được Kôxtôlanhi cho khởi đầu sự nghiệp như một chàng trai tốt bụng, có những ý định tốt: sau Caligula phát điên và sau Klauđiux nhu nhược vì quá già nua, Nerô tỏ ra có hứa hẹn sẽ là một hoàng đế anh minh. Nerô định bụng như thế, Xeneca, người thầy học của Nerô, cũng hy vọng như thế. Song tâm hồn của kẻ bất tài đã đột ngột méo mó đi. Trên ngai vàng, chàng trai sáng dạ và tế nhị đã trở nên kẻ giết người cuồng bạo. Do thấy mình bất tài; y ghen ghét tất cả những ai chân tài, với lòng ganh tỵ y đã đầu độc Britannicux, rồi hành động khát máu này kéo theo những hành động tàn bạo khác. Với tài nghệ bậc thầy Kôxtôlanhi đã mô tả tài tình diễn biến tâm lý khiến cho kẻ bất tài lúc đầu trở nên người xấu tính, về sau đi đến chỗ độc ác; mô tả tài tình cái quá trình mà thói tàn bạo vô độ của một con người đã thổi phồng lòng tự tôn lên đến mức quá quắt. Song Kôxtôlanhi không vừa lòng với chủ đề tư tưởng đó, qua những chương được xây dựng đầy kịch tính, Nerô ngày càng dấn sâu vào tội ác, ngày càng sa đoạ, từ chỗ muốn làm một đấng anh quân tới chỗ cho rằng quyền hành vô biên chính là tự do vô hạn, tới chỗ chỉ làm tội ác mới cảm thấy được sống thật sự. Đây là hình tượng được khắc hoạ từ những sự kiện kinh khủng của thế kỷ. Sự đe doạ của một nền chuyên chế toàn diện lúc bấy giờ ở Hungari đã gợi cho Kôxtôlanhi vẽ nên hình tượng ghê người của thói chuyên chế. ở điểm này, Kôxtôlanhi, nhà văn xa lánh thực tế, coi thường chính trị, đã vẽ ra được bản chất của kẻ độc tài và chủ nghĩa phát xít, gần như với sức mạnh tiên tri. Một thập kỷ sau, lời tiên tri này đã thành sự thật và suýt nữa chủ nghĩa phát xít đã tiêu diệt cả châu Âu. Đấy là tầm lớn thực sự của tiểu thuyết. Chất liệu của tiểu thuyết đã được thực tế chứng minh, điều này làm cho tác phẩm trở nên bất hủ.
Viết Nerô, Kôxtôlanhi còn muốn giãii bày những quan điểm của mình, về bản thân mình. Nhân vật Xeneca đã được ông ký thác làm việc giãi bày đó trong suốt cuốn tiểu thuyết này. Những quan điểm của Xeneca về quyền hành, về thái độ thoả hiệp, đặc biệt là về nghệ thuật và chức năng người nghệ sĩ, nói chung không xa những suy nghĩ của Kôxtôlanhi. Khi ông viết về Xeneca: “Ông chỉ muốn viết, viết những bi kịch và những bài thơ, viết những câu trường cú vòng vèo, tuyệt bút, rắn đanh và lấp lánh như cẩm thạch, viết những câu thông thái về cuộc đời và cái chết...; còn những gì ngoài việc đó, ông không quan tâm. Ông không có tín ngưỡng nào khác ngoài việc sáng tác...”, thì đó cũng chính là một hình ảnh của Kôxtôlanhi.
Bố cục của tiểu thuyết khá căng thẳng, tỏ rõ tác giả có tài tạo tình huống, nhạy bén đối với những rung động tinh tế trong tâm lý con người. Một trong những đoạn hay nhất có lẽ là mấy câu mô tả chuyến đi và suy nghĩ của Burut, viên tướng tư lệnh ngự lâm quân, khi rời khỏi đô thành La Mã. Đây là những ý nghĩ cay đắng, được thiên nhiên phụ hoạ bằng cơn bão đáng sợ, tuy gán cho Burut, thực chất trào ra từ chính tâm hồn Kôxtôlanhi. Chính ông để tang cái đô thành hang ổ bạo chúa, nằm trải dài dưới xa, chính Kôxtôlanhi cảm thấy tất cả những gì trước mắt ông đều chỉ là cái nhất thời.