Khát Vọng Sống
Tác giả: Bảo Cường
NXB: Hội Nhà Văn 2018
Tình trạng: Sách tốt. còn mới, 480 trang khổ 14.5x20.5
Là một người con của xứ Huế, Bảo Cường đã cật lực làm việc để chào mừng sự kiện “Festival Huế – lần 10 – 2018” bằng 4 tác phẩm: Khát vọng sống (truyện dài, dày 445 trang); Nhặt niềm vui (ký, tản văn, dày 850 trang); Hoa thêu bên dòng Hương (thơ, văn, dày 127 trang); Về lại chùa xưa (thơ, văn, dày 195 trang). Cả 4 tác phẩm đều do NXB Hội Nhà văn cấp giấy phép.
Là nghệ sĩ sáo trúc, nhưng mê viết hơn mê thổi sáo. Bởi từ khi gia nhập làng viết, anh đã phát hành hơn 30 đầu sách, vừa truyện dài, truyện ký, tiểu thuyết, tự truyện, bút ký, tạp văn, thơ…; mà mỗi tác phẩm đâu phải chỉ vài mươi trang, mà là hàng trăm trở lên, thiệt là khủng.
Suy cho cùng cũng đúng thôi, khi người ta đam mê một điều gì, thì kết quả phải thể hiện được sự đam mê đó. Nghệ sĩ Bảo Cường mê viết, có nhu cầu sáng tác, nên cái gì cũng khiến anh viết được, nhất là viết về bản thân. Đề tài đầu tiên anh nhắm đến là con người của anh, là một tuổi thơ nghèo và một giai đoạn trưởng thành long đong trôi dạt, bỏ quê tha hương cầu thực, thay họ đổi tên để mong còn tồn tại trong cái cõi con người phù du không chọn mà phải chịu. Trên đường đi của mình Bảo Cường luôn ngoái nhìn lại cái làng quê nghèo nằm ở phía thượng nguồn dòng sông Hương giang. Trong cái làng quê ấy có một gia đình thiệt nghèo, ở cái gia đình thiệt nghèo ấy có một cậu bé rất ham học, nhưng vì nghèo nên không có điều kiện đến trường chính quy, phải học lớp bình dân học vụ (đây là chiến dịch chống mù chữ do Việt Minh chủ trương vào các năm 1951, 1952).
Nghệ sĩ Bảo Cường tự nhận xét: – Thơ văn của tôi như lớp sóng ngầm chở đầy nỗi khát khao, đó là cái khắc khoải của người bỏ quê mà đi vì hoàn cảnh không được phép chọn lựa; đó là sự trằn trọc mất ngủ khi nghe ai đó nhắc về nơi sinh ra của mình, thức cũng nhớ mà ăn cũng nhớ, lúc làm gì cũng nhớ, nhưng không thể nào trở lại được. Đó chính là những chất để ủ nên men, để làm ra rượu thương nhớ cội nguồn, cám cảnh thân phận mà than thở với ai cũng khó, nên thành những cơn say, say chữ, say người, say cái duyên, cái tình nên cưu mang mình, cho mình nên người, có danh, có phận như hôm nay…
Khát vọng sống của tác giả là viết. Viết bất cứ cái gì anh chạm vào, anh nhìn thấy, anh cảm xúc. Và anh viết rất siêng, rất nhanh, bạn bè đều công nhận, rằng: “Bút lực của Bảo Cường rất sung mãn…”; như trong tác phẩm “Hoa thêu bên dòng Hương”, là anh viết để vinh danh những nghệ nhân tài hoa, ngày đêm đã miệt mài chăm chỉ từng mũi chỉ đường kim, tạo nên những bức tranh thêu tuyệt vời; những nghệ nhân này có công rất lớn, là vừa bảo tồn, vừa phát triển và quảng bá những giá trị truyền thống, đặc thù của nghệ thuật thêu Việt Nam. Còn việc tác phẩm “Về mái chùa xưa” có mặt trên kệ sách, là cảm xúc gom nhặt của người nghệ sĩ trước một ngôi chùa nhỏ của hai vị cư sĩ, tọa lạc trên sân thượng lầu 11 của tòa nhà 180 Lý Chính Thắng, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.
Khát vọng sống của người nghệ sĩ thật là đơn giản. Nhưng khó.