Hán Tự Hài Cú
Tác giả: Ngô Văn Tạo
NXB: Văn Nghệ TPHCM 1994
Tình trạng: Sách tốt, 153 trang khổ 14x19.5. Sách chỉ in 500 cuốn. Khá hiếm
Năm 2013 hưởng ứng “Năm Hữu nghị Nhật - Việt, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam”, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM tổ chức cuộc thi sáng tác thơ HaiKu Nhật - Việt lần thứ 4 năm 2013. Kết quả có nhiều thí sinh đoạt giải qua làm thơ HaiKu bằng tiếng Việt.
HaiKu (Hài cú) là thể thơ phổ biến và thịnh hành của người Nhật, chỉ gồm có 3 câu 5-7-5, tổng cộng 17 âm. HaiKu không có vần luật cốt ở thanh điệu ý.
Đọc HaiKu ta nghĩ ngay tới hai câu lục bát Việt Nam gồm 14 âm:
“Em đi áo trắng bên đường
Nắng như lụa mỏng vô thường trắng theo”
Trịnh Công Sơn dịch
Nhân đêm nhạc Khánh Ly tại Bình Dương hoãn lại vì lý do tác quyền, tôi chợt nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ Bùi Giáng qua quyển sách của Ngô Văn Tao “Hán tự hài cú và Bùi Giáng - Trịnh Công Sơn” do Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM xuất bản năm 1994”.
Như chúng ta đã biết, trong tiếng Nhật có sử dụng 1.600 -2000 tiếng Hán nhưng đọc theo âm ngữ Nhật mà người Nhật gọi là tiếng Kanji (từ Tokyo - Hán tự gọi là Đông Kinh).
Ông Ngô Văn Tao đã sưu tập các bài thơ HaiKu và viết ra bằng Hán - Việt. Hai nhà thơ Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn đọc và đã đồng ý, chủ yếu bằng hai câu lục bát, phỏng dịch hay phỏng tác tùy theo hòa điệu trầm cảm (nhờ quyển sách này tôi lại biết thêm Trịnh Công Sơn còn là một nhà thơ).
Tôi xin trích ra một số bài thơ HaiKu đã được 2 nhà thơ phỏng dịch (do điều kiện không thể in nguyên tác bằng Hán tự; ý nghĩa do tôi lược dịch).
Bài 1:
Giang Tô bội ước kỳ
Hà sự thượng Nga My
Lai tầm khứ mộng phù vân ảo
Tạm dịch:
Bội ước lần ở Giang Tô
Cớ sao lên Nga My
Đi tìm mộng cũ phù vân ảo
Dịch thơ:
Phụ nhau mà vẫn tìm nhau
Mộng xưa mây trắng ngàn lau nhạt nhòa
Trịnh Công Sơn dịch
Bài 2:
Tha đãi nhị vị lai
Nhân đãi tà huy vô kỳ ước
Trần hoàn không sở ngộ
Tạm dịch:
Đợi người ta mà không đến
Người đợi tới chiều tà nhiều lần ước hẹn
Bụi trần không được gặp
Dịch thơ:
Chờ nhau mà chẳng gặp nhau
Người chờ ánh nhạt phai màu tà huy
Bụi hồng phùng ngộ vô duyên
Bùi Giáng dịch
Bài 3:
Giang Tô ly biệt kỳ
Dương quan xuất xứ tửu bôi cạn
Trường không vô lộ quy
Tạm dịch
Kỳ ly biệt ở Giang Tô
Cửa Dương lên đường uống cạn ly
Đất trời mênh mông biết đâu đường về
Dịch thơ:
Đất trời ly rượu tiễn nhau
Mênh mông cố quận biết đâu đường về
Trịnh Công Sơn dịch
Bài 4
Sát na ư tích thủy
Đào hoa bất vị ngã
Vô thường vô điểm tiếu đông phong
Dịch thơ:
Sát na ở tại giọt sương
Hoa đào chẳng hé màu hương cho người
Nghiễm nhiên chợt gió đông cười
Bùi Giáng dịch
Sát na là một khái niệm thời gian ngắn nhất của phật học (như là giọt sương chợt lấp lánh rồi tan).
Câu thứ 3 làm chúng ta liên tưởng đến bài:
“ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ “ (Ghi lại những điều trông thấy) của Thôi Hiệu nói lên nỗi niềm của tác giả khi tìm lại người xưa nhà có cây đào mà “Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong”
“ Người xưa giờ ở đâu rồi
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
(Nguyễn Du)
Trong cõi vô thường, cái gì cũng có thể xảy ra, do đó ông Ngô Văn Tao sau khi đọc một số bài thơ HaiKu và một ít sách về thiền học ông đã bị ảnh hưởng nhiều và tâm đắc với 2 dịch giả trên.
Sau đây, tôi xin giới thiệu kết quả thi sáng tác thơ HaiKu năm 2013:
Giải nhất: Bài thơ HaiKu bằng tiếng Việt thuộc về bài thơ của anh Trần Đức Việt (giảng viên Đại học Công nghiệp TP.HCM)
“ Trên lá môn non
Giọt sương đọng
Vầng trăng tí hon”
Anh Đức cho biết ý tưởng để anh sáng tác bài thơ này là từ một khuya đi dạo tại quê Quảng Ngãi. “Trong lúc dạo, một giọt sáng long lanh bên bờ rào đập vào mắt tôi, tôi đến gần và thấy ánh sáng đó được phát ra từ một giọt sương đọng trên lá môn. Tôi nhìn lên bầu trời thật trong, trăng sáng vằng vặc, rồi tôi cứ nhìn giọt sương long lanh rực rỡ và lớn dần, đầy bí ẩn. Giọt sương đó như thâu góp cả mặt trăng và sự tinh khiết của bầu trời và vũ trụ trong nó” (Trung Yến - báo Tuổi Trẻ ngày 23-9-2013).
Giải nhì: Tác giả Hồ Thị Cẩm Hồng
“Chiều siêu bão
Mèo và chuột
Chung căn nhà hoang”
Giải khuyến khích: Tác giả Nguyễn Văn Chính
“Tiếng chuông ngân
Chạm búp sen hồng
Chú bướm nâu sực tỉnh”
Giải khuyến khích: Tác giả Nguyễn Thị Hải
“Hồ tối
Cá phóng sinh
Lưu luyến tay người”
Giải Khuyến khích: Tác giả Lê Ngọc Nữ Phi Hoa
“Trên cành một kén nhỏ
Bướm non ló đầu nhìn
Lá bay”
Rất mong qua bài giới thiệu này các bạn đọc có thêm ý niệm về một thể thơ cổ điển của người Nhật giống như thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt của người Trung Hoa.