Đường Vắng
Tác giả: Lê Thị Hiệu (Hiệu Constant)
NXB: Hội Nhà Văn 2013
Tình trạng: Sách tốt, 291 trang khổ 13X20.5
“Người ta thường dễ dàng nhận ra những vết bầm tím trên thân thể người phụ nữ, chứ mấy ai thấy trái tim người đàn ông đang rỉ máu.”
Một góc nhìn khác. Một cảm thông khác. Và chắc chắc những luận đề đưa ra sẽ không như thói quen, không như đa phần, không như xu hướng cảm tính, một chiều thông thường.
Quả vậy! Quyển tiểu thuyết không đồ sộ về hình thức này, chỉ với 300 trang in khổ 13x20.5 cm khá khiêm tốn và lối dẫn chuyện bình dị, nhưng tác giả đã xây dựng được những dòng chảy bi kịch có chọn lọc cho một thế giới đau khổ và cuồng say, bằng một nhãn quan rộng rãi, một nhiệt huyết phẫn nộ nhưng điềm tĩnh, bằng một giọng văn nữ tính nhưng thấu đáo trước/ trong/ với những cùng cực, những chuyển động, những mở rộng và cả những quy định, định kiến của thời đại mình đang sống.
Hiệu Constant, tên thật Lê Thị Hiệu, hiện đang sống và viết tại Paris. Với sự kết hợp hai nền văn hóa Việt - Pháp trong người nên giọng văn chị có một sinh khí khác lạ, nó chưa hẳn là đa giọng điệu hay thể hiện sự giằng co nào đó. Căn bản vẫn là đề tài thực trạng nhưng dưới ngòi bút như vậy nó liên tục đem đến cho người đọc sự thú vị khi lần lượt đọc qua từng câu, từng chữ, từng ý.
Chẳng hạn, ta thử khảo sát một trong năm mạch truyện chính là cuộc tình của Bertrand và cô sinh viên đang nghiên cứu kiến trúc sử tên Hiền. Họ yêu nhau, họ vượt qua được rào cản về ngôn ngữ, về văn hóa bằng cách tiếp nhận thêm, hiểu thấu thêm, đến mức họ đã thực sự rung động, thực sự chia sẻ chân thành và tận cùng với nhau mọi điều, từ những biểu lộ tinh tế, từ những truyền thống gia đình sâu kín, từ những khát vọng, ước mơ… Vì vậy mà Tình yêu của họ, thoạt nhìn tưởng là tuyệt đỉnh, tưởng là tình yêu lý tưởng, tưởng là ta bà nhân gian này họ là cặp đôi được Thượng đế yêu chiều, thế nhưng họ lại vấp phải một nỗi khổ đau khác, là sự nhận diện ra giới tính thật của mình qua từng giây, từng phút, từng giờ của Bertrand. Cái gọi là tình yêu đồng tính đang xâm thực một cách cuồng bạo vào Hạnh phúc, vào Tình yêu của Bertrand và Hiền. Và tất nhiên cuối cùng cái bi kịch âm ỉ ấy đã trở thành bi kịch hiển hiện, bi kịch vĩnh viễn. Dù cho Bertrand đã đau rát, đã tuân mệnh, đã chấp nhận đi vào “con đường vắng” một mình thì cái bi kịch kinh khủng nhất lại rơi trùm xuống đời sống của Hiền. Hiền bị đột ngột rơi vào tận đáy cùng của trạng thái cô đơn, của thế giới cô đơn, của đời sống cô đơn, của những cơn khát không bao giờ giải khát được, của nỗi bơ vơ, lạc loài.
Bertrand là một trí thức chân chính, anh biết tất cả những điều đó.
Anh đau với nỗi đau của người mình yêu và đau với nỗi đau chính anh, nhưng anh, dù nỗ lực tới cùng, vẫn cứ bất lực. Anh đã cố gắng làm những công việc có ý nghĩa lớn lao hơn cho cộng đồng, cho xã hội, anh đi tận châu Phi để tìm hiểu, chia sẻ với những thân phận cùng khổ để rồi thay mặt họ cất lên tiếng nói trong cuộc Hội thảo quốc tế về Nhân quyền, anh đi đến tận những chiến trường nóng như Afganistan để tìm hiểu, đưa ra ánh sáng những che giấu liên quan đến binh lính Pháp, anh cố gắng đánh động lòng trắc ẩn của con người, cố gắng “gạn lọc lòng quả cảm từ chính những sự tuyệt vọng”, anh đã cho đi tất cả mà không đòi hỏi lại gì… Ngay cả khi sống được như vậy, cao cả được như vậy thì Bertrand đã thực sự giải thoát cho mình và cho người mình yêu ra khỏi bi kịch chưa? Tất cả những nỗ lực ấy cuối cùng cũng luẩn quẩn trong câu hỏi căn bản về hạnh phúc, về tình yêu mà không sao chạm được câu trả lời xác đáng.
Đâu phải cứ tạo ra một ảo ảnh thế giới hay một cực thực ám ảnh mới được xem là một tiểu thuyết hay. Đường vắng, theo tôi là một tiểu thuyết hay, xúc động bởi nó thực một cách rộng mở, thậm chí có nhiều biên độ bị phá vỡ để nhìn nhận lại, bởi sự thôi miên độc giả của một tác giả có hiểu biết đa chiều và bởi những vấn đề tâm lý cá nhân đã được đào sâu tới tận gốc rễ.