Đôi Bạn Chân Tình (Văn Học Đức)
Tác giả: Hermann Hesse
NXB: Hội Nhà Văn 2001
Tình trạng: Sách tốt, 322 trang khổ 13X19
“Và rồi một ngày nọ, tôi chợt phát hiện ra một điều thú vui hoàn toàn mới. Đột nhiên, ở tuổi bốn mươi, tôi bắt đầu học vẽ. Tôi không coi mình như là một họa sĩ và càng không muốn để trở thành một họa sĩ. Nhưng vẽ thì thật là tuyệt; nó làm cho con người ta hạnh phúc hơn và kiên nhẫn hơn. Sau đó là những ngón tay không phải bị đen sì như khi viết xong mà là với những sắc màu xanh đỏ...” - Hermann Hesse
Chính tình yêu này của Hermann Hesse đối với hội họa mà khi đọc những tác phẩm của ông ta như bước vào một bức tranh sống động đa sắc màu của cuộc sống. Không những thế nó còn giúp cho ông có được sự tinh tế trong văn phong miêu tả. Nhưng thành công lớn nhất của ông có lẽ được thể hiện trong tiểu thuyết Đôi bạn chân tình. Tác phẩm là tập đại thành những luận thuyết về nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật hội họa. Đó là chức năng và phẩm chất của người nghệ sĩ cũng như giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Cũng qua tác phẩm này, nếu nhìn dưới góc độ tâm linh thì nghệ thuật cũng là một phạm trù thuộc tâm linh, là phạm trù cao nhất trong hoạt động sáng tạo của con người, nhằm giữ lại những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của đời sống, nói như Aristot “thì nghệ thuật làm cho đá trở thành đá”, còn với chúng ta thì “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại.” - Dostoievski
Cuộc đời, nghệ thuật và chính con người Hermann Hesse đã cho chúng ta thấy rằng, đó là một tâm hồn vĩ đại, cao đẹp và luôn hướng về ánh sáng. Ánh sáng đó chính là ngọn lửa tâm linh trong ông, như một tia sáng lóng lánh và ấm áp vẫn tỏa sáng trong những phút giây đớn đau và bất hạnh nhất của cuộc đời để hướng tới chủ nghĩa nhân văn, hướng tới sự vĩnh cữu. Nên không phải ngẫu nhiên mà người ta đã cho rằng sáng tác của Hermann Hesse là một cuộc hành trình tâm linh, nhưng một điều rất quan trọng nữa khi đánh giá sáng tác của ông đó là hành trình tâm linh trong quan hệ với Bản Ngã. Và quan niệm của ông về Bản Ngã và Tâm Linh là một quan niệm rất nhân văn và nhân bản, nhưng cũng rất biện chứng và tiến bộ. Chính trong bài diễn văn của ông tại lễ trao giải Nobel Văn chương năm 1946 cũng đã thể hiện rất rõ điều này.
*
* *
Đôi bạn chân tình (nguyên tác Narcissus and Goldmund) là một câu chuyện kể về một thanh niên tên là Goldmund. Anh đã từng theo học trong trường học của tu viện dòng Thiên Chúa giáo để tìm hiểu và nghiên cứu xem cái gì được diễn tả như là “ý nghĩa của cuộc sống”, hay cụ thể hơn, là tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của chính bản thân anh. Nhưng rồi, anh đã rời bỏ trường và đi lang thang khắp miền trung nước Đức mà không có mục đích gì cụ thể. Narcissus, một thầy giáo trẻ có năng khiếu trong trường học của tu viện đã nhanh chóng kết bạn với Goldmund, vì hai người chỉ chênh nhau có vài tuổi và Goldmund vốn là sáng dạ. Goldmund kính trọng Narcissus, còn Narcissus thì lại rất yêu mến Goldmund. Một hôm, với ý định hái lượm thảo mộc, Goldmund đã thơ thẩn trên cánh đồng quá xa và anh tình cờ gặp một phụ nữ xinh đẹp. Cô hôn anh và đề nghị anh chung giường với mình. Cuộc gặp mặt này trở thành sự kiện Chúa hiển linh đối với Goldmund, và rồi anh nhận biết được rằng anh không thể nào đi tu được. Goldmund ôm trong mình khát vọng trải nghiệm mọi thứ, học hiểu về cuộc sống, về thiên nhiên theo lối thực hành của chính anh. Với sự ủng hộ của Narcissus, anh rời tu viện và lang thang khắp các miền quê, vẽ nên một câu chuyện về sự tương phản giữa nghệ sĩ và nhà tư tưởng. Câu chuyện kéo dài nhiều năm, mô tả chi tiết những sự việc cụ thể có liên quan đến những địa điểm mà ở đó Goldmund đã học được những điều hết sức có ý nghĩa, và anh thường xuyên trầm ngâm suy tưởng đến những trải nghiệm cũng như những lối sống này.
*
* *
Có lẽ không có gì bí ẩn hơn tình yêu. Tình yêu là một huyền nhiệm! Tình yêu là hồn của âm nhạc, của thi ca, của văn chương nghệ thuật..., nói tóm lại, tình yêu là hồn của cuộc sống. Vì tình yêu, người ta có thể điên cuồng, lăn lộn với cuộc sống, hy sinh quên mình, và có khi chấp nhận cả cái chết. Tình yêu chỉ là một, nhưng có muôn ngàn hình thái và cách thế thể hiện khác nhau, chẳng khác nào mỗi loài hoa tỏa ra cho đời những sắc hương riêng biệt.
Karl Koch từng định nghĩa: “Yêu thương chính là tìm kiếm và thăng tiến những điều thiện hảo nơi tha nhân trong những tình trạng riêng biệt của họ”. Như muôn nhánh sông đều chảy ra từ thượng nguồn, muôn cách thế khác biệt nhưng cũng chỉ diễn tả một tình yêu duy nhất. Trước tiên, yêu thương thể hiện qua chính việc yêu mình. Chúng ta có thể sai lầm khi chọn lựa những bậc thang giá trị. Yêu mình là tốt, nhưng có người chỉ biết yêu mình, đến nỗi trở thành ích kỷ, chẳng còn biết quan tâm đến ai khác nữa.
Có vô số kiểu tình yêu ích kỷ nhưng tình bạn không phải là thứ tình yêu ấy. Chúng ta đã nghe nói đến tình bạn của Bá Nha và Tử Kỳ trong văn học Trung Quốc hay Lưu Bình và Dương Lễ trong văn học Việt Nam...? Và ở đây là tình bạn giữa Narcissus và Goldmund trong Đôi bạn chân tình. Ta gặp một điểm chung nơi những tình bạn này là sự trung thành, cảm thông và chia sẻ. Tình bạn đích thực sẽ không ích kỷ, không tìm cách loại trừ nhau, nhưng chia sớt với nhau những nỗi niềm trong cuộc sống và giúp nhau cùng thăng tiến.
Thế vì sao con người lại không thể là bạn của nhau?
Chỉ khi nào là bạn, chúng ta mới có thể bộc lộ hết nỗi niềm, mới không đeo mặt nạ, mới có thể cảm thông cả những yếu đuối, sai lầm của nhau trong cuộc sống. Có thể nói tình bạn là nền tảng căn bản của mọi thứ tình yêu trong cuộc sống.
*
* *
Cuộc tranh luận về tri giác và trực giác đã, đang và sẽ diễn ra dai dẳng cho đến khi nào bản chất và hành vi của con người thôi làm chính họ kinh ngạc. Hiệp khách hành của Kim Dung thể hiện hoàn chỉnh nhất học thuyết mang đậm sắc thái phương Đông. Trong khi đó, Malcolm Gladwell (Blink - Trong chớp mắt) giới thiệu và liên kết những nghiên cứu uy tín nhất của phương Tây để làm rõ mối quan tâm này. Và tất cả đều để mở một cái kết cho những nghi vấn dày đặc như sương mù.
Đôi bạn chân tình của Hermann Hesse xoay quanh những cuộc đối thoại giữa Narcissus (Tri giác) và Goldmund (Trực giác): Con đường tiếp cận chân lý của tôi và anh có thể hòa hợp không? và Chúng ta bổ sung cho nhau những gì? Cuộc hành trình đi tìm bản ngã của Goldmund bắt đầu từ những lời khai minh của Narcissus. Điều này ngụ ý rằng Trực giác luôn cần sự hướng dẫn của Tri giác, đó cũng là khác biệt quyết định giữa Trực giác và Bản năng. Khi cái chết và những trải nghiệm đã bóc tách những lớp vỏ phù phiếm, họ đã gặp nhau ở cuối con đường và cùng bắt đầu một hành trình mới.
Lòng tham, sự đố kị, kiêu hãnh, định kiến, sự bao dung... là những thành tố cốt lõi tạo nên con người. Có khi Tri giác như dòng nước chảy qua những vết nứt của định kiến, có khi Trực giác như tia lửa điện thổi bùng lên hy vọng. Nhưng không nên ngộ nhận về Tri giác và Trực giác như những công cụ thay đổi bản chất của con người, như thế chính là hành vi tự sát man rợ nhất.
*
* *
Vũ Đình Lưu đã dịch Tuổi trẻ và cô đơn và nhất là cuốn Đôi bạn chân tình. Đây là một cuốn sách hay mà bỏ qua không đọc thì thật uổng. Vũ Đình Lưu, tài hoa, đã dịch một tác phẩm có tầm thước như vậy, rất thoát, đến độ tưởng chừng như đang đọc một nhà văn Việt Nam. Cái khó của dịch là ở chỗ đó. Chỗ thoát./.
(Tổng hợp)
Chú không biết rằng một trong những con đường ngắn nhất để tiến tới thánh đức là sống trụy lạc ư? (tr. 34)
Chính vì thế đó. Chú phải tập cho quen đi, tôi chỉ coi trọng có con người chú thôi. Tôi coi trọng từng giọng nói của chú, từng cử chỉ, từng tiếng cười của chú. Trong người chú tôi chỉ coi trọng cái gì là chính yếu là cần thiết. Tại sao chú lại muốn tôi coi trọng ý kiến của chú trong khi đó chú có nhiều điểm ưu tú khác?
Goldmund mỉm cười cay đắng: - Biết mà, anh vẫn còn coi tôi còn trẻ con.
Narziss không chịu nhượng bộ “tôi coi một phần tư tưởng của chú là con trẻ. Lúc này tôi đã nói một đứa trẻ con có lương tri không kém gì một nhà bác học. Nhưng khi một đứa trẻ con bép xép nói đến khoa học thì nhà bác học không coi ý kiến của nó ra gì cả. (tr. 45)
Tuy nhiên đời sống của ta chỉ có ý nghĩa nếu người ta sống cả hai cuộc đời đó, nếu đời sống của ta không bị tiêu hủy bởi cái thế tiến thoái lưỡng nan này: Sáng tác mà không phải trả giá sự sáng tác bằng cả cuộc đời mình! Sống mà không từ khước sứ mạng cao cả của nghệ sĩ sáng tác! Lẽ nào không thể sống như thế được? (tr.256, 257)
Nhưng ở đây một mình mãi, ở giữa sự yên lặng của những thân cây ngủ lì, ở với những loài vật thấy người thì chạy, không thể nói chuyện được với chúng nó, như thế thì buồn không chịu nổi. Không thấy bóng người, không được chào hỏi ai sớm tối, không được nhìn vào tận mắt người khác hay thấy những khuôn mặt người khác, không được ngắm nghía thiếu nữ và phụ nữ, không được thưởng thức một cái hôn, không được hưởng cái khoan khoái bí hiểm khi để cho hai môi và tay chân máy động. Trời ơi! Không thể nào tưởng tượng một đời sống như thế được. Nếu số kiếp của y như vậy, y sẽ tìm cách hóa thành con vật, con gấu hay con nai, dù rằng phải từ bỏ hạnh phúc vĩnh viễn nơi thiên đàng. Làm thân gấu, yêu một con gấu cái, tưởng cũng không sao, mà còn hơn có lý trí, có ngôn ngữ và bao nhiêu cái khác nữa để sống cô đơn, buồn rầu, không tình ái. (tr. 93, 94)
Hình như đời sống người ta dựa trên cái gì có tính chất nhị nguyên, cái gì tương phản nhau. Người ta là đàn ông hay là đàn bà, sống lang thang hay sống định cư, thiên về lý trí hay thiên về tình cảm; không đâu là không có cái nhịp thở ra hít vào đó, người ta không thể vừa là đàn ông vừa là đàn bà, tưởng tự do và trật tự, vừa sống cuộc đời bản năng lại vừa sống cuộc đời lý trí. Người ta luôn phải mất cái nọ thì mới được cái kia, mà cái nọ cũng quý giá và đáng thèm muốn như cái kia. Có đàn bà được hậu đãi trong lãnh vực này hơn cả: thiên nhiên đã đào tạo ra họ cách nào để thú vui tự nó có kết quả thực sự, đứa con sinh ra từ một khoái lạc tình cảm. Còn như đàn ông, sự sinh con đã được thay thế bằng những tham vọng muôn thuở. Trời sinh ra vậy là độc ác hay ghét bỏ loài người? Trời lại giễu cợt sự nghiệp sáng tác của trời hay sao. Trời lấy làm khoan khoái vì sự khốn đốn của chúng ta chăng? Không, ông trời không thể dữ tợn được vì ông đã sinh ra hươu nai, cá và chim, rừng, hoa và bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng có một vết nứt rạn trong sự nghiệp sáng tạo của ông hoặc là sự nghiệp bất toàn và bất thành, hoặc là ông dùng đến cái hư không, đến hoài vọng luôn luôn tiến tới của loài người để tạo ra những nét đặc biệt của nhân loại, hoặc là nhân loại hiện ra như ta biết là vì tội nguyên thủy của con người, là vì kẻ thù sinh ra như vậy. Nhưng tại sao con người ham muốn mãnh liệt đó và sự bất toàn đó lại là một tội lỗi. Có phải nhờ sự ham muốn và sự bất toàn đó mà con người tạo ra tất cả cái gì cao đẹp và thánh khí để kính đường Thượng Đế và báo ơn trên? (tr. 257, 258)
Nghệ thuật thắng được kiếp người phù du; tôi nhận thấy rằng trò hề đời sống múa may như ma quỷ còn để lại cái gì đó tồn tại, đó là nghệ thuật. Rồi cũng có ngày nghệ thuật chết đi, tan biến, đảo lộn tan tành. Nhưng dẫu sao nghệ thuật vẫn lâu bền hơn đời sống con người, nó tạo ra ở trên khoảnh khắc trôi qua biền biệt một thế giới bình thản những hình ảnh và những sự kiện thiêng liêng. Đối với tôi, làm nghệ thuật có cái gì vỗ về an ủi gần như đem lại tính chất vĩnh cửu cho sự vật phù du. (tr.278)
Tôi như thế kể cũng ngu ngốc thật, như đó là sự hiếu kỳ thật. Đây không phải là thế giới bên kia, tôi không nghĩ đến thế giới bên kia nữa, tôi nói thật với anh tôi không tin, không làm gì có thế giới bên kia. Cây đã khô thì chết hẳn; con chim đã lạnh giá thì không sống lại, người đã chết rồi cũng vậy, có lẽ khi mình chết rồi người ta còn nghĩ đến một thời gian nhưng chẳng được bao lâu. Không, tôi không vì hiếu kỳ mà chết, tôi chỉ tin tưởng hay mơ ước rằng tôi đến với mẹ tôi. Tôi mong rằng cái chết là một nguồn khoái lạc lớn, cũng như lần đầu người ta hưởng khoái lạc ái tình. Tôi không thể ngăn nổi mình nghĩ rằng đáng lẽ là thần lưỡi hái đến thì chính mẹ tôi đến đem tôi về chỗ hư không và vô tội.
Nhưng anh, anh chết làm sao được, vì anh không có mẹ? Không có mẹ người ta không sống được, không có mẹ người ta không chết được. (trang 322)