Chuyện Dọc Đường
Tác giả: Phan Nhật Nam
NXB: Sống 2013
Tình trạng: Sách photo, 398 trang khổ 13x19
“Chuyện Dọc Ðường” là tuyển tập những truyện ngắn của Phan Nhật Nam, dày 397 trang, do nhà xuất bản Sống phát hành năm 2013 tại Westminster, California. Tuyển tập ghi chép lại những điều mà tác giả gọi là “…chuyện bình thường, đơn giản của mỗi người Việt, với mỗi cá nhân thuộc nhiều sắc dân thuộc Bán Ðảo Ðông Dương; những người hằng sống qua, rời bỏ những nơi chốn gọi là Sài Gòn, Mỹ Tho, Nam Vang, Ðà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng…trong những tình huống khác biệt.” [Trang 11] Phan Nhật Nam – người cưu mang tâm trạng “kẻ hành nhân qua đó chạnh thương” của Ðoàn Thị Ðiểm, viết về những biến cố xảy ra trong cuộc đời của ông. Tác giả nói về “người lính thời xưa được biểu tượng qua hình ảnh một người đội nón dấu, mang cây giáo. Người lính cận đại có chiếc nón sắt cùng khẩu súng. Nhưng những người lính bây giờ thì khác hẳn. Họ đang đội chiếc nón nhựa, hình thức loang lổ ngô nghê. Nón sắt có vẻ đẹp hung bạo riêng, nay ở nơi đóng quân lớp nón sắt được hạ xuống để vo gạo, rửa rau. Và người lính xuất hiện với hai chiếc nón sắt nơi hai tay chỏng lỏng những cây cải xanh, nón nhựa chụp nghiêng xuống che kín nửa mặt…Những người lính mang đôi giày không vớ, dây không buộc, súng mang vai nặng nề đi xuống sườn đồi. Giờ nấu ăn, những người lính nhảy dù, thiên thần mũ đỏ biến dạng thành sinh vật lạ lùng của một thời tiền sử xám.” [Trang 380]
Nhà văn Phan Nhật Nam tên thật là Phan Ngọc Khuê sinh ngày 9 tháng 9 năm 1943 tại Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông xuất thân Khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, gia nhập Binh Chủng Nhảy Dù, cấp bậc sau cùng Trung Úy. Sau Ngày 30 Tháng Tư năm1975, ông bị bắt giam trong trại tập trung cải tạo 14 năm [1975-1989], bị biệt giam hàng năm trời trong hầm tối. Khi được thả, ông lại bị quản thúc tại nhà ở Lái Thiêu, Bình Dương. Năm 1993 ông sang Hoa Kỳ định cư, bắt đầu viết sách. Phan Nhật Nam thường nói ông không phải là nhà văn, chỉ là người lính ghi lại những gì mắt thấy tai nghe khi trinh sát chiến trường, khi chứng kiến nỗi thống khổ không bút nào tả xiết của những người lính, của những người dân vô tội trong các cuộc chiến. Nổi danh từ tác phẩm đầu tay“Dấu Binh Lửa” xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn, tính đến nay nhà văn Phan Nhật Nam đã có 20 tác phẩm được in ấn và phát hành. Sách viết về đề tài chiến tranh của ông không chỉ đơn thuần là tài liệu tham khảo, mà là chứng cớ lịch sử – chứng cớ không phải của riêng một nhóm người, hay của một địa phương, mà là của cả dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm tiêu biểu của Phan Nhật Nam là:“Dấu Binh Lửa, 1969,” “Dọc Ðường Số Một, Ải Trần Gian -1970,” “Mùa Hè Ðỏ Lửa -1972,” “Dựa Lưng Nỗi Chết- 1973,” “Tù Binh và Hòa Bình -1974.” “Những Chuyện Cần Ðược Kể Lại- 1995,” “ Ðường Trường Xa Xăm -1995.” Năm 2002 tác phẩm “Những Chuyện Cần Ðược Kể Lại,” được phát hành bằng Anh Ngữ với đề tựa “The Stories Must Be Told.”
“Chuyện Dọc Ðường” gói ghém những câu chuyện liên quan đến trận chiến được người viết văn làm thơ diễn tả lại bằng câu chữ sôi lửa đỏ như thơ của Trần Huyền Trân “…Nổ súng rồi! Nổ súng rồi! Hải Phòng ộc máu phun ra bể…” Như thơ của Chính Hữu “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa. Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng…” Hay như ca khúc bi thương “Bà Mẹ Gio Linh” của nhạc sĩ Phạm Duy: “…Mẹ già đi lấy đầu con…Xa xa tiếng chuông chùa reo…!”