Người Thứ 41
Tác giả Boris Lavrenhjov
Dịch giả: Phạm Hồng Chi
NXB: Văn Nghệ TP. HCM 1986
Tình trạng: Sách đẹp, gáy bìa đầy đủ, 111 trang khổ 13X19
Nhà văn Xô viết Boris Andreevich Lavrenhjoy sinh năm 1891, trong một gia đình nhà giáo. Cha ông là giáo viên văn học. Bản thân ông tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Matxcơva. Khi Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ, ông tình nguyện ra mặt trận, và đã trải qua tất cả những nỗi gian khổ, cay đắng cũng như mừng vui trong chiến đấu. Ông không bao giờ quên lời người cha giàu lòng yêu nước và rất hiểu tâm tư của đứa con mình đã khuyên ông phải luôn luôn đứng cùng với nhân dân cả khi vui cũng như lúc buồn.
Sau khi cuộc Nội chiến ở nước Nga kết thúc, ông trở thành nhà văn chuyên nghiệp.
Nhận xét về con đường văn học của tác giả, luri And-reyev, tiến sĩ ngôn ngữ học Liên xô đã viết trong cuốn Văn học Nga Xô viết 1917-1977: những tác phẩm chọn lọc (Tiếng Anh - NXB Tiến Bộ, Maxcơva, 1980) như sau:
"Những truyện ngắn đầu tiên đầy chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ông đã tạo nên những nhân vật có chiều sâu, những người đứng lên đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân lao động. Những nhân vật mang tính cách anh hùng, và chí khí cách mạng."
Lavrenhjov viết nhiều chuyện về sự xung đột mạnh mẽ của đạo đức bởi sự khác biệt giữa nhiệm vụ cách mạng và những tiêu chuẩn đạo đức lỗi thời. Ông viết vở kịch Đổ vỡ (1927), phản ánh sự rạn nứt sâu sắc đã xuyên qua toàn bộ cơ cấu xã hội Nga trong thời Nội chiến.
Thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô viết và giai đoạn đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô, ông viết một số tác phẩm có tiếng vang như: Gió (1924), Người thứ 41 (1924), Người bạn đường thứ bảy (1927), Bức tranh khắc gỗ (1928)?
Về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, ông viết tác phẩm Vì những người đi biển (1945). Tiếp đó ông viết cuốn Tiếng nói Hoa Kỳ (1949).
Ông đã hai lần được Giải thưởng quốc gia về văn học các năm 1946 và 1950.
Ông mất năm 1959, thọ 68 tuổi.
Tác phẩm người thứ 41 của ông, Tiến sĩ ngôn ngữ học luri Andreyev, cũng trong cuốn sách nêu trên, đã viết:
"Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất là Người thứ 41 (1924) nói về nội chiến ở Trung Á. Một nữ hồng quân tên là Marjutca được lệnh giải tên sĩ quan bạch vệ bị bắt làm tù binh về Bộ tham mưu mặt trận bằng đường biển. Trên đường đi họ gặp bão. Một số người bị chết đuối, chỉ còn lại Marjutca và tên tù binh giạt vào một hòn đảo hoang vu.
Đây là một câu chuyện lãng mạn bình thường, xảy ra giữa một cô gái trẻ và một thanh niên đẹp trai. Họ gắn bó với nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt, tương tự như trường hợp của Rôbinxơn Cruxô.
Tuy nhiên những mãnh lực xảy đến với hai con người này còn mạnh hơn tình cảm cá nhân của họ. Đó là sự bất hoà sâu sắc giữa mục đích giai cấp mà họ đang đấu tranh để giành lấy: một bên là tên quý tộc, còn bên kia là cô gái thuộc tầng lớp nhân dân lao động. Anh ta bị thúc đẩy bởi lòng ham muốn giữa đặc quyền của mình mãi mãi, còn cô gái lại vươn tới cuộc sống tự do chân chính cho tất cả mọi người?
Boris Lavrenhjoy đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tính bi kịch của cuộc nội chiến với nghệ thuật hoàn hảo. Tác phẩm hay nhất trong những tác phẩm của ông đã trở thành một phần của kho tàng văn học Xô viết và kho tàng văn học thế giới"
Bạn đọc thân mến!
Khi đọc truyện này, xin các bạn lưu ý đến hoàn cảnh cụ thể nước Nga trong thời kỳ nội chiến, tính chất gay go quyết liệt trong cuộc đấu tranh một mất một còn giữa một bên là Chính quyền Xô viết còn non trẻ về mọi mặt một bên là tất cả các nước đế quốc với toàn bộ sức mạnh lâu đời cả về quân sự lẫn kinh tế của chúng, cấu kết với bọn phản động trong nước Nga núp dưới mọi màu sắc chính trị, đảng phái khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích là tiêu diệt Chính quyền Xô viết, tiêu diệt không gớm tay những người Bônsêvích đang xả thân đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp vô sản Nga và thế giới, cho một nước Nga mới Xã hội Chủ nghĩa.
Những con người Xô viết cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể, thường là hết sức gay go, quyết liệt, đã hành động đôi khi buộc phải dùng những biện pháp cực đoan, đôi khi họ còn có những nhận thức tuy mới nhưng chưa hoàn thiện bởi vì họ vừa thoát khỏi ách áp bức của Nga hoàng thì lại phải cầm ngay vũ khí để chống thù trong giặc ngoài. Nhưng điều chủ yếu là họ có lòng nhiệt tình, niềm tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng và hơn hết là ý chí cách mạng kiên định.
Chính là nhờ hàng triệu, triệu những con người như vậy mà nước Nga Xã hội Chủ nghĩa ngày càng hùng mạnh hơn.
Vui mừng và tự hào về những thành tựu vĩ đại của nhân dân Liên Xô trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã Hội phát triển, chúng ta cũng như nhân dân Liên Xô, không bao giờ quên những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh gian khổ đi tiền phong đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng vững chắc cho toà nhà Xô viết tráng lệ.
Giới thiệu tác phẩm này của nhà văn Xô viết Boris Lavrenhjoy với bạn đọc, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm cho các bạn một số hiểu biết về đất nước Xô viết, con người Xô viết trong thời kỳ trứng nước của cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.