Vô Hồn - Chuyện Về Một Người Không Chân Chính
Tác giả: Sergey Minaev
Dịch giả: Nhật An
NXB: Trẻ 2009
Tình trạng: Sách tốt, 515 trang khổ 13X19
Nhân vật tôi - một người trong cuộc, đồng thời cũng tự nhận mình là kẻ “vô liêm sỉ”, sẽ dẫn dắt bạn đọc vào cuộc sống của đám doanh nhân với chức vụ cao của các tập đoàn đa quốc gia, kiếm tiền như nước với nhiều mánh lới, thủ đoạn… Họ được người đời nhìn bằng con mắt trọng vọng. Họ xuất hiện nơi công cộng bằng vẻ ngoài đầy hấp dẫn, tinh tươm với hàng hiệu từ đầu đến chân. Cuộc sống thật sự của họ là tại những quán bar, nhà hàng, các câu lạc bộ… nơi họ ném tiền vào các cuộc ăn chơi thác loạn. Họ chứng tỏ mình qua những trang phục đắt tiền, qua thói tiêu xài vật chất trống rỗng… Đó là cuộc sống thời thượng ở Moscow mà nhiều người mơ ước, song cũng được nhân vật “tôi” gọi là một thế giới xác ướp. Câu chuyện là nét phác họa về cuộc sống của thế hệ 7x thành đạt trong xã hội Nga - cùng với sự thành công trong việc kiếm tiền thì mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn, họ sống trong một sự hoang mang, chán nản, mất niềm tin vào ngay chính bản thân. Trống rỗng là một từ được nhân vật “tôi” nhắc đến nhiều lần khi nói về cảm giác của bản thân đối với cuộc sống… Anh tự coi mình là kẻ không chân chính khi thuộc về thế giới xác ướp song vẫn còn chút nhân phẩm và có lẽ chính vì điều đó làm nhân vật của chúng ta đôi lúc cũng thức tỉnh những tình cảm rất "người" và sự dằn vặt về tình trạng không lối thoát của bản thân.
Đọc Vô hồn cho tôi một liên tưởng thú vị tới văn chương kinh điển của Nga. Không còn cách dùng tiếng Pháp bóng bẩy của các quý tộc Nga chúng ta từng thấy trong các tác phẩm của Lev Tolstoy, mà nay họ xài tiếng Anh như một thứ mốt. Văn hóa Mỹ tràn ngập bối cảnh câu chuyện, tràn ngập cuộc sống của tầng lớp giàu có ở Moscow. Những giá trị Nga truyền thống đã trở nên yếu ớt và dường như mất khả năng tự vệ trước cuộc xâm lăng ồ ạt và lỗ mãng của văn hóa thực dụng trong cơn lốc toàn cầu hóa. Đó là cảm giác của riêng tôi qua tác phẩm này.
Tiểu thuyết ăn khách này sẽ làm không ít người trong chúng ta giật mình: cùng với sự phát triển của kinh tế thì sự biến thái về xã hội là điều khó tránh khỏi. Và điều gì sẽ cứu rỗi con tàu văn hóa - đạo đức của một dân tộc khi đã đi trật bánh?