Vi-chi-a Ma-lê-ép Ở Nhà Và Ở Trường
Tác giả:Nhi-Ca-Lai Nô-Xốp
NXB: Măng Non 1983
Tình trạng: Sách tốt, gáy bìa đầy đủ
Ni-cô-lai Ni-cô-la-ê-vích Nô-xốp (Nicolaevich Nosvo) sinh ngày 22 tháng 11 năm 1908 tại Ki-ép, thủ đô nước Cộng hoà Ucraina ngày nay. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1938. Tác phẩm "vi-chi-a Ma-lê-ép ở nhà và ở trường" của Nô-xốp đã trở thành hiện tượng của văn học thiếu nhi ở Liên bang Cộng Hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết trong 2 năm 1951-1952
Trích đoạn
Các bạn nghĩ mà xem, thì giờ trôi mới nhanh làm sao chứ! Ngoảnh đi ngoảnh lại kỳ nghỉ hè đã kết thúc mất rồi, và lại đã đến ngày học sinh phải đi học. Suốt cả mùa hè tôi chỉ làm mỗi một việc là chạy rong khắp các phố, rồi đá bóng, quên béng mất việc đọc sách. Không, tức là thỉnh thoảng tôi cũng có đọc sách, nhưng là truyện cổ tích hay là truyện ngắn gì đó thôi, chứ không phải là sách giáo khoa, còn việc học tiếng Nga hay số học á - chẳng bao giờ. Tôi vốn học khá môn tiếng Nga, nhưng lại không thích số học lắm. Việc nặng nhọc nhất đối với tôi là giải bài tập toán. Cô Olga Nicolaevna thậm chí đã muốn cho riêng tôi bài tập số học, nhưng lại động lòng thương, và cho tôi lên lớn bốn mà không cần phải làm thêm bài tập hè.
– Cô không muốn làm hỏng kỳ nghỉ hè của em, – cô nói. – Cô cho em lên lớp, nhưng với điều kiện em phải hứa sẽ tự học môn số học trong hè.
Lẽ dĩ nhiên là tôi đã hứa ngay lập tức, thế nhưng ngay khi những giờ học cuối cùng vừa mới chấm dứt thì toàn bộ môn số học đã bay khỏi đầu tôi, và tôi, có lẽ đã chẳng bao giờ nhớ đến nó nếu như ngày khai giảng không đến. Tôi thấy cũng xấu hổ vì đã không giữ lời hứa, nhưng đã muộn, giờ thì chẳng làm được gì nữa rồi.
Thế đấy, có nghĩa là những ngày hè đã bay vèo qua mất rồi! Vào một buổi sáng đẹp trời – tức là ngày 1 tháng 9 ấy – tôi dậy sớm, xếp sách vở của mình vào cặp sách và đến trường. Vào ngày đó, như người ta thường nói, trên phố nhộn nhịp vô cùng. Tất cả các cô bé cậu bé, cả lớn cả nhỏ, tất cả đều thức dậy sớm để đi học, như là theo cùng một mệnh lệnh vậy. Học sinh đi học một mình, hoặc đi hai người, hoặc thậm chí đi cả nhóm nhiều người. Người thì đi chậm rãi, như tôi chẳng hạn, người thì cắm đầu chạy, như là đi cứu hoả vậy. Các em bé mang theo hoa để trang trí lớp học. Lũ con gái kêu rít lên. Bọn con trai cũng có những đứa rít lên, và cười. Mọi người đều vui vẻ, tôi cũng thấy rất vui. Tôi vui, vì lại được gặp lại cả đội nhi đồng của mình, tất cả các bạn đội viên trong lớp và anh Volodia, đã phụ trách chúng tôi từ năm ngoái. Tôi có cảm giác của một người vừa đi ngao du xa lắm, giờ đây trở về nhà và sắp được trông thấy những bến bờ thân quen cùng với tất cả những gương mặt thân thương của bạn bè và người quen.
Thế nhưng dù sao thì tôi cũng không được vui lắm, bởi tôi biết rằng trong số bạn học ở trường tôi sẽ không còn được gặp Fedia Rybkin, cậu bạn thân nhất, suốt năm học trước ngồi cùng bàn với tôi. Cậu đã chuyển đi thành phố khác cùng với bố mẹ mình, và giờ đây chẳng ai biết trong đời chúng tôi có còn được gặp nhau nữa hay không.
Và tôi cũng hơi buồn, bởi tôi không biết nói gì với cô Olga Nicolaevna, nếu cô hỏi tôi mùa hè có tự học số học không. Chao ơi, cái môn số học khủng bố ấy! Chỉ vì nó mà tâm trạng vui vẻ của tôi đã mất rồi.
Mặt trời rực rỡ vẫn chiếu sáng theo kiểu mùa hè, nhưng gió mát mùa thu đã bắt đầu thổi rơi những cái lá vàng đầu tiên. Chúng xoay tròn trong không khí và rơi xuống đất. Gió thổi chúng dọc theo vỉa hè, và gây cảm tưởng rằng hình như chúng cũng đang vôi đi đâu đó.
Từ xa tôi đã nhận thấy trên cổng trường một tấm biểu ngữ màu đỏ rất to. Nó được kết những chùm hoa khắp bốn xung quanh, và trên nền đỏ là một hàng chữ trắng nổi bật «Chào mừng các em học sinh!» Tôi vẫn nhớ, tấm biểu ngữ như thế này đã được treo trên cổng trường vào ngày này năm ngoái, vào ngày này năm trước nữa, và cả vào cái ngày mà tôi còn bé xíu, lần đầu tiên cắp sách đến trường. Và tôi nhớ lại tất cả các năm học trước. Nhớ ngày chúng tôi học lớp một, và tất cả cùng có chung một ước mơ lớn nhanh để được vào đội thiếu niên.
Tôi nhớ lại tất cả những điều đó, và cảm thấy trong lồng ngực mình trào lên một niềm vui khó gọi tên, như kiểu vừa xảy ra một cái gì đó rất-rất hạnh phúc! Đôi chân tôi dường như tự bước nhanh hơn, và tôi thật khó kiềm chế để khỏi cất bước chạy. Nhưng tôi cảm thấy chạy là không hợp với mình, vì tôi có phải là em bé lớp 1 nữa đâu, chẳng gì thì tôi cũng là học sinh lớp 4 rồi cơ mà!
Sân trường đã đông kín học sinh. Học sinh tụ tập thành từng nhóm. Mỗi lớp một nhóm riêng. Tôi tìm thấy lớp mình rất nhanh. Bọn bạn trông thấy tôi từ xa, hò hét chạy bổ đến đón, và nào là vỗ vai, nào là vỗ lưng. Tôi chẳng thể ngờ là chúng nó lại mừng vui khi tôi đến như vậy.
– Này, thằng Fedia Rybkin đâu nhỉ? – Grisa Vasiliev hỏi.
– Phải đấy, Fedia đâu? – cả bọn kêu lên. – Hai cậu lúc nào cũng đi cùng nhau mà. Cậu để nó lạc đi đâu rồi?
– Không có Fedia đâu, – tôi trả lời. – Nó không học lớp mình nữa đâu.
– Tại sao?
– Nó chuyển đi thành phố khác với bố mẹ rồi.
– Thế là thế nào?
– Rất đơn giản.
– Cậu không nói dối đấy chứ? – Alik Sorokin hỏi.
– Lại thế nữa! Tớ mà thèm nói dối!
Cả bọn nhìn tôi, và cùng mỉm cười nghi ngờ.
– Ôi này, cả Vania Pakhomov cũng không thấy đâu cả, – Lionia Astaphiev nói.
– Cả Seriogia Bukatin nữa! – Cả bọn kêu.
– Có khi là chúng nó cũng đã chuyển nhà rồi, mà bọn mình thì không biết, – Tolia Diogiơkin nói.
Thế nhưng ngay lúc đó cái cổng trường lại mở ra, và chúng tôi trông thấy cậu Vania Pakhomov.
– Hoan hô! – Chúng tôi cùng gào.
Tất cả chạy bổ nháo nhào ra đón Vania và ôm chầm lấy nó.
– Bỏ ra đã nào! – Vania giãy khỏi tay chúng tôi. – Các cậu chưa bao giờ trông thấy người chắc?
Thế nhưng ai cũng muốn vỗ vai hay vỗ lưng nó một cái đã. Tôi cũng định vỗ vào lưng nó, nhưng hụt tay, vỗ ngay vào gáy cu cậu.
– А, lại đánh người ta hay sao thế này! – Vania phát cáu và gắng hết sức để vùng ra khỏi vòng vây.
Nhưng chúng tôi càng vây nó chặt hơn.
Tôi chẳng biết sự thể sẽ ra sao, nếu như đúng lúc đó Seriogia Bukatin không đến. Tất cả quên ngay Vania, bỏ mặc nó để nhảy bổ vào Bukatin.
– Hình như bây giờ lớp mình đủ rồi đấy, – Giênia Komarov nói.
– Đủ, nếu như không tính Fedia Rybkin, – Igor Grachev trả lời.
– Sao lại tính nó nữa, nó đã chuyển nhà rồi mà?
– Nhưng có thể không phải thế. Để hỏi cô Olga Nikolaevna đã.
– Muốn tin thì tin, không tin thì thôi. Tớ cần gì phải nói dối các cậu chứ! – tôi nói.
Cả bọn xoay ra ngắm nghía nhau và hỏi nhau đã nghỉ hè như thế nào. Có đứa đã đi trại hè thiếu nhi, có đứa ra nhà nghỉ ngoại ô với bố mẹ. Sau một mùa hè tất cả đều cao lên trông thấy và rám nắng, nhưng đen nhất là cậu Gleb Skameikin. Mặt nó đen như là bị hong trên đám khói vậy, chỉ còn mỗi đôi lông mày là trắng lấp loá.
– Cậu phơi nắng ở đâu mà khiếp thế? – Tolia Diogiơkin hỏi. – Chẳng lẽ suốt mùa hè cậu ở trại hè thiếu nhi à?
– Không. Đầu tiên thì tớ ở trại hè, nhưng sau đó thì đi Crym.
– Sao cậu được đi Crym thế?
– Rất đơn giản. Bố tớ được nhà máy cho vé nghỉ, nên mang theo cả hai mẹ con tớ.
– Tức là cậu đã đến Crym cơ đấy?
– Ừ, tớ đã đến đấy.
– Thế cậu đã thấy biển chứ?
– Thấy cả biển nữa. Thấy mọi thứ.
Cả bọn xúm lại quanh Gleb và xem xét nó mọi phía như xem một vật thể lạ.
– Thế thì cậu kể cho chúng tớ nghe về biển đi chứ. Sao lại cứ im lặng thế? – Seriogia Bukatin nói.
– Biển rộng lắm, – Gleb Skameikin nói. – To lớn mức là đứng trên bờ bên này không trông thấy bờ kia. Đằng này thì có bờ, còn đằng kia không có bờ nào cả. Nhiều nước vô kể, các cậu ạ. Nói gọn là chỉ toàn là nước thôi. Mặt trời thì nóng đến nỗi tớ bị tuột hết cả da.
– Phét!
– Tớ thề đấy! Đầu tiên tớ còn phát hoảng, nhưng sao hoá ra là dưới lớp da ấy tớ còn một lớp da khác nữa. Các cậu xem, giờ trên người tớ là lớp da thứ hai ấy đấy.
– Thôi đừng nói chuyện da, cậu kể chuyện về biển đi!
– Ừ tớ kể đây… Biển á – rộng vô kể! Nước thì hàng ổng! Nói gọn là cả một biển nước.
Không rõ cậu Gleb còn kể được những gì về biển nữa, nhưng đúng lúc đó anh Volodia đến chỗ chúng tôi. Tất cả cùng gào thét mới ghê chứ! Tất cả vây quanh anh, ai cũng muốn kể cho anh nghe chuyện gì đó của mình. Tất cả cùng hỏi, liệu năm nay anh có còn làm phụ trách đội của chúng tôi không, hay là một người khác sẽ làm.
– Nào, các em nói gì thế! Chẳng lẽ anh lại có thể nhường các em cho người khác hay sao? Tất nhiên là chúng ta lại sẽ làm việc cùng nhau, như hồi năm ngoái. À nhưng nếu mà các em chán anh rồi thì lại lại là chuyện khác! Anh Volodia cười to.
– Anh á? Làm chúng em chán á?.. – tất cả chúng tôi cùng kêu to. – Không, không bao giờ chúng em chán anh đâu. Làm việc với anh thật là vui!
Anh Volodia kể cho chúng tôi nghe mùa hè anh đã cùng với các đoàn viên thanh niên khác đi thám hiểm trên sông bằng thuyền cao su. Rồi sau khi hứa sẽ còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện đáng ngạc nhiên khác, anh về lớp lớn của mình. Anh cũng phải được gặp và nói chuyện với các bạn của mình nữa chứ. Chúng tôi rất tiếc khi anh đi, nhưng cô Olga Nikolaevna đã đến. Chúng tôi rất vui mừng khi nhìn thấy cô.
– Chúng em chào cô ạ, cô Olga Nikolaevna! – Chúng tôi đồng thanh hét.
– Chào các em, chào các em! – Cô Olga Nikolaevna mỉm cười. – Sao nào, mùa hè vui chơi đã rồi chứ?
– Đã rồi ạ, thưa cô Olga Nikolaevna!
– Các em nghỉ ngơi tốt chứ?
– Thưa cô tốt lắm ạ.
– Chưa chán nghỉ chứ?
– Chán lắm rồi ạ, thưa cô Olga Nikolaevna! Chúng em muốn học rồi ạ!
– Thế thì tốt lắm!
– Em í, thưa cô Olga Nikolaevna, nghỉ nhiều đến mức mệt quá rồi! Nghỉ thêm tí nữa có khi em kiệt sức mất, – Alik Sorokin nói.
– Em, Alik ạ, cô thấy em có thay đổi gì đâu. Em vẫn hay đùa như năm ngoái.
– Như năm ngoái thôi ạ, thưa cô Olga Nikolaevna, chỉ có lớn thêm một chút.
– À, chuyện lớn thì em lớn lên khá nhiều đấy,... – Cô Olga cười cười.
– Nhưng mà trí thông minh thì vẫn thế, – cậu Iura Kasatkin đế theo. Cả lớn cười ầm lên.
– Thưa cô Olga Nikolaevna, Fedia Rybkin không học lớp mình nữa đâu ạ, – Dima Balakirev nói.
– Cô biết rồi. Bạn ấy đã cùng với bố mẹ chuyển nhà về Matxcơva.
– Thưa cô Olga Nikolaevna, còn Gleb Skameikin thì đã đến Crym và đã nhìn thấy biển ạ
– Hay lắm, khi nào làm văn, Glev sẽ kể về biển.
– Thưa cô Olga Nikolaevna, bạn ấy bị bong da.
– Ai cơ?
– Gleb ạ.
– А, được rồi, được rồi. Chúng ta sẽ nói về chuyện đó sau, bây giờ thì xếp hàng, vào lớp!
Chúng tôi xếp hàng. Tất cả các lớp khác cũng xếp hàng. Thầy hiệu trưởng Igor Alexandrovich xuất hiện trên bậc thềm. Thầy chúc mừng tất cả chúng tôi khi năm học mới bắt đầu và chúc tất cả học sinh trong năm học mới đạt được nhiều thành tích. Rồi giáo viên chủ nhiệm từng lớp dẫn học sinh của mình vào các phòng học. Các em bé học sinh lớp một đi đầu tiên, sau đó là lớp hai, rồi đến lớp ba, sau lớp ba thì đến lượt chúng tôi và cuối cùng là các lớp lớn hơn.
Cô Olga Nikolaevna dẫn chúng tôi vào phòng học. Mọi người ngồi vào chỗ cũ của mình hồi năm ngoái, vì thế nên tôi ngồi một mình, không có bạn ngồi bên cạnh. Hình như là phòng học của chúng tôi năm nay bé hơn phòng học năm ngoái hay sao ấy.
– Phòng học vẫn vậy thôi, kích thước vẫn như năm ngoái, các em ạ, – cô Olga Nikolaevna giải thích. – Các em có cảm giác lớp học nhỏ đi là vì sau một mùa hè các em đã lớn hơn đấy thôi.
Cô giáo nói đúng. Trong giờ nghỉ giải lao, tôi đã quay lại phòng học lớp ba ngày trước xem thế nào. Phòng ấy đúng là giống hệt phòng học của lớp bốn bây giờ.
Ngay tiết học đầu tiên cô Olga Nikolaevna đã nói năm nay, lên lớp bốn chúng tôi sẽ phải học tập chăm chỉ hơn trước rất nhiều, bởi năm nay có thêm rất nhiều môn học mới. Ngoài tiếng Nga, số học và các môn đã học hồi lớp ba, chúng tôi còn phải học địa lý, lịch sử và tự nhiên. Vì thế cần học tập nghiêm túc ngay từ đầu. Chúng tôi chép thời gian biểu. Sau đó cô Olga Nikolaevna nói chúng tôi cần bầu lớp trưởng và lớp phó.
– Gleb Skameikin làm lớp trưởng, Gleb Skameikin! – Cả lớp hét.
– Trật tự nào các em! Các em ồn quá! Chẳng lẽ các em không biết phải bầu thế nào à? Ai muốn nói phải giơ tay lên chứ.
Chúng tôi bắt đầu cuộc bầu cử có trật tự, và bầu cậu Gleb Skameikin làm lớp trưởng. Lớp phó là cậu Sura Malikov.
Tiết thứ hai, cô Olga Nikolaevna nói, đầu tiên chúng tôi sẽ phải ôn lại các kiến thức cũ, đã học trong năm ngoái, cô sẽ kiểm tra ai quên điều gì khi nghỉ hè. Cô bắt đầu kiểm tra ngay lập tức, và thật khổ, hóa ra tôi quên cả bảng cửu chương. Tất nhiên không phải là tất cả, chỉ phần cuối thôi. Đến bảy lần bảy là bốn chín thì tôi còn nhớ, thế mà sau đó thì lẫn lộn hết.
– Trời ơi, Maleev, Maleev! – cô Olga Nikolaevna nói. – Rõ ngay là trong hè em chẳng cầm đến quyển sách lần nào nhé.
Họ của tôi là Maleev. Cô Olga Nikolaevna chỉ gọi tôi như thế khi nào cô giận tôi lắm, còn bình thường cô vẫn gọi tôi bằng tên đơn giản là Vichia.
Ni-cô-lai Ni-cô-la-ê-vích Nô-xốp (Nicolaevich Nosvo) sinh ngày 22 tháng 11 năm 1908 tại Ki-ép, thủ đô nước Cộng hoà Ucraina ngày nay. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1938. Tác phẩm "vi-chi-a Ma-lê-ép ở nhà và ở trường" của Nô-xốp đã trở thành hiện tượng của văn học thiếu nhi ở Liên bang Cộng Hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết trong 2 năm 1951-1952