Sức Mạnh Của Đạo Phật
Tác giả: Đức Dalai Lama
NXB: Phương Đông 2008
Tình trạng: Sách tốt, 356 trang khổ 13X20.5
Nói đến Đạo Phật là nói đến giác ngộ, chủ trương của Đạo Phật là giác ngộ. Đạo Phật có mặt trên thế giới đến nay là 2556 năm (tính đến thời điểm hiện tại năm 2008). Phật Pháp như ngọn đuốc soi sáng đưa đường chỉ lối cho chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ Tham, Sân, Si và kiếp Sinh-Tử luân hồi.
Lý thuyết của Đạo Phật hoàn toàn khác hẳn so với những học thuyết, lý luận, của những vị học giả, những vị triết gia trên khắp Thế giới. Vì họ có những ý tưởng, biện luận, biện chứng, giả thuyết của họ, còn lý thuyết của đạo Phật là do đức Phật sau khi giác ngộ chánh giác thành bậc Đại Trí, Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi… thấy những vấn đề thực tế, những lý lẽ thực tế theo từng hoàn cảnh thực tế mà Ngài đem ra chỉ dạy cho con người. Sự truyền bá của đạo Phật từ những bản Kinh chữ Phạn sau khi được du nhập, truyền bá, được phiên dịch sang ngôn ngữ của những nước được tiếp thu, tiếp nhận để thấm nhuần và phát triển theo lịch sử tôn giáo của mỗi nước, giúp chúng sinh chuyển hóa những Khổ đau thành An lạc.
Bộ sưu tập Phật ngôn được dịch sang tiếng Tây Tạng có hơn 108 bộ diễn tả những lời dạy của đức Thế Tôn. Phật Pháp sâu rộng vô lượng, vô biên, khuyên chúng sinh bỏ dữ về lành quay đầu lại là bờ. 84.000 (Tám mươi bốn ngàn) Pháp môn của Phật có thể tóm tắt trong câu kệ theo lời giáo huấn của Phật trong Tam thế:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
(Tiêu trừ tất cả nghiệp ác
Tập làm các điều lành
Trau tâm ý sạch
Chư Phật dạy rành)
Chúng ta đang sống trong một Thế giới của nền văn minh xã hội với những phát triển vượt bậc về khoa học, kỹ thuật, phát triển về kinh tế, chính trị, bên cạnh đó vẫn song song tồn tại những nước đói nghèo, lạc hậụ thiên tai, dịch bệnh. Chúng ta cũng như hàng tỉ người trên khắp hành tinh này luôn mong ước một thế giới sống trong hòa bình, nhân cách, phẩm giá con người trên thế giới được tôn trọng, được bình đẳng giới. Nhưng đó đây vẫn còn những nước trên thế giới đang xảy ra chạy đua vũ trang, chiến tranh leo thang, chiến tranh tôn giáo (xin mạn phép không đưa ra dẫn chứng cụ thể) mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày, hàng giờ trên những phương tiện thông tin đại chúng. Sinh mạng con người lại không được tôn trọng, những cái chết vô tội, oan uổng do chiến tranh vì những mục đích khác nhau, lý do khác nhau bao gồm cá nhân-dân tộc-sắc tộc-tôn giáo. Môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng, chính con người đã tự hủy hoại môi trường mình đang sống: Rác thải, chặt cây phá rừng lấy gỗ, ô nhiễm môi trường, tận thu cùng kiệt tài nguyên khoáng sản… để rồi chính con người phải gánh chịu những thảm họa từ môi trường: lụt lội, hạn hán, mất mùa, đói rét…
Sức mạnh của Đạo Phật với những mảng đề tài, những câu chuyện dẫn giải gần gũi, giản dị, khúc chiết và thực tiễn. Khi con người luôn tham vọng, chạy đua, vươn tới những đỉnh cao, thì đời sống tâm linh cái Đạo, cái Tâm, cái Thiện trong mỗi người sẽ hữu nhiên mà thu nhỏ lại.
Đọc Sức mạnh của Đạo Phật, chúng ta thấy kính trọng, khâm phục Đức Datlai Lama đời thứ 14, người được trao giải Nobel về Hòa bình vào năm 1989 bởi những nỗ lực không mệt mỏi đấu tranh bảo vệ Pháp giáo, bảo vệ chính nghĩa của dân tộc, của đất nước Tây Tạng. Ông đã đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, quyền con người từ một dân tộc bị thuộc địa, bị trở thành bãi chứa hạt nhân, môi trường bị ô nhiễm nặng, dân tộc có nguy cơ trở thành thiểu số, nguy cơ bị tuyệt chủng trong những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước.
Đọc Sức mạnh của Đạo Phật với 39 tác phẩm và tài liệu trích dẫn của tác giả là Ngài JEAN-CLAUDE CARRIERE. Với sự Học và Đọc rất lớn của tác giả khiến cho người đọc như đang tập trung lái xe trên đường đông đúc lại luôn phải nhìn sang hai bên đường để nhìn và đọc những biển chỉ dẫn với nội dung: Phía Trước Đường Còn Dài.
Biển Học vô bờ, xin mạn phép ghi vài cảm tưởng sơ thiển trên đây! Mong những bậc học giả uyên thâm, những bạn đọc yêu sách lượng thứ!
Ngày 30/04/2008 (25/03/Mậu Tý 2008)
Nguyễn Tiến Lộc
Hiệu Nhuận Nhân