Những Người Sống Và Những Người Chết (Bìa Cứng)
Tác giả: Konxtantin Ximonop
NXB: Cầu Vồng 1987
Tình trạng: Sách tốt, 606 trang
'Tôi có cảm giác chung với tiểu thuyết Liên xô thời kỳ chống phát xít, đó là mỗi khi đọc xong một cuốn sách, bỗng chợt thấy tất cả nhân vật trong đó, những anh dép, lép, nhép, nốp, lốp, xốp… như trở thành đồng đội của mình, hoặc đúng hơn, thấy mình trở thành một người trong số họ.
Tôi đã theo anh phóng viên quân đội Xintxốp suốt những trận chiến đấu, phá vây, chia tay và gặp lại, tôi đã gặp Xerpilin, Tanhia, Dôlôtarép… Tôi cũng gặp những kẻ còn sống mà như đã chết, hèn nhát mạt hạng như gã Thượng úy Kruchikốp, sống bấu víu bằng cách tự lừa mình rằng còn có kẻ còn hèn nhát hơn mình, hoặc dối trá hơn mình, và mình sẽ vạch mặt kẻ đó. Lúc ấy mình sẽ là người hùng. Lúc ấy mình sẽ yên tâm tin rằng mình không hèn nhát.
Cỗ máy chiến tranh xay nghiền những thanh niên, trung niên, phụ nữ và trẻ em trong ánh chớp số phận. Thật trớ trêu, những ánh chớp số phận ở đây, hóa ra lại là ánh lửa lóe lên khi mỗi viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Sau đó là những người sống và những người chết. Dù kẻ bị nhắm bắn có trúng đạn hay không, anh ta cũng đã bị chiến tranh quẳng ngoéo đi xa khỏi con đường anh vẫn đi trước đó. Nếu anh trúng đạn, chết ngay, hoặc tử thương, đã đành đi một nhẽ, thế là chấm hết một đời. Nhưng nếu viên đạn chỉ làm anh bị thương đâu đó, cho anh một vết sẹo, hoặc biến anh trở thành tàn phế, anh có thể tiếp tục chiến đấu, hoặc dưỡng thương một thời gian rồi tiếp tục chiến đấu, hoặc thậm chí không bao giờ chiến đấu được nữa. Anh phải sống và đối mặt với một cuộc đời khác hẳn. Thậm chí ngay cả khi viên đạn đó tránh khỏi anh, biết đâu đấy, anh lại trở thành một Valentin Hauder, anh chàng trong Ba người bạn của Erich Maria Remarque, ngày ngày say khướt uống mừng mình thoát chết.
Không chỉ là chiến tranh, vấn đề đặt ra còn là giữa một con người và một tờ giấy, người ta coi trọng cái nào hơn cái nào. Đến bao giờ người ta mới biết cách tin vào con người ?
Tôi không muốn dành nhiều lời xưng tụng cho một tác phẩm để dụ dỗ người khác đến với nó. Chỉ biết rằng Simonov đã viết một cách đầy tiết chế, sự tiết chế của một người đã thực sự trải qua chiến tranh với tất cả sự khốc liệt của nó. Mỗi nhân vật thoáng qua dù chỉ một lần cũng khiến người đọc thấy được dù anh ta sẽ sống hoặc sẽ chết thế nào, anh ta cục cằn, thô lỗ, nóng nảy hay mơ mộng thế nào, và anh ta cũng là một mắt xích không thể thiếu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chừng nào một đất nước còn những con người như Malinin, Xintxốp, Xerpilin, Masa…, đất nước đó sẽ không bao giờ chấp nhận quỳ gối trước quân xâm lược''.