Người tù bé nhỏ - Chát chúa sự thật gia đình
“Phút trước tôi vừa mới ngập mình trong một cảm xúc phấn khích tột độ, phút sau tôi đã rơi vào nỗi hoảng sợ, hoảng sợ về những gì sẽ xảy ra nếu như tôi phơi bày toàn bộ sự thật”. “Người tù bé nhỏ” đã được mở đầu như một lời cảnh báo cho từng độc giả trước khi đặt mình cuốn trong tự truyện về cuộc đời của cô bé Janey – nhân vật chính và cũng là hình tượng của tác giả Jane Elliott.
Nếu như với nhiều đứa trẻ, gia đình là điểm tựa đích thực cho tuổi thơ thì với Janey, hai chữ gia đình trở thành “nhà tù” đúng với nghĩa của từ này. Bằng lời kể chân thật, giản dị, câu văn không cầu kì, chau chuốt, Jane Elliott chinh phục độc giả bằng chính sự thực trần trụi về một phần cuộc đời của mình từ lúc lên 4 tuổi.
17 năm trong cuộc đời sống với gia đình, Janey (tên nhân vật được nhà văn đổi lại) trở thành một kẻ nô lệ tình dục thực sự, một đứa “con hoang Pakistan” cả về thể xác và tinh thần. Tập trung vào việc tố cáo sự lạm dụng tình dục tinh vi và có hệ thống, mục đích rõ ràng của người cha dượng hơn cô bé 14 tuổi, “Người tù bé nhỏ” một lần nữa đặt độc giả vào cái suy nghĩ “khác máu tanh lòng” đang ngấm vào đời sống của xã hội Phương Tây.
Nhưng nếu như ở nhiều nước, sự thù ghét đó chỉ dừng lại ở việc hành hạ, nhục mạ khi ép phải làm việc như một con ở không công thì sự căm thù “con nô lệ bẩn thỉu” của kẻ mang danh “bố” còn nặng nề và đáng ghê tởm hơn với những “trò chơi” tình dục điên loạn – một sự “trả ơn” theo suy nghĩ của hắn.
Ngay cả tình yêu, hạnh phúc gia đình của Janey cũng nằm trong kế hoạch tính toán của người cha dượng, để hắn có thể chiếm đoạt, cưỡng bức cô một cách an toàn nhất, khéo léo nhất. Bực tức với sự nhu nhược bao nhiêu của người mẹ thì sự phẫn uất đến tội nghiệp cho bản thân nhân vật chính của người đọc càng tăng lên bấy nhiêu. Bên trong vỏ bọc của một ngôi nhà được trang hoàng gọn gàng, sạch sẽ là một khối những điều trái khoáy, dị hợm mà người cha dượng chính là người kiểm soát, tổ chức và thực hiện.
Nghẹn ngào, thương cảm, ghê sợ và phẫn nộ là cảm xúc mà bất cứ người đọc nào cũng có thể cảm nhận được khi lật giở từng trang trong “Người tù bé nhỏ”. Nó chất chứa trong đó toàn bộ những lời mà ngay từ đầu nhà văn Jane Elliott đã cảnh tỉnh: phút trước phấn khích tột độ để rồi ngay sau đó hoảng sợ về những gì mà cô bé Janey phải đối mặt.
Nhưng dù thế nào, trong những trang viết chân thực đến trần trụi ấy, độc giả vẫn thấy le lói ý nghĩa nhân văn, trong sáng, vô tư qua ước mong của một cô bé, một thiếu nữ và sau đó là một bà mẹ trẻ bất đắc dĩ cho những người thân, cho tình yêu và cho những đứa con của mình.
Đề cập sát thực về nạn bạo hành gia đình và lạm dụng tình dục trẻ em, “Người tù bé nhỏ” của Jane Elliott tuy chỉ là một trong nhiều cuốn tự truyện kể về tuổi thơ bị lạm dụng nhưng đã gây được tiếng vang lớn trên thế giới. Quá trình viết lại câu chuyện này cũng là một khó khăn đối với chính tác giả “vì nó đã khuấy động lại những ký ức và những tình cảm mà tôi dã cố gắng để quên đi. Nhưng giờ đây, tôi đã có thể hét to trước toàn thế giới tất cả những gì mà người ta bảo tôi phải giữ bí mật. Điều đó khiến tôi có cảm giác như một gánh nặng nghìn cân đã được cất khỏi đôi vai bé nhỏ của mình”.
Và bản thân nhà văn khi xuất bản cuốn sách này cũng đã hiểu rõ đối tượng độc giả: “Tôi cho rằng, độc giả của những cuốn sách như “Người tù bé nhỏ” sẽ chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người được sinh ra và lớn lên trong những gia đình ổn định,hạnh phúc và họ muốn được hiểu hơn về một thế giới mà họ khó có thể tưởng tượng ra nổi. Nhóm thứ hai là những người đã phải chịu đựng những gì tương tự và họ có thể tìm thấy ở những cuốn sách đó một niềm an ủi rằng họ không cô đơn trên thế giới này. Họ cũng có thể khám phá ra rằng không những việc tạo ra một cuộc sống bình thường và hạnh phúc là hoàn toàn có thể, mà họ còn có thể biến tất cả những điều tưởng chừng như bất hạnh, đau khổ thành một điều gì đó tích cực hơn.”
Nếu như chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra trong những gia đình giống như gia đình của Janey thì có lẽ chúng ta không bao giờ có thể hy vọng làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn trước. Liệu đó có phải là Một sự thật chat chúa về gia đình mà “Người tù bé nhỏ” muốn chuyển tải đến người đọc?!
Thanh Giang
Người tù bé nhỏ -và tuổi thơ bị đánh cắp
Jane Elliott không phải là nhà văn nhưng câu chuyện của cô có thể gây xúc động với bất cứ ai đọc nó, và trở thành cuốn sách best-seller tại Anh năm 2005. Phải chăng những gì tưởng chừng phi lý trong tự truyện của Jane lại là điều có thực trong cuộc sống hiện tại.
Có bao giờ bạn dám tin một em bé mới chỉ lên 4 đã bị lạm dụng tình dục, một tuổi thơ hằn sẹo bởi những “trò chơi” bỉ ổi từ người cha dượng, bị lãng quên trong sự thờ ơ của những người xung quanh. Đó chính là câu chuyện của Jane.
Như chính tựa đề cuốn sách, Người tù bé nhỏ là chuyện dài bất tận về tuổi thơ phiền muộn của chính tác giả. Janey (tên thân mật của Jane) không may phải chứng kiến cha mẹ bỏ nhau từ khi mới lên 4 tuổi nhưng đó không có gì quá đặc biệt cho đến lúc em phải sống cùng cha dượng. Những tháng ngày tù ngục như một kẻ nô lệ tình dục của Janey bắt đầu từ đây.
Richard-người cha dượng của Janey chỉ hơn cô bé 14 tuổi nhưng hiện lên không khác hơn một hung thần hay quỷ dữ. Sự mất nhân tính trong con người ấy đã hành hạ, phá huỷ cả tuổi thơ của cô bé bằng những “trò chơi” về tình dục do hắn tự nghĩ ra, những trận đòn kinh hoàng không nguyên cớ, sự hành hạ tâm lý bằng lời lẽ thô tục và kích động nhất. Janey phải chịu đựng tất cả những điều tồi tệ ấy.
Đã bao lần ý nghĩ về sự chạy trốn hay tự tử đã đến với cô bé để rồi mọi thứ đều trôi qua trong vô vọng. Bên Janey còn có mẹ, những người thân, những người hàng xóm nhưng tất cả đều không hay biết chuyện đó, hoặc cố tình không dám đối mặt với sự thực cay đắng ấy. Vì đơn giản họ không muốn bị kẻ hung dữ như Richard gây phiền toái, hay tính phớt Ăng-lê vốn có của người Anh là chẳng bao giờ để tâm đến hoàn cảnh của ai.
Đọc những trang viết của Jane Elliott người ta không khỏi bàng hoàng, tức giận về sự băng hoại đạo đức đến cùng cực, lạm dụng tình dục với trẻ em và nạn bạo hành gia đình diễn ra như một điều hiển nhiên. Ẩn ức tâm lý về một tuổi thơ không lành lặn ấy sẽ còn theo đuổi Janey không biết đến khi nào mới thôi.
Jane Elliott cho rằng những độc giả của Người tù bé nhỏ sẽ có hai nhóm. Nhóm thứ nhất họ là những người sinh ra trong gia đình ổn định và hạnh phúc. Họ muốn biết hơn về một thế giới họ khó có thể tưởng tượng ra nổi. Còn nhóm kia chính là những người có hoàn cảnh như cô và thấy ở cuốn sách niềm an ủi rằng họ không cô đơn. Nhưng chính Jane cũng cảm thấy kinh hoàng nếu những người thuộc nhóm thứ 2 còn nhiều hơn nhóm thứ nhất, nhiều tới mức hiếm ai có thể tin đó là sự thực.
Thu Trang