Nelson Mandela Người Tù Thế Kỷ
Biên Dịch: Trần Nhu
NXB: Trẻ 1998
Tình trạng: Sách tốt, 382 trang
Báo giới nhiều nước trên thế giới gọi ông là “Người tù thế kỷ”. Tên ông là Nelson Mandela. Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi, chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi của Nam Phi (ANC). Ông là vị tổng thống người da đen đầu tiên của nhà nước ở cực nam châu Phi.
Để tưởng nhớ ông - một con người vĩ đại, báo Tuổi Trẻ đã trích đăng trong chuyên mục nhiều kỳ của báo tác phẩm “Nelson Mandela - Người tù thế kỷ”. Đây là tập hồi ký về cuộc đời của ông, mà ở đó ông đưa ra những bằng chứng cho thấy ông không phải là một Đấng cứu thế, không phải là một nhà đạo đức, nhưng tất cả những gì ông làm là cho sự vững tin kiên định vào mục tiêu cuối cùng: chấm dứt luật lệ chính phủ thiểu số của người da trắng. Ông cũng giành phần lớn tập hồi ký kể về cuộc sống khi bị hành hạ trong kiếp khổ sai lao dịch, nỗi cô đơn khủng khiếp và cảm giác bị hạ nhục vì những chuyện tầm thường…
Nelson Mandela bị chính quyền phân biệt chủng tộc tệ hại nhất trong lịch sử nước này nói riêng, ở châu Phi và thế giới nói chung, bắt khi đang lãnh đạo đội quân vũ trang của ANC chống lại kẻ thù của các dân tộc trên vùng đất đau thương từng phải sống hơn 300 năm dưới chế độ Apartheid tàn bạo. Ông bị kết án tù chung thân và bị đày ra đảo Robben Island trên biển Đại Tây Dương suốt hơn hai thập niên.
Từ trong nhà tù, Nelson Mandela viết hồi ký về đời hoạt động của mình, về những cuộc chiến đấu của các chiến sĩ ANC và của các tầng lớp nhân dân bị áp bức Nam Phi mà ông là vị chỉ huy tối cao. Những trang gọi là hồi ký này trong thực tế là những bài học kinh nghiệm xương máu mà Nelson Mandela và các đồng chí của ông mong muốn chuyển tận tay các chiến sĩ kiên cường trên tất cả các mặt trận chống lại kẻ thù. Những trang viết tâm huyết ấy đã vượt biển từ đảo Robben Island đến với đồng chí và chiến sĩ của ông trên đất liền, đến các Ban lãnh đạo ANC từ cơ sở đến trung ương, trong và ngoài nước, các đơn vị vũ trang luôn chắc tay súng trong trận chiến đấu không cân sức... và đã trở thành vũ khí sắc bén của ANC trong suốt hơn hai thập niên.
Những dòng cuối cùng của tập hồi ký này được ông viết sau khi ANC giành thắng lợi với đa số tuyệt đối trong cuộc tuyển cử dân chủ theo chế độ phổ thông đầu phiếu đầu tiên trong lịch sử nước Nam Phi. Cuộc bầu cử này đã đưa Nelson Mandela lên vị trí nguyên thủ của nhà nước Nam Phi mới.
Hồi ký của Nelson Mandela chia thành II phần, tuần tự từ buổi thiếu thời đến tuổi trưởng thành rồi đi theo “con đường tất yếu” của người chiến sĩ chiến đấu cho tự do và phẩm giá của con người. Nelson Mandela gọi hơn 60 năm chiến đấu của ông là “con đường trường chinh dẫn đến tự do” và câu kết luận cuối cùng của tập hồi ký này khẳng định rằng “con đường dài ấy chưa kết thúc”.
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Nelson Mandela (18.7.1918-18.7.1998), chúng tôi biên dịch cuốn hồi ký này và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, cuốn hồi ký được chia thành bốn phần lớn nhưng vẫn giữ được tính liên tục của các sự kiện, đồng thời bảo đảm tính trung thực và khách quan, chỉ lược bỏ bớt một số chi tiết cụ thể.
Cuốn hồi ký của Nelson Mandela đã được xuất bản ở nhiều nước và được bạn đọc hưởng ứng nồng nhiệt. Theo bình luận của nhiều tờ báo lớn ở phương Tây thì “Hồi ký của Nelson Mandela không chỉ nói về cuộc đời của một trong những nhân vật chính trị xuất sắc nhất của nửa sau thế kỷ 20 mà còn là một tác phẩm văn học đượm chất trữ tình... Nhiều người trên thế giới coi Nelson Mandela là một trong ít người nổi tiếng nhất thế giới còn sống. Hồi ký và những trang viết của ông thể hiện khá sắc nét điều bình thường đến giản dị và chính điều đó đã nâng ông thành “con người vĩ đại bình dân” với những kiến thức uyên bác của một nhà hàn lâm, là cơ sở đảm bảo cho sự hòa giải dân tộc, tránh được cuộc nội chiến đẫm máu cho các màu da, sắc tộc trên mảnh đất đầu đau thương nhưng hết sức kiên cường này. Hồi ký của Nelson Mandela là một bài thơ, một trường ca mà người đọc không thể dừng lại giữa chừng. Không một trang nào là người đọc hờ hững”.