Macxim Gorki - Tuyển Tập Truyện Ngắn (Tập 2)
Tác giả:Macxim Gorki
Dịch: Cao Xuân Hạo, Nguyễn Mạnh Hùng
NXB: Văn Học 1985
Tình trạng: Sách đọc tốt, mất bìa, 463 trang
Macxim Gorki là nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản, là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đời hoạt động văn học gần nửa thế kỷ, ông đã để lại một sự nghiệp chói lọi, một di sản sáng tác khổng lồ - niềm tự hào của nhân dân Nga và của cả loài người tiến bộ. Truyện ngắn của Macxim Gorki có sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố lãng mạn và hiện thực, ở đó có sự gắn bó máu thịt của ông với nhân dân và đất nước qua các giai đoạn cách mạng. Tuyển tập truyện ngắn Macxim Gorki chọn lọc những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông về thể loại này, bao gồm cả những truyện mà yếu tố lãng mạn chiếm ưu thế (Makar Tsudra; Bà lão Idecghin; Bài ca chim ưng; Bài ca chim báo bão), những truyện mà yếu tố hiện thực chiếm ưu thế (Emeliên Pilai; Lão Arkhip và bé Liônka; Kẻ phá bĩnh; Vợ chồng Orlôp), những truyện mà yếu tố hiện thực và lãng mạn gần như ngang bằng, đến mức khó xếp hẳn vào loại nào (Tseakas; Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái…).
Trong truyện ngắn, Macxim Gorki bộc lộ niềm khao khát tự do và ca ngợi ý chí hào hùng, bất khuất của con người, phơi bày tính chất tàn bạo của chế độ xã hội - chính trị trước cách mạng, chế độ giết chết mọi cái có sức sống trong con người. Đồng thời cũng đặc tả rõ nét quá trình trăn trở, tự ý thức đầy gian khổ của các tầng lớp “dưới đáy” xã hội để vươn tới sự đổi đời; đề cao và thi vị hoá lao động: phê phán lối sống và tâm lý ươn hèn của tầng lớp trí thức tiểu tư sản và tư sản…
Một trong những nét độc đáo, và cũng là thành công của Gorki trong các truyện ngắn là mô tả rất ấn tượng những con người bé nhỏ, chân đất, nghèo khổ trong mối giao hòa với thiên nhiên Nga hết sức hùng vĩ, có khi rất dữ dội mà nhiều lúc cũng thật hiền hoà. Hiện thực cuộc sống hiện ra trong những truyện ngắn của Gorki với hai màu sáng - tối, làm nảy sinh cả niềm vui sướng lẫn nỗi khổ đau, sự cảm thông lẫn lòng căm phẫn. Hiện thực đó trước hết là chính bản thân con người. Trong thế giới mà tâm hồn luôn bị giày vò đau khổ, nhà văn đã tinh tế chỉ ra những biểu hiện hết sức nhân văn, cao đẹp. Tuy nhiên, khát vọng vươn tới tương lai, vươn tới lý tưởng toàn mỹ về con người khó có thể hợp nhất với diện mạo cũng như những quan hệ thực tế hiện tại của họ. Bởi vậy, trong nhiều tác phẩm, Gorki tìm về với những tư liệu của văn học dân gian: những truyền thuyết, những huyền thoại, và trên cơ sở những tư liệu đó xây dựng những tính cách lý tưởng, nhưng song song cùng với chất dân gian huyền thoại, cuộc sống hiện thực vẫn tiếp tục được khám phá. Và như thế, chất lãng mạn và chất hiện thực cứ đồng hành với nhau, bổ sung cho nhau trong nhiều truyện ngắn của Gorki...
Trong nhiều truyện của Gorki thường hiện diện cái "tôi" - tác giả. Tác giả là người lắng nghe những câu chuyện kể, mở đầu và kết thúc tác phẩm với những ấn tượng, tình cảm hết sức chân thực, hết sức sống động về người kể chuyện, về thiên nhiên và cuộc sống con người bao quanh câu chuyện kể. Đây cũng là một đặc trưng nghệ thuật ở Gorki khi trong đó, thế giới tưởng tượng, thế giới huyền thoại cổ tích được nối với thế giới hiện thực bằng chính bản thân tác giả, vừa giúp làm nổi bật những mâu thuẫn hiện thực của cuộc sống, vừa giúp cho những khát vọng lãng mạn được thể hiện một cách chân thực hơn và mạnh mẽ hơn.