Ký Ức Vụn (Tạp Văn Chọn Lọc)
Tác giả: Nhiều tác giả
NXB: Hội Nhà Văn 2011
Tình trạng: Sách tốt, 351 trang khổ 13X20.5
20 năm trước, tác giả của tập truyện ngắn Tiếng gọi phía mặt trời lặn khiến người đọc chùng lòng. 20 năm sau, vẫn là những góc đời buồn, nhưng Nguyễn Quang Lập đã thả vào Ký ức vụn những nụ cười hài hước nhưng đầy ưu tư, suy ngẫm
Gần 20 năm vắng bóng trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Quang Lập trở lại với tác phẩm Ký ức vụn (NXB Hội Nhà văn - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành) đã gây ít nhiều bất ngờ cho bạn đọc và người trong giới.
Ký ức vụn giống như một khoảng đời mênh mông mà nhà văn đã góp nhặt trong suốt hành trình sống và trăn trở. Tác phẩm được chia thành từng phần khá rạch ròi: Những người từng gặp, Buồn vui một thuở, Thương nhớ mười ba, Những người bạn khó quên... ở đâu và ở thời điểm nào cũng thấy những cuộc đời chìm nổi, truân chuyên, bất hạnh đi qua trang viết của nhà văn. Có khác chăng là giọng văn của Nguyễn Quang Lập 20 năm sau đã khác hơn, dí dỏm hơn và ngôn ngữ cũng tự do, phóng khoáng hơn. Những mảng ký ức trôi qua từng trang viết, không định lượng thời gian nhưng vẫn thấy như hình ảnh của người trong quá khứ vẫn còn hiện hữu đâu đây. Cuộc sống thay đổi nhưng có những bi kịch phủ lên phận người cứ như tuần hoàn, chỉ có sức chịu đựng là khác nhau.
Nguyễn Quang Lập gọi những người bạn trong ký ức mình bằng những cái tên kiểu như “con ăn rùi”, “thằng hai đầu gối”, “thằng sứt môi”, “thằng Thanh”, “thằng Á”, “chị Du”... - một kiểu “độc quyền kỷ niệm” nhưng trải trong đó là số phận con người trong cuộc sống vốn nhiều bể dâu. Mà mỗi cuộc đời đều xứng đáng được đi vào văn học hay cả điện ảnh như chính tác giả đã chia sẻ: “Nhiều lần tôi muốn làm phim” khi nói về các nhân vật đi qua hồi ức của ông.
Đọc Ký ức vụn, ngỡ ngàng khi lại được trở về thung lũng Chớp-ri của miền Tây Quảng Bình. Không gian này 20 năm trước đã có một Chuyện ở thung lũng Chớp-ri với hình ảnh cô giáo Thương khao khát hạnh phúc mà vụng trộm trong nỗi đắng đót xót xa. Bây giờ lại xuất hiện hình ảnh thằng Hoàn mỗi khi nhớ mẹ lại thích thổi sáo dụ rắn ra ngoài, chỉ vì nghe cha nói rằng “mẹ là con rắn độc”, rồi cuối cùng lại chết thương tâm vì bị rắn độc cắn. Những ký ức rất ngắn, nhưng mỗi một cuộc đời được tái hiện qua những trang viết của nhà văn lại hiện lên rất rõ, đủ để xao xác lòng người đọc về những phận đời.
20 năm trước, tác giả của tập truyện ngắn Tiếng gọi phía mặt trời lặn khiến người đọc chùng lòng bởi những câu chuyện buồn đến mênh mông của các nhân vật trong Tiếng khèn bè, Tiếng lục lạc, Đò ơi, Hạnh phúc mong manh... 20 năm sau, vẫn là những góc đời buồn, nhưng Nguyễn Quang Lập đã thả vào Ký ức vụn những nụ cười hài hước nhưng đầy những ưu tư, suy ngẫm.
Ký ức vụn còn là hình ảnh của những con người rất gần, một hành trình rất thật của cuộc đời tác giả. Ở đó, thấy Nguyễn Khải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hòa Vang, Nguyễn Lương Ngọc, thấy cả Công Ninh, Hồng Ánh, Mai Hoa, Nguyễn Thanh Sơn... Ở đó còn có những chặng đường đã qua và cả những tiếng thở dài trong cuộc sống hiện thời của nhà văn. Một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa kỷ niệm và sự cảm thông, giữa những ưu tư trước thời cuộc và sự thay đổi chóng vánh và bất ngờ của những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Nguyễn Quang Lập gọi những người bạn trong ký ức mình bằng những cái tên kiểu như “con ăn rùi”, “thằng hai đầu gối”, “thằng sứt môi”, “thằng Thanh”, “thằng Á”, “chị Du”... - một kiểu “độc quyền kỷ niệm” nhưng trải trong đó là số phận con người trong cuộc sống vốn nhiều bể dâu. Mà mỗi cuộc đời đều xứng đáng được đi vào văn học hay cả điện ảnh như chính tác giả đã chia sẻ: “Nhiều lần tôi muốn làm phim” khi nói về các nhân vật đi qua hồi ức của ông.
Nhiều bạn văn nhận xét vui rằng Nguyễn Quang Lập viết Ký ức vụn bằng ngôn ngữ đôi lúc “tưng tưng”, “cù rờ cù rựng” và dùng cả những từ ngữ nằm trong “vùng cấm kỵ” đến mức “tầm bậy tầm bạ”. Nhưng thật kỳ lạ, nếu thiếu những ngôn ngữ ấy thì các mảnh ký ức chắc chắn sẽ vắng hẳn nét riêng trong văn chương của “bọ Lập”.