Kể Chuyện Nhà Giáo Kiệt Xuất Chu Văn An
Tác giả: Đinh Mạnh Thoại
NXB: Trẻ 2003
Tình trạng: Sách tốt, 119 trang khổ 13X19
Với tựa đề: "Kể chuyện nhà giáo kiệt xuất Chu Văn An" của Đinh Mạnh Thoại, cuốn sách đã viết về người thầy rất mẫu mực, một người thầy đáng kính Chu Văn An.
Tuy viết theo ngôn ngữ lịch sử nhưng tác giả đã mô tả rất thật cuộc đời và sự nghiệp của ông-Nhà giáo Chu Văn An-một cách chân thực, giản dị và không kém phần sinh động bởi tác giả đã viết nên tác phẩm bằng cả tấm lòng trân trọng của mình, dựa trên cơ sở những tư liệu xác thực về Chu Văn An.
Thầy Chu Văn An sinh năm 1292 và mất năm 1370, ông sinh ra trong một gia đình làm quan, có nghĩa là có quyền được đi học, được làm quan nhưng ông lại không đi theo lối mòn ấy, để hưởng phú quí vinh hoa theo truyền thống của gia tộc. Ngay từ nhỏ, ông đã có ước muốn duy nhất là được học để tiếp thu kiến thức và mở trường tại quê nhà để dạy học.
Hơn 40 năm theo đuổi nghề dạy học và cũng như suốt cả cuộc đời, ông luôn là tấm gương sáng cho lớp lớp học trò chúng ta phải ngưỡng mộ và kính trọng.
Tương truyền ông đỗ đạt rất cao đến học vị Thái học sinh nhưng đêm này sang đêm khác ông chong đèn đọc sách, định ra bài giảng, nghiền ngẫm ý tứ để giảng cho từng đối tượng học trò cho phù hợp. Hình như trong mỗi bài giảng, ông tâm nguyện: “...mình phải như con tằm nhả tơ, tơ phải vàng óng, để dệt cho học trò những tấm áo kiến thức, những tâm hồn thật đẹp”. Mà cũng chỉ học ở thầy giáo Chu, học trò mới có được những diễm phúc ấy.
Hơn ai hết, là học sinh chúng ta phải hiểu: “Nghề dạy học là rất khó, khó ở cái tâm của người thầy phải luôn trong sáng mặc cho hoàn cảnh xã hội có muôn trùng đen tối, những lời giảng của thầy cứ len lỏi trong tâm khảm học sinh như giọt mật li ti nho nhỏ, được vắt khéo từ những nhụy hoa, người thầy phải chắt lọc những kiến thức ấy, nhào nặn bằng tất cả tấm lòng và phải từ sâu thẳm trái tim mình để truyền đạt đến cho từng học trò những kiến thức đã lĩnh hội được.”
Thầy giáo Chu Văn An đã hiểu điều đó từ rất lâu, ông không bao giờ tự cho bài giảng của mình là đã đủ, đã hay. Vì thế, điều đáng quí nhất của ông là không ngừng học tập, đọc sách, nghiền ngẫm thêm nghĩa ý của sách, cho từng bài giảng ngày càng rộng mở. Ông cho rằng: “Chữ nghĩa bài giảng, đâu chỉ nhìn bằng mắt và suy nghĩ trong chốc lát mà khám phá được chiều sâu của nó, mà phải luôn tự học, luôn trau dồi, phải hiểu với cái tâm trong sáng để truyền đạt cho học trò, có như vậy học trò sẽ hấp thu với tất cả sự tin tưởng và lòng kính yêu thầy giáo”.
Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thơ và trước tác, với riêng "Thất trảm sớ", lịch sử dân tộc Việt ta đã công nhận: ông là nhà giáo đầu tiên trong lịch sử nước nhà chống tham nhũng một cách triệt để nhất. Ở tr. 81-82, tác giả viết: “Rời kinh đô và để lại “Thất trảm sớ”, tờ sớ thay ông nói với vua một cách thẳng thắn, công khai đòi chém bảy quyền thần với ý nghĩ tốt đẹp của tôi trung, mong cứu vãn tình hình bê bối của triều vua Dụ Tông...”. Đó là tâm huyết và khí phách của ông “...giãi bày tất cả ở tờ sớ mà mỗi câu mỗi chữ là những lời lên án hùng hồn với từng gian thần, đúng với bức tranh vô cùng hoen ố của triều chính Dụ Tông” (Tr. 82) đã làm cho các quan nịnh thần run sợ, các bậc danh sĩ đời đời thán phục, được đánh giá là "động trời" nhất trong lịch sử nước nhà. Như nhà sử học nổi tiếng Lê Trung TK 17 đánh giá: “Thất trảm chi sớ, nghĩa động quỷ thần” (Tờ sớ đòi chém bảy tên, nghĩa khí chấn động cả quỷ thần). Các nhà làm sử nước ta, khi nhắc đến “Thất trảm sớ” đều trọng vọng đánh giá rất cao Chu Văn An, như Cao bá Quát ca ngợi:
“Thất trảm yêu ma phải rợn lòng
Trời đất soi chung vầng hào khí
Nước non còn mãi nếp cao phong...”
Còn những tác phẩm khác của ông như: "Tứ thư thuyết ước", "Quốc ngữ thi tập", "Y học yếu giải",... tuy bản gốc đã bị giặc Minh cướp về nước nhưng vẫn còn lưu truyền mãi trong nhân dân ta, những tác phẩm có giá trị vô song ấy là sự tinh luyện tài tình của bộ óc uyên thâm và trái tim nồng hậu luôn cống hiến cho "Sự nghiệp trồng người", ông xứng đáng cho người đời truyền tụng: Chu Văn An là sao Bắc đẩu, là sao Khuê vẫn mãi chiếu sáng cho hậu thế.
Với thầy Chu Văn An, cái còn lại là danh thơm trong cuộc đời dạy học, là nhân cách cứng rắn trước cái xấu, là tấm lòng ngay thẳng với cuộc sống. Ông xứng đáng được tòng tự (thay chữ này bằng chữ khác dễ hiểu hơn) ở Văn Miếu, mãi mãi và muôn đời là nhà giáo trong sạch, xứng đáng để tôn vinh.
Các bạn thân mến!
Chúng ta rất vinh dự khi nghe về ông, ắt hẳn trong mỗi chúng ta phải cố gắng hết sức mình để học tập, noi gương phẩm chất trong sáng, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của nhà giáo CHU VĂN AN.
Còn rất nhiều điều mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta, được thể hiện rất rõ trong tác phẩm này. Tôi tin rằng các bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và may mắn khi đọc xong tác phẩm và biết thêm rất nhiều về nhà giáo Chu Văn An.
Cuốn sách rất hữu ích cho chúng ta, các bạn hãy tìm đọc để nhớ về người thầy đáng kính và cũng là để tri ân công lao dạy dỗ của các thầy cô trong Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu.