Hơn Nửa Đời Hư
Tác giả: Vương Hồng Sển
NXB: Tổng Hợp TPHCM 1992
Tình trạng: Sách tốt, 684 trang khổ 13X19
Hơn nửa đời hư là cách nói lộng ngữ mang tính tự trào, tự mỉa của tác giả: Bác Vương Hồng Sển; mà theo ông cho đến cuối đời, vẫn chưa làm nên sự nghiệp, dù chỉ với ý nghĩ khiêm nhường.
Bắt tay viết cuốn sách này, Bác Vương khi ấy đã vào cái tuổi ngoài Thập cổ lai hy (tức tuổi trên 70) xưa nay hiếm. Đó là vào năm 1974, cho tới tháng 7-1978 ông mới viết tiếp trang cuối cuốn hồi ức Hơn nửa đời hư này.
Đây là một thiên hồi ức của một nhà văn hóa, một lão học giả học cao, hiểu rộng, có vốn sống vô cùng phong phú và một phương pháp làm việc khoa học – nói có cách, mách có chứng – vì ông nhiều năm làm Viện trưởng Viện Bảo tàng, tinh thông nghề sưu tầm cổ ngoạn, ghi chép những sự việc, những điều chính ông nghe, thấy, làm và biết được. Đó là những bước thăng trầm, “những nỗi buồn, vui, đau khổ” ăn năn, tự vấn, “những tâm sự rải rác phân tán manh mún, vụn vặt về cuộc đời và con người” quanh ông hơn nửa thế kỷ, ở một thời mà ông gọi là “ kinh cụ, khóc, cười lẫn lộn”, nào “Tây cuốn gói, Nhật chạy càng, đến ông Ngô băng lẹ như diều dứt dây” . Trong đó, chính ông dù “địa vị thua, chức phận thua duy về chua tân khổ há dám thua ai”.
Bạn đọc sẽ tìm được trong sách những chuỗi ngày xưa tuy xa mà gần của vùng đất phương Nam này, từ Sóc Trăng, Sa Đéc, lên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… những phong tục, tập quán xã hội, phong cách sống, nét ứng xử, tình bạn thủy chung, tình thầy và trò cung kính, tình gia đình, cha mẹ, xóm làng ấm áp, đầy tình thương và trách nhiệm. Bên cạnh đó, tuy phác họa đơn sơ nhưng người đọc chúng ta cũng hình dung khá rõ chân tướng của hạng người sâu mọt, lọc lừa, nịnh trên nạt dưới, các thói kịch cỡm, rởm đời thời cũ ( trước tháng tư năm 1975), mà bọn họ cũng điển hình trong các cách đe nẹt, hù dọa, miệt thị lẫn nhau, ăn hối lộ, hà lạm, hiếp dân, dựa vào thế lực ngoại bang để vinh thân phì gia.
Tất nhiên, ở Bác Vương, một lão tri thức đầy thiện tâm, tuy không có dịp thực sự hội nhập vào tư trào cách mạng, nhưng ông vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng dân tộc.
Ở tuổi của ông, việc dùng từ pha cổ, xen nhiều tiếng địa phương, cách viết cách tả đôi lúc rề rà, cà kê nhưng bạn đọc chắc chắn dễ thông cảm và thể theo sở nguyện của ông, những nét tốt, đức lành cùng những tật xấu, thói hư, tiếng thơm, tiếng thảo tôi cố giữ y như đã nghe thấy, được biết, chép lại đúng sự thật, ghi dẫu một thời đã qua để làm gương cho hậu thế..(VHS)
Mong rằng các bạn đọc trẻ, trung niên cùng những độc giả cao tuổi, những nhà nghiện cứu, sẽ tìm được trong cuốn sách này bao điều gạn lọc lý thú về cuộc đời, con người, xã hội của một miền đất đầy trăn trở, sục sôi, trồi sụt trong hơn bảy, tám thập kỷ qua, mà tác giả cố công giữ gìn, cất giấu những tài liệu quý giá, sống động để viết ra như vậy.
300