Hết hàng
Giá: 20.000₫
  • Nhà sản xuất: Chưa cập nhật
  • Mã sản phẩm: KB3101
  • Tình trạng: Sách này hết
Chu Văn An Và Người Học Trò Áo Xanh

Tác giả: Hoàng Yến
NXB: Văn Học 1996
Tình trạng: Sách tốt, 161 trang khổ 10.5X17.5

 

Thuở còn rất nhỏ, có lần mẹ dắt đi xem một tuồng hát có tên là Thất trảm sớ, trí nhớ trẻ con không còn gì để lục lọi, nhưng hình ảnh Chu Văn An vẫn choán đầy khoang kí ức. Lớn lên biết đọc sách sử, càng say sưa, càng kính phục con người này đến bội phần. Ngày bước chân vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cứ cảm giác như pho tượng đẹp đẽ bội phần kia không phải là tượng, là Chu Văn An với nỗi đau đời vẫn hiển hiện.

 

Cũng từ lúc nhỏ, tôi nhớ một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian rằng, vì tài đức của Người không chỉ vang danh thiên hạ mà còn lan đến cả trời đất, nên có vị thủy thần cũng hóa thân thành người trần để được theo học. Cuối cùng, người học trò ấy đã cãi mệnh trời, làm một trận mưa cho dân lành thoát nạn hạn hán... Không hiểu sao, cái truyền thuyết ấy cũng đầy mê hoặc đối với tôi, hơn cả mọi câu chuyện nào  khác trong huyền sử. Dẫu biết rằng câu chuyện này do tấm lòng yêu mến của người đời đối với Chu Văn An tạo nên, hơn là chuyện có thật. Nhưng đằng sau vẻ huyền bí ấy, là gì nếu không phải dấu ấn sâu đậm của thầy Chu trong tâm khảm nhân dân, là triết lý sâu sắc về sự hòa hợp giữ người và thần trong cái đạo làm người trên cõi thế!

 

Truyện Người học trò áo xanh của Hoàng Yến nằm trong khuôn khổ loạt truyện về danh nhân lịch sử của Nhà xuất bản Văn học và Công ty Phát hành Sách TPHCM hơn mười mấy năm trước, một đợt làm sách thật có ý nghĩa, tiếc rằng không được duy trì dài lâu hơn. Truyện kể lại câu chuyện truyền kỳ nói trên với  phông nền đậm chất trữ tình và triết lý nhân sinh quan sâu sắc. Người học trò áo xanh, là thái tử Long cung vì cãi mệnh trời cứu người nên bị đọa làm thủy thần, theo học thầy Chu chỉ để được "tâm truyền", dạy đạo làm người chứ không phải đọc sách thánh hiền khô cứng. Để rồi cuối cùng, vị thủy thần ấy một lần nữa cãi mệnh trời, cãi to tát hơn, tạo trận mưa lớn bằng máu của mình để cứu dân.  Cuối cùng cái đạo làm người do thầy Chu truyền dạy, tình yêu thương và nỗi đau khổ "tầm thường" của nhân loại đã biến trái tim lạnh lẽo của thần linh thành trái tim nóng của con người. Và vì "... Làm người phải thắp. Một giây sống thắp còn có ý nghĩa hơn trăm năm sống tối... Trong cuộc sống ngắn ngủi mỗi người có một chút ít dầu và một sợi bấc lụn. Hãy cố thắp lên mà soi sáng bóng đêm dày của vô minh...". Truyện tuy nói về "người học trò áo xanh", nhưng hình ảnh của người thầy họ Chu ấy hiển hiện rõ nét trong từng lời từng chữ. Yếu tố thần linh của câu chuyện, không tạo vẻ hoang đường, mộng tưởng như truyện liêu trai, nó thể hiện những điều sâu sắc hơn đối với cuộc sống thật, về một con người có thật - người thầy Chu Văn An.

 

Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc

Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong

(Cuối Trần đó là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là thú vui của bậc hiền giả

Non phượng còn dấu vết ở ẩn, núi sông mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân)


Truyện chỉ ở mức truyện vừa, khổ nhỏ, chưa đến hai trăm trang, không nhiều tình tiết, diễn biến phức tạp ly kỳ. Mạch truyện chậm rãi, văn phong gọn đẹp, người đọc cứ như đang nhàn du trong vườn hoa vậy. Để rồi khi gấp sách lại, một cảm giác dễ chịu, đầy xao xuyến cứ vấn vương...

Icon-Zalo Chat Zalo Icon-Messager Chat Messenger Icon-Twitter 0989.885.646 Icon-Youtube Kênh Youtube Icon-Instagram Bản đồ Lên đầu trang