Chân Trần
Tác giả: Thùy Dương
NXB: Trẻ 2013
Tình trạng: Sách tốt, 302 trang khổ 13X20
Một người đàn bà của thời hiện đại với công việc làm báo. Một người đàn bà vợ Ba của một ông đốc tờ Tây học những năm bốn mươi. Hai người chỉ có một mối dây liên lạc máu mủ rất xa xôi nhưng gần cận về đường dây tâm linh. Nhà báo nữ hay mơ những giấc mơ về người cụ vợ lẽ của ông mình, hay đúng hơn là tái hiện lại trong tiềm thức cả một chiều dài lịch sử thăng trầm của dòng họ. Kết nối với chuyện ân oán đời xưa, chuyện thời thế can qua, chuyện cải tạo tư sản, chuyện thời bao cấp ly loạn, là chuyện con người nháo nhào tranh đoạt cái lợi thời nay bằng mọi giá, từ đấu đá cơ quan, chạy chức quyền đến những dục vọng trồi lên không chút ngượng ngập.
Câu chuyện trong tiểu thuyết Chân Trần được nhà văn Thùy Dương kể bằng nhiều giọng, có bóng dáng của những cuốn tiểu thuyết dòng tộc kinh điển. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là những người đàn bà, những số phận, những đôi chân trần nhọc nhằn trên con đường đời đầy sỏi đá, đầy những chông gai trên cõi thế vô cùng.
Việc chia từng phần nhỏ trong cuốn tiểu thuyết, mỗi phần lại có những đề từ được dẫn từ kinh Phúc âm, F.Nietzsche, Kant, Milan Kundera hay Olga Bergoltz khiến cho độc giả dễ tiếp nhận và đây như là khoảng lặng, những “chiếu nghỉ” của tâm hồn trong một cuốn tiểu thuyết dài hơi.
Đôi khi người đọc rơi vào trầm tư bởi gặp ý kiến của Steve Jobs được “gắn” vào để chuyển tải một chủ đề ẩn trong một phần tiểu thuyết: “Đừng rơi vào bẫy của sự độc đoán, giáo điều của người khác. Đừng để những ý kiến ồn ào xung quanh đánh chìm tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy đủ dũng cảm để đi theo tiếng gọi của trái tim và linh tính. Chúng biết bạn thực sự muốn gì. Mọi thức khác chỉ là thứ yếu”
Bằng ý thức của một người viết nữ đầy kinh nghiệm, tiểu thuyết Chân Trần của Nhà văn Thùy Dương vừa gọn gàng, vừa hằn sâu cái nhìn về thân phận con người, bật lên những niềm khao khát vô hình mà tác giả ẩn sau những dòng văn giản dị.