Bài Học Israel
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
NXB: Văn Hoá Thông Tin 1994
Tình trạng: Sách tốt, 386 trang. (Sách sưu tầm. Không bán)
Cuốn sách “Bài học Israel” không chỉ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khá hệ thống về lịch sử dân tộc Do Thái, mà quan trọng hơn, thực tế hơn nó còn là một công trình khảo cứu về đất nước Israel từ khi được thành lập đến năm 1968. Một đất nước mà chỉ với hơn nửa triệu dân từ khi lập quốc đã dám đứng ra đương đầu với cả thế giới Arab thù địch xung quanh. Thế giới sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng, một đất nước vừa mới được thành lập với cơ cấu dân cư phức tạp hơn bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới lại có được một tinh thần đoàn kết chiến đấu như vậy. Những người Do Thái trở về từ nước Nga Xô viết, từ Ba Lan lại sẵn sàng chung sức cùng với những người đến từ Anh, Pháp, Hoa Kỳ,… trong cuộc chiến sống còn.
Thế giới thì coi Israel là một quốc gia đi xâm lược, nhưng những người Do Thái thì lại nghĩ khác. Tất cả họ đều tâm niệm rằng họ đang thực hiện một cuộc chiến vì vận mệnh của dân tộc, vì sự tái sinh của đất nước đã mất hàng nghìn năm. Họ chiến đấu vì bổn phận, vì trách nhiệm và còn cả là vì niềm vinh dự thiêng liêng. Tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm không chỉ giúp dân tộc Israel vượt qua được những thời khắc gay go nhất của 4 cuộc chiến tranh với các nước Arab, mà nó còn là sức mạnh để họ biến một vùng đất chết hồi sinh trở lại. Israel chỉ có gần một phần ba đất đai ở miền Galilee là có thể trồng trọt được, còn những phần còn lại thì toàn là sa mạc, đầm lầy hay vùng núi cằn cỗi. Để khai phá những khu vực đó, người Israel phải tháo nước đầm lầy, bốc những lớp đất đá bên trên lớp đất thịt rồi lại xây tường bao quanh để tránh bị rửa trôi. Còn ở sa mạc Neguev đất đai khô cằn bị bỏ hoang hàng nghìn năm người Israel vẫn quyết tâm khai phá cho bằng được. Họ xây dựng các công trình dẫn nước dài hàng trăm cây số để dẫn nước từ miền Galilee về, khoan những giếng sâu đến hàng trăm mét để tận dụng thứ nước vừa mặn, vừa ngọt, rồi trồng cây,… Nhờ những cố gắng phi thường của mình, người Israel đã làm hồi sinh lại một vùng đất chết. Không một dân tộc nào trên thế giới lại chỉ trong một thời gian ngắn lại có thể biến những sa mạc, đầm lầy thành những khu vực nông nghiệp trù phú, không chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể xuất khẩu được như Israel. Họ đã trở thành một nước xuất khẩu cam hàng đầu thế giới trong những thập niên 60, 70, năng suất sữa bò của họ cũng đã bỏ xa tất cả các nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.
Những thành công của dân tộc Israel được tạo dựng trên cơ sở của một tổ chức xã hội rất đặc biệt mà họ gọi là “kibboutz”. Đây là một mô hình xã hội cộng sản theo đúng nghĩa đen của từ này. Hình thức tổ chức các kibboutz của Israel có thể trở thành bài học cho tất cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa, kể cả “người anh cả” Liên Xô. Người Israel đã xây dựng các kibboutz của mình dựa trên tinh thần tự nguyện và bình đẳng. Tại đó, một lối sống cộng đồng được thiết lập một cách khoa học. Những thành viên cùng lao động trên những mảnh ruộng chung, với công cụ lao động chung và cùng một mức hưởng thụ ngang nhau. Nhìn chung, một kibboutz được xây dựng và tổ chức không khác nhiều lắm so với mô hình mà các nước xã hội chủ nghĩa đưa ra, điểm khác biệt duy nhất ở đây là sự tự nguyện. Nhờ có những cộng đồng với tinh thần đoàn kết rất cao trong kibboutz, Israel mới tạo ra được sức mạnh để khai phá những khu vực đất đai khô cằn và khắc nghiệt nhất nhì trên thế giới như sa mạc Neguev hay vùng biển Chết. Sự tồn tại và phát triển của mô hình các kibboutz không chỉ chứng minh cho tính khoa học và hợp lý của nó, mà quan trọng hơn nó còn là một bằng chứng sống cho tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm khôi phục lại đất nước của dân tộc Do Thái.
115