Anh Và Hai Người Đàn Bà
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
NXB: Lao Động 2009
Tình trạng: Sách tốt, 546 trang khổ 13.5x20.5
"... Ngôi nhà năm tầng này qua hai mươi năm được xây dựng dường như chưa được quét vôi lại lần nào. Trước đây nó thuộc một đơn vị trong ngành giao thông làm chủ quản. Nhưng giờ đây, cùng với sự biến động của lịch sử và thời gian, nó thực sự rơi vào tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Song đối với Huấn điều đó lại hết sức may mắn. Khi anh vừa hết hạn thực tập sinh ba năm ở nước ngoài về, chủ nhân của căn phòng anh đang ở được cất nhắc, đề bạt lên vị trí cao hơn. Và tất nhiên kèm theo đó được “điều chỉnh” căn hộ khác rộng rãi, khang trang hơn. Chỉ cần một chút “hoa hồng” nho nhỏ cho chủ nhân và vị phụ trách hành chính lập tức anh được thế chân.
Ngày anh dọn nhà chỉ có độc một va ly đèo trên chiếc xe đạp cọc cạch mượn tạm của bạn bè, và một chiếc giường cá ọp ẹp chở bằng xích lô. Nhưng sau một tháng, giữa một đêm mưa rét, tiếng ô tô tải rì rì đánh vào sân cùng tiếng đồ đạc khuân lỉnh kỉnh đã làm thức giấc nhiều gia đình hàng xóm. Ở tầng nào cũng có những chiếc đầu ngái ngủ thò ra từ hành lang hoặc qua các khe cửa sổ. Còn bọn trẻ con đông đặc nhưkiến, sáng hôm sau ngạc nhiên tụ tập quanh hai chiếc thùng gỗ thông trống rỗng không to tướng. Bọn chúng vừa đánh vần đọc những dòng chữ Tây chữ ta viết hắc ín vừa bàn tán rất rôm rả. Đó là kỷ niệm của mọi người đối với anh.
Còn riêng Huấn, anh còn nhớ rõ buổi đầu đặt chân về đây. Lúc đó chưa tới giờ tan tầm. Ngoài hành lang lố nhố những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi. Trong số đó, đột nhiên anh chú ý tới một trẻ chừng sáu bảy tuổi, da trắng, tóc quăn tự nhiên có khuôn mặt kháu khỉnh với cái trán dô gồ lên trên đôi mắt đen loang loáng rất thông minh. Chiếc áo phông bằng sợi dệt kim có kẻ sọc ôm gọn lấy tấm thân tròn trĩnh của nó. Anh hơi cúi xuống, đưa tay vuốt mái tóc đen có những búp quăn tự nhiên rất to, hỏi chung cả lũ trẻ.
- Thằng này con nhà ai thế?
- Nó là con Thị Nở tái sinh chứ không phải là con trai đâu… Một thằng bé cao ngỏng da tai tái, nhưng có vẻ mồm mép vội vả trả lời. Bọn trẻ con thích chí cười “khi khí” rộ cả lên.
Anh chưa hết ngạc nhiên thì đã thấy đứa bé gái nhếch một mép lên, hai cánh mũi nhỏ xíu của nói như hếch lên và bất ngờ, nó thốt lên giọng lảnh lót:
- Ù! Tao là con Thị Nở tái sinh thì cũng còn hơn mày. Mày là con trai chả đánh được đứa nào.
- Thật không đánh được đứa nào không? Đứa con trai cao ngổng sấn đến, sừng sộ.
- Không đánh được đấy! Đứa bé gái vẫn cứng cỏi đáp lại. Huấn chưa kịp xử trí thế nào thì hai đứa trẻ đã quấn vào nhau. Anh càng thấy lúng túng hơn trước sự cổ vũ mách nước, reo hò của lũ trẻ. Cuối cùng, anh phải nhấc bổng đứa bé gái lên. Nhưng phải một lúc sau mới gỡ được bàn tay của nó ra khỏi mớ tóc rối bù của thằng con trai. Anh phải vờ giận dữ, quát tháo đuỗi lũ trẻ, đứa nào về nhà đứa ấy. Chợt tim anh bỗng se lại, anh không tin vào mắt mình nữa. Từ trên tay anh, đứa bé gái tụt xuống, đang một chân bước một chân kéo lê trên mặt sàn hành lang hướng về căn buồng nhà nó. Anh nhìn mãi theo đôi chân ấy, đôi chân tròn trĩnh trắng trẻo to đều nhau trong hai ống quần đùi dệt kim. Sao thế? Con bé bụ bẫm thế, mắc bệnh gì mà chân co chân duỗi thế nhỉ? Anh băng khoăn tự hỏi. Nhưng không phải là nhà y học nên không tìm ra cho mình lời giải đáp nào. Những ngày tiếp theo, anh thấy nó lê la hết nhà này sang nhà khác. Có đêm đã khuya mà nó vẫn ngủ vạ ngủ vật ở ngoài hành lang vì mẹ nó đi biểu diễn vẫn chưa về. Hai mẹ con sống có vẻ lặng lẽ nhưng nhiều lúc cũng thấy nổi rộ lên những tiếng la hét, quát tháo...."